Kết quả khai quật di tích chùa-tháp Kim Tôn

Ngày 22/5, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố kết quả khai quật khảo cổ di tích chùa Kim Tôn - Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức (xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).

Ngày 22/5, Bảo tàng lịch sử Việt Nam, Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Vĩnh Phúc đã công bố kết quả khai quật khảo cổ di tích chùa Kim Tôn - Thiền viện Trúc Lâm Tuệ Đức (xã Đồng Quế, huyện Sông Lô, tỉnh Vĩnh Phúc).

Kết quả khai quật này nhằm phục vụ cho công tác trùng tu, tôn tạo di tích.

Từ tháng 3 đến tháng 5/2009, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam tiến hành điều tra (trong khoảng gần 1.000m2), thám sát và khai quật (diện tích hơn 114m2) tập trung ở trung tâm Đồi Chùa.

Bước đầu đã xác định được một số dấu tích kiến trúc của chùa-tháp Kim Tôn, cùng hàng ngàn mẫu vật mang lại nhận thức mới, đầy đủ hơn về quy mô, cấu trúc, tích chất, niên đại và các vấn đề có liên quan đến chùa-tháp Kim Tôn trong suốt quá trình tồn tại.

Sau khi phát quang thảm thực vật che phủ bề mặt khu vực nền Đồi Chùa, mặt bằng được xác định khá bằng phẳng với hai cấp nền cao thấp khác nhau.

Cấp nền trên (cấp 1), nằm ở cao độ 235-236m, diện tích khoảng 1800m2. Xung quanh các cấp nền còn dấu tích đá kè (loại đá trầm tích, đá muốn, thạch anh... được dân trong vùng gọi là đá mồ côi). Nhiều vị trí, kè đá còn khá rõ nét, nhất là phía đông nam cấp nền trên.

Ở phía tây nam cấp nền này còn nguyên dấu tích của bậc cấp lên xuống rộng 7m, dài 12m, cao gần 4m. Nhiều khả năng đây là bậc cấp chính - lối dẫn lên nền chùa-tháp Kim Tôn xưa.

Đáng chú ý, trên bề mặt của hai cấp nền, vật liệu kiến trúc xuất lộ dày đặc, đặc biệt tập trung ở mé đông nam cấp nền trên. Hiện vật chủ yếu là gạch chữ nhật, các mảnh ngói mũi và các mảnh góc tháp, lá đề... thời Trần.

Đối sánh phân bố chung của mặt bằng kiến trúc chùa-tháp thời Lý-Trần, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam đã tiến hành mở 4 hố khai quật ở các vị trí khác nhau, trong đó đặc biệt chú ý phía đông nam Đồi Chùa.

Diễn biến địa tầng về cơ bản có kết cấu: Lớp thứ nhất, dày từ 0,1 - 0,2m, đất mặt màu xám đen bị nhiều rễ cây xâm thực, chứa một số ít các mảnh ngói lợp và trang trí kiến trúc thời Trần, đinh sắt, mảnh gốm thời Lê và hiện đại. Lớp thứ hai, dày từ 0,3 - 0,5m, đất màu vàng xám lẫn sỏi, gạch ngói vỡ và mảnh vật liệu trang trí kiến trúc chùa-tháp, đồ gốm men, đồ sành thời Trần...

Ông Trần Văn Quang, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Vĩnh Phúc cho biết: Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc và nhà chùa đã tiến hành phân loại kèm theo lý lịch những hiện vật khai quật được. Những hiện vật độc bản do nhà chùa lưu giữ để trưng bày tại nhà chùa sau này. Bảo tàng tỉnh Vĩnh Phúc lưu giữ các hiện vật có hình khối lớn giao lại Bảo tàng tỉnh để đưa về trưng bày tại bảo tàng.

Qua khai quật, các chuyên gia khẳng định: Vĩnh Phúc là một trong những nơi phát tích phật giáo đời Lý-Trần. Tỉnh Vĩnh Phúc chủ trương cho nhà chùa khôi phục lại chùa Kim Tôn trên nền chùa cổ có niên đại cách đây khoảng 700-800 năm.

Việc xây Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức nhằm đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng của người dân, góp phần xây dựng hệ quần thể du lịch sinh thái tâm linh ở xã Đồng Quế, huyện Sông Lô gồm: Chùa Kim Tôn, hồ Bò Lạc, thác Bay, hang Đề Thám, bãi Bách Bung.

Theo Luật Di sản văn hoá chùa Kim Tôn có đủ điều kiện để khôi phục lại thành ngôi đại danh lam có tên là Thiền viện Trúc lâm Tuệ Đức.

Trong tương lai, đây sẽ là trung tâm Phật học nằm trong khu vực trọng điểm du lịch của huyện Lập Thạch và huyện Sông Lô./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục