Huế được công nhận là Thành phố du lịch sạch của khu vực ASEAN

Thành phố Huế được trao danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018-2020 và Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương được nhận danh hiệu Khách sạn Xanh ASEAN 2018-2020.
Huế được công nhận là Thành phố du lịch sạch của khu vực ASEAN ảnh 1Khách tham quan Đại Nội Huế. (Ảnh: Hồ Cầu/TTXVN)

Tại Diễn đàn du lịch ASEAN 2018 và Hội chợ du lịch quốc tế Travex tại Thái Lan diễn ra vào cuối tháng 1/2018, tỉnh Thừa Thiên-Huế cùng lúc được nhận hai giải thưởng, trong đó thành phố Huế được trao danh hiệu Thành phố du lịch sạch ASEAN 2018-2020 và Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương được nhận danh hiệu Khách sạn Xanh ASEAN 2018-2020.

Ông Nguyễn Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở Du lịch Thừa Thiên-Huế cho biết giải thưởng Thành phố du lịch sạch có giá trị trong thời gian từ 2018-2020 (tức 3 năm xem xét 1 lần).

Để được công nhận Thành phố du lịch sạch ASEAN, thành phố Huế đảm bảo 7 tiêu chí: quản lý môi trường chung; đường phố sạch sẽ, vệ sinh; quản lý xử lý tốt chất thải, nước thải; chính quyền và cộng đồng có ý thức bảo vệ môi trường và giữ gìn vệ sinh đường phố; nhiều không gian xanh; có các điều kiện tốt đảm bảo an toàn sức khỏe, an ninh đô thị đối với du khách; hạ tầng và các phương tiện phục vụ du lịch phù hợp và đạt chuẩn

Giá trị Thành phố du lịch sạch theo tiêu chí của ASEAN là những yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững, là một trong những giá trị có thể phát huy để quảng bá đến du khách, tạo nên thương hiệu du lịch địa phương của Thừa Thiên-Huế; góp phần xây dựng thương hiệu du lịch mạnh.

Tiêu chuẩn Khách sạn Xanh ASEAN 2018-2020 mà Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương được đón nhận bao gồm 11 tiêu chí xét chọn. Đó là các tiêu chí về chính sách và các hoạt động thân thiện với môi trường trong hoạt động của khách sạn; sử dụng các sản phẩm xanh; hợp tác với chính quyền địa phương và cộng đồng; phát triển nguồn nhân lực; quản lý chất thải rắn; sử dụng năng lượng hiệu quả; sử dụng nước hiệu quả; quản lý chất lượng không khí (trong khách sạn và ngoài trời); kiểm soát ô nhiễm tiếng ồn; quản lý và xử lý nước thải; quản lý việc xả thải chất độc và hóa chất. Đây là giải thưởng cao quý của ASEAN, góp phần tôn vinh và phát triển thương hiệu của doanh nghiệp, sản phẩm và dịch vụ du lịch chất lượng cao trong khu vực.

[Thừa Thiên-Huế đón hơn 1 triệu lượt khách quốc tế trong 9 tháng]

Hàng năm, sẽ có 10 cơ sở lưu trú du lịch của mỗi nước thành viên ASEAN được đề cử trao danh hiệu này. Tuy nhiên, năm nay, Ban tổ chức thẩm định, đánh giá khắt khe hơn đối với các tiêu chí nên số lượng cơ sở lưu trú được chọn của mỗi nước chỉ còn 5 cơ sở - ông Nguyễn Văn Phúc cho biết thêm.

Ngoài Làng Hành Hương của tỉnh Thừa Thiên-Huế, 4 cơ sở lưu trú còn lại gồm: Khu nghỉ dưỡng Flamingo Đại Lải (Vĩnh Phúc), Khu nghỉ dưỡng Four Seasons The Nam Hải (Hội An, Quảng Nam), Khu nghỉ dưỡng Hồ Tràm và Khu nghỉ dưỡng Six Senses Côn Đảo (đều thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu).

Khu nghỉ dưỡng Làng Hành Hương (Pilgrimage Village) tọa lạc ở 130 Minh Mạng (phường Thủy Xuân, thành phố Huế) thuộc Công ty trách nhiệm hữu hạn du lịch và thương mại Á Đông, đi vào hoạt động từ năm 2004. Đây là khu nghỉ dưỡng 5 sao có thiết kế mang đậm chất làng quê Việt, với kiến trúc thể hiện sự cân bằng giữa văn hóa Huế với môi trường, giữa nghệ thuật hiện đại và phong cách truyền thống.

Du khách đến đây không chỉ được trải nghiệm những tiện nghi và dịch vụ cao cấp về lưu trú và nghỉ dưỡng mà còn có cơ hội để khám phá vẻ đẹp tiềm ẩn của văn hóa Việt Nam cũng như vẻ thơ mộng, quyến rũ của văn hóa Huế. Trong những năm gần đây, khu nghỉ dưỡng này đã nhận được một số giải thưởng của các tổ chức, hiệp hội, hãng du lịch danh tiếng trong khu vực và thế giới liên quan đến du lịch xanh và bền vững.

Làng Hành Hương là 1 trong 6 khách sạn, khu du lịch trên thế giới nói chung và là khách sạn duy nhất của Việt Nam nói riêng được bình chọn trong tổng số 40 nước được lựa chọn để bình bầu.

Du lịch đang trở thành một ngành kinh tế mũi nhọn của Thừa Thiên-Huế. Năm 2018, ngành du lịch Thừa Thiên-Huế phấn đấu đón khoảng 4-4,2 triệu lượt khách, tăng 10% so với năm 2017 (trong đó khách quốc tế chiếm từ 40-45%); khách lưu trú ước đạt 2,1-2,2 triệu lượt người, tăng 12% so với cùng kỳ.

Doanh thu du lịch dự kiến tăng 15% so với cùng kỳ năm 2017, đạt 4.000-4.200 tỷ đồng. Trong tháng 1/2018, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế đón 302.000 lượt khách, trong đó có 262.000 lượt khách quốc tế, tăng hơn 30% so với năm 2017. Riêng trong 3 ngày nghỉ lễ Tết Dương lịch 2018, đã có hơn 35.000 lượt khách đến thăm khu di sản Huế, trong đó có hơn 80% là khách du lịch quốc tế.

Năm 2018, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế tiếp tục khai thác tốt tour du lịch "Huế - một điểm đến 5 di sản" (gồm Quần thể di tích Cố đô Huế, Nhã nhạc cung đình Huế, Mộc bản triều Nguyễn, Châu bản triều Nguyễn và Thơ văn chữ Hán trên kiến trúc cung đình Huế, vốn được UNESCO công nhận là di sản thế giới) để thu hút khách tham quan./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục