Hongkong: Khi “nhà chuồng” cũng tăng giá

Nhà chuồng Hongkong là những chiếc chuồng đúng nghĩa, xếp chồng lên nhau, với diện tích chỉ vừa đủ cho một người nhỏ bé nằm khép nép.
Là một trong những trung tâm tài chính thương mại lớn ở châu Á và thế giới, Khu Hành chính đặc biệt Hongkong (Trung Quốc) chịu ảnh hưởng không nhỏ bởi cuộc khủng hoảng toàn cầu vừa qua.

Sự sa sút của nền kinh tế này trở thành…tin vui cho các chủ nhà nhưng lại là tin buồn cho hàng nghìn người đang sống khốn khổ trong những chiếc “chuồng” bằng thép.

Đó là những chiếc chuồng đúng nghĩa với diện tích chỉ vừa đủ cho một người nhỏ bé nằm khép nép. Chuồng nọ xếp chồng lên chuồng kia, được làm bằng những thanh thép rỉ sắt mà trong đó là mỗi cuộc sống, mỗi số phận nghèo.

Vài vật dụng cá nhân đơn giản, dăm bộ quần áo treo luôn trên chuồng và đó là mái nhà của hàng chục, hàng trăm nghìn con người. Nó khá hơn khách sạn…nghìn sao, ăn ngủ ngoài đường song là hình ảnh tương phản đến nghiệt ngã với cuộc sống hiện đại, giàu có nói chung của thành phố này.

“Nhà chuồng” bị coi là một vết nhơ cho thị trường địa ốc sang trọng của Hongkong nhưng thay vì cần được giải quyết, số lượng cũng như giá thuê chúng lại đang tăng lên chóng mặt bởi tình trạng suy thoái kinh tế.

Ước tính, hiện khoảng 100.000 người nghèo Hongkong đang phải trả tiền để mỗi tối có một chỗ ngả lưng như vậy. Và nghịch lý nhất là giá thuê tính theo m2 thậm chí còn cao hơn ở các khu đẹp đẽ, trung tâm!

Một báo cáo gần đây của Tổ chức Xã hội vì cộng đồng (SCO) tại Hongkong cho biết giá thuê “nhà chuồng” đã lên tới 280 dollar Hongkong (tương đương 36 USD/m2) trong khi một căn hộ 4 phòng ngủ ở khu chung cư cao cấp nhìn ra biển cũng chỉ có giá thuê cỡ 210 dollar Hongkong (tương đương 28 USD/m2) mà thôi.

Chủ nhà họ Vương, người chia nhỏ căn hộ của mình thành 12 “chuồng” cho thuê ở bán đảo Cửu Long cho biết, nhu cầu thuê "chuồng” đang ngày một tăng mà lí do chính vì cuộc khủng hoảng. Cầu tăng đồng nghĩa với giá tăng và ông Vương tỏ ra chẳng mấy thương cảm cho các khách hàng khốn khổ: “Nhà chuồng dù sao cũng còn tốt hơn vạ vật trên phố hay dưới gầm cầu”.

Cho dù phải tìm đến “nhà chuồng” là những người phải rất khốn khổ và nghèo túng, việc nhu cầu về chỗ ở hạ đẳng này tăng vọt phản ánh phần nào kinh tế Hongkong đã phải chịu hậu quả nặng nề bởi khủng hoảng. Tỷ lệ thất nghiệp leo lên mức cao nhất trong 4 năm là 5,4% với 203.000 người mất việc.

Quý 2 vừa qua, mặc dù kinh tế Hongkong đã tăng nhẹ 3,3% so với quý I và tạm chấm dứt 4 quý suy thoái liên tiếp, bức tranh toàn cảnh vẫn chưa mấy khả quan. Xuất khẩu giảm 20% trong tháng 7 so với cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu giảm 17,8% cùng thời gian dẫn tới thâm hụt thương mại lên đến 21,7 tỷ dollar Hongkong. Hàng hóa vận chuyển đến Mỹ giảm 29,4%, đến Anh giảm 30,7% và sang Đức giảm 29%.

Giám đốc SCO, Ho Hei-wah cho biết những “chủ nhân” của nhà chuồng đa phần là người thất nghiệp, người có thu nhập thấp như công nhân xây dựng. Mà chính lĩnh vực xây dựng là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất, lên đến 11,8% trong quãng thời gian 3 tháng từ tháng 3 đến tháng 6 năm nay. Và tỷ lệ thất nghiệp chung của Hongkong sẽ còn cao, đặc biệt khi đội ngũ sinh viên tốt nghiệp gia nhập lực lượng lao động trong tháng 8 và tháng 9.

Với tiền thuê “chuồng” hàng tháng giờ đây vào khoảng 1.000 đến 1.500 dollar Hongkong, những người thu nhập thấp này coi như mất đứt 40% thu nhập. Điều kiện sống thì ai cũng rõ. Trung bình 10 người chia sẻ một nhà vệ sinh cùng một căn bếp chật hẹp.

Vấn nạn “nhà chuồng” đang nổi lên trong dư luận Hongkong như là một hình ảnh rõ nét cho sự tương phản giàu nghèo lên đến mức báo động. Theo báo cáo về phát triển con người năm 2008 của Liên hợp quốc, trong số các thành phố châu Á, Hongkong là nơi có hệ số Gini (đo sự tương phản giàu nghèo) cao nhất!

Tình trạng này cũng đã nhận được sự quan tâm của chính quyền. Hồi tháng 2, Cheung Kwok-che, một thành viên Hội đồng lập pháp Hongkong đã dẫn báo cáo trên của Liên hợp quốc và nhấn mạnh thực tế rằng mức chênh lệch giàu nghèo đã “vượt xa ngưỡng báo động”.

Có một lựa chọn cho những người đang sống trong “nhà chuồng”, đó là đăng ký thuê các căn hộ công cộng của chính quyền với giá khá rẻ chỉ vào khoảng 650 dollar Hongkong/tháng.

Thế nhưng tiến trình này đòi hỏi nhiều thủ tục phức tạp và thường kéo dài tới… 3 năm. Ngay cả với các trường hợp được coi là khẩn cấp thì cũng mất 7 đến 8 tháng./.

Trung Sơn/Hongkong (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục