Iran: Tàu sân bay Mỹ tại vùng Vịnh có thể thành 'mục tiêu' và 'cơ hội'

Một chỉ huy cấp cao của IRGC khẳng định rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh từng được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhưng hiện nay lại trở thành một "mục tiêu" và là "cơ hội" của Iran.
Iran: Tàu sân bay Mỹ tại vùng Vịnh có thể thành 'mục tiêu' và 'cơ hội' ảnh 1Tàu sân bay USS Abraham Lincoln di chuyển qua kênh đào Suez, gần thành phố Ismailia, phía Đông Cairo của Ai Cập ngày 9/5/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo Mạng tin aljazeera/theguardian, một chỉ huy cấp cao của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) khẳng định rằng sự hiện diện quân sự của Mỹ ở vùng Vịnh từng được xem là mối đe dọa nghiêm trọng nhưng hiện nay lại trở thành một "mục tiêu" và là "cơ hội" của Iran.

Quân đội Mỹ đang triển khai lực lượng, bao gồm một tàu sân bay và các máy bay ném bom B-52, tới Trung Đông. Các quan chức Mỹ nói rằng động thái này là nhằm đối phó với "những ám chỉ rõ ràng" về các mối đe dọa đến từ Iran nhằm vào binh lính Mỹ ở khu vực.

Tàu USS Abraham Lincoln tới khu vực để luân phiên thay thế một tàu sân bay khác vừa rút khỏi vùng Vịnh cuối tháng trước.

Hãng Thông tấn Sinh viên Iran (ISNA) dẫn lời ông Amir Ali Hajizadeh - người đứng đầu lực lượng không quân của IRGC - nói: "Một tàu sân bay mang theo ít nhất 40 đến 50 máy bay và 6.000 binh sỹ từng là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với Iran trước đây. Những hiện nay nó trở thành một mục tiêu và các mối đe dọa đã chuyển thành cơ hội."

Ông tuyên bố: "Nếu (Mỹ) có bất kỳ động thái nào, chúng tôi sẽ đánh thẳng vào đầu họ."

Theo The Guardian, ông Hajizadeh đã phát biểu như vậy trong một phiên họp kín của Quốc hội Iran ngày 12/5. The Guardian cho biết, cũng trong phiên họp này, Tướng Hossein Salami - người vừa được bổ nhiệm làm Tư lệnh mới của IRGC hồi tháng trước - đã phát biểu rằng việc Mỹ triển khai tàu sân bay tới vùng biển của Iran chỉ là một cuộc chiến tranh tâm lý và là một phần trong kế hoạch hăm dọa Tehran.

Behrouz Nemati, người phát ngôn của ông Salami, nói: "Tư lệnh Salami, một người luôn quan tâm tới tình hình của khu vực, đã đưa ra một phân tích trong đó khẳng định rằng người Mỹ đang bắt đầu một cuộc chiến tranh tâm lý bởi việc quân đội Mỹ ra vào khu vực là một vấn đề rất bình thường."

[Mỹ có tiến hành một cuộc chiến tranh tổng lực lớn với Iran?]

Tư lệnh Salami còn cho rằng một cuộc chiến của Mỹ chống lại Iran là điều không thể, khẳng định rằng Washington thiếu sức mạnh quân sự cần thiết để làm điều này.

Những phát biểu trên cho thấy giọng điệu thù địch giữa Washington và Tehran đang tăng lên, kể từ sau khi Iran tuyên bố rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân đạt được năm 2015 hồi tuần trước.

Iran rút một phần khỏi thỏa thuận hạt nhân là nhằm gây áp lực, buộc châu Âu giúp Iran nới lỏng các lệnh trừng phạt kinh tế của Mỹ, đồng thời tái đảm bảo với người dân Iran rằng chính phủ sẽ chống lại Tổng thống Mỹ Donald Trump.

CNN ngày 10/5 đã đưa tin rằng Nhà Trắng để lại một số điện thoại cho Thụy Sĩ để liên lạc với Tổng thống Trump trong trường hợp các quan chức Iran muốn có các cuộc đàm phán. Iran đã cho Liên minh châu Âu (EU) thời hạn 60 ngày để có các biện pháp mới nhằm làm giảm tác động của các lệnh trừng phạt Mỹ đối với Iran, nếu không Tehran sẽ có các bước đi mới rời bỏ thỏa thuận hạt nhân, trong đó bao gồm việc tăng mức độ làm giàu urani.

Mặc dù các nhà lãnh đạo EU cáo buộc Mỹ đang khiến Tehran buộc phải có hành động trả đũa, song EU kêu gọi Iran không nên làm điều này bởi nó sẽ vi phạm các điều khoản của thỏa thuận hạt nhân.

Mỹ đã rút khỏi thỏa thuận này cách đây 1 năm, tuy nhiên EU, Nga và Trung Quốc vẫn duy trì thỏa thuận, cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy Tehran đã vi phạm thỏa thuận này.

Ellie Geranmayeh, một chuyên gia về Iran làm việc tại Hội đồng quan hệ đối ngoại của châu Âu, nhấn mạnh rằng Iran vẫn hy vọng châu Âu và Trung Quốc có thể hành động cứu vãn thỏa thuận hạt nhân bằng cách giúp Iran nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Bà cho biết thêm rằng Tehran rất hy vọng vào những điều EU có thể làm để bảo vệ Iran trước các tác động của các biện pháp trừng phạt của Mỹ William Fallon - cựu Tư lệnh Bộ chỉ huy miền Trung Mỹ - nhận xét với hãng tin Al Jazeera rằng tình hình giữa Iran và Mỹ sẽ không leo thang bất chấp "sự thổi phồng của truyền thông."

Theo ông Fallon, căng thẳng giữa Tehran và Washington đã diễn ra hàng chục năm qua và bất chấp giọng điệu thù địch tăng lên gần đây từ cả hai phía, ông cho rằng sẽ không có hậu quả nghiêm trọng nào xảy ra.

Ông lưu ý rằng "việc đưa tin một cách lố bịch" đang thổi phồng tình hình ở vùng Vịnh, trong khi trên thực tế tình hình hiện nay vẫn giống với tình hình trong suốt nhiều năm qua giữa hai đối thủ này. Ông Fallon nói: "Tại vùng Vịnh, Mỹ đến và đi trong nhiều thập kỷ qua, và Mỹ cho tàu đi lại tự do, rõ ràng và công khai tại vùng Vịnh."

Heshmatollah Falahatpisheh, người đứng đầu Ủy ban về an ninh quốc gia và chính sách đối ngoại - một cơ quan có ảnh hưởng tại Quốc hội Iran, phát biểu với hãng thông tấn chính thức của Iran là IRNA rằng Iran không tìm cách khoét sâu thêm cuộc khủng hoảng này. Ông cho rằng lập trường của Mỹ sẽ suy yếu dần theo thời gian và hiện nay chưa có cơ sở nào để đàm phán với Washington.

Ông Robert Gates, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nhấn mạnh với CBS News rằng sự tính toán sai lầm của lực lượng quân sự hai nước tại vùng Vịnh là "một nguy cơ có thực hiện nay." Ông Gate nói rằng một cuộc xung đột giữa Mỹ và Iran sẽ gây ra "những hậu quả khủng khiếp không thể lường trước ở Trung Đông" và điều này sẽ "rất, rất nguy hiểm."

Ngày 12/5, Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) cho biết 4 tàu thương mại đã trở thành mục tiêu của "các hoạt động phá hoại", nhưng không cho biết lực lượng nào phải chịu trách nhiệm.

Vụ việc này xảy ra tại Vịnh Oman, trong bối cảnh Mỹ đã cảnh báo các tàu thuyền rằng "Iran hoặc các lực lượng ủy nhiệm của nước này" có thể sẽ nhằm vào giao thông hàng hải tại khu vực này. Bộ trưởng Năng lượng Israel, Yuval Steinitz, nói rằng "mọi chuyện đang tăng nhiệt" tại vùng Vịnh.

Phát biểu trên kênh Ynet TV của Israel, ông Steinitz - một thành viên của nội các an ninh - nói: "Nếu xung đột xảy ra giữa Iran và Mỹ, giữa Iran và các nước láng giềng, tôi không loại trừ khả năng họ sẽ 'kích hoạt' phong trào Hezbollah và lực lượng Islamic Jihad ở dải Gaza, hoặc thậm chí họ sẽ bắn tên lửa từ Iran vào lãnh thổ Israel"./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục