IMF dự báo suy thoái tồi tệ nhất ở Trung Đông trong nửa thế kỷ qua

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) một lần nữa hạ thấp dự báo kinh tế đối với khu vực Trung Đông-Bắc Phi xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây do dịch COVID-19 và khủng hoảng giá dầu.
IMF dự báo suy thoái tồi tệ nhất ở Trung Đông trong nửa thế kỷ qua ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Nguồn: Lima News)

Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) một lần nữa hạ thấp dự báo kinh tế đối với khu vực Trung Đông-Bắc Phi xuống mức thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây, do "cú sốc kép" đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và khủng hoảng giá dầu.

Trong bản cập nhật triển vọng kinh tế khu vực, IMF cảnh báo nền kinh tế khu vực này sẽ suy thoái 5,7% trong năm nay, thậm chí tới 13% tại các nước đang có xung đột. Hậu quả của tình trạng này sẽ là gia tăng thất nghiệp, nghèo đói, thâm hụt ngân sách và nợ công, cộng thêm bạo loạn xã hội.

Con số trên cao gấp đôi mức suy thoái 2,4% trong dự báo được đưa ra hồi tháng 4. Đây là mức dự báo tồi tệ nhất trong nửa thế kỷ qua và được dự báo sau khi khu vực này vừa mới đạt tăng trưởng khiêm tốn trong năm qua.

Theo IMF, các nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào thu nhập từ năng lượng thuộc Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) được dự báo suy thoái ở mức 7,1%, trong dự báo trước đó là 4,4%.

Trong khi đó, thâm hụt ngân sách sâu cũng được dự báo sẽ khiến mức nợ công tăng vọt lên tương đương 95% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào cuối năm nay tại các nước nhập khẩu dầu. Dự báo nợ công tăng nhanh ở Sudan (258% GDP), Liban (183% GDP) và Ai Cập (90% GDP). Các nước nhập khẩu dầu này còn phải đối mặt với tình trạng giảm ngoại tệ do các lao động di cư gửi về-vốn là một nguồn thu đáng kể.

[Cuộc chiến chống COVID-19 sẽ thay đổi thế giới như thế nào?]

Khoảng 25 triệu lao động nước ngoài đang sống và làm việc tại các nước GCC, tạo thành một nửa dân số của các nước này. Tháng 5, Oxford Economics dự báo số lao động được tuyển dụng tại GCC sẽ giảm 13% trong năm nay, tức là khoảng 1,7 triệu việc làm tại Saudi Arabia và 900.000 việc làm tại Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) sẽ biến mất.

Giám đốc IMF khu vực Trung Đông và Trung Á, ông Jihad Azour cho biết: "Trung Đông - Bắc Phi đang đối mặt một cuộc khủng hoảng không giống ở đâu khác, một cú sốc kép ảnh hưởng đến các chức năng bình thường của các nền kinh tế trong thời gian áp đặt các biện pháp phong tỏa."

Khu vực Trung Đông nằm trong số các nước áp đặt lệnh phong tỏa và các biện pháp chống dịch nghiêm ngặt nhất thế giới, làm đình trệ hầu hết hoạt động kinh tế. Trong khi đó, giá dầu giảm 2/3 vì nền kinh tế toàn cầu cũng chậm lại do dịch. Theo ông Azour, các nước xuất khẩu dầu trong khu vực dự kiến sẽ thất thu khoảng 270 tỷ USD từ dầu mỏ, "đây là một thiệt hại lớn."

IMF cho biết các nền kinh tế bị ảnh hưởng nhất trong khu vực này sẽ là những nền kinh tế "mong manh và trong tình trạng xung đột". GDP trên đầu người ở những nước bất ổn này dự báo giảm từ 2.900 USD trong năm 2018-2019 xuống còn 2.000 USD trong năm nay.

Báo cáo của IMF nhấn mạnh: "Đây là một sự suy giảm thảm họa, sẽ khiến các thách thức nhân đạo và kinh tế thêm trầm trọng, và làm gia tăng mức nghèo đói." IMF cũng cảnh báo: "Bạo loạn xã hội sẽ có thể bùng phát khi các biện pháp phong tỏa được dỡ bỏ."

Ông Azour phân tích thất nghiệp cùng với nghèo đói và bất công có thể đặt ra thách thức cho các chính phủ trong khu vực. Ông dự báo rằng với rất nhiều bất trắc trong bối cảnh hiện nay, tình hình có thể sẽ còn tồi tệ hơn dự báo./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục