Khai mạc Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng ĐBSCL

Chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ có được tính linh hoạt, sở hữu bộ công cụ và dữ liệu nhằm nắm lấy cơ hội dẫn đầu và cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn.
Khai mạc Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng ĐBSCL ảnh 1Nghi thức khai mạc tuần lễ. (Ảnh: Duy Khương/TTXVN)

Ngày 7/7, thành phố Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang phối hợp với Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức Tuần lễ thúc đẩy chuyển đổi số phát triển kinh tế vùng Đồng bằng sông Cửu Long năm 2022, với sự tham dự của 32 tỉnh, thành phố và đặc biệt là sự có mặt của hơn 200 doanh nghiệp, hội, hiệp hội từ các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Tuần lễ này diễn ra từ ngày 7-9/7, sẽ là dịp tốt để các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, người dân Hậu Giang có cơ hội được lắng nghe, tìm hiểu, trao đổi kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số từ các tỉnh, thành phố bạn.

Đồng thời là cơ hội để các cơ quan quản lý nhà nước của các lĩnh vực thông tin và truyền thông, công thương, văn hóa, thể thao và du lịch, nông nghiệp và phát triển nông thôn thuộc các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam chia sẻ kinh nghiệm triển khai chuyển đổi số nói chung, chuyển đổi số các lĩnh vực nông nghiệp, du lịch, nhà hàng, khách sạn nói riêng; trao đổi với các doanh nghiệp cung cấp giải pháp để từ đó có thể xác định các mô hình, cách làm, giải pháp chuyển đổi số phù hợp nhất cho ngành, địa phương mình.

[Phát động cuộc thi sáng tác biểu trưng Chuyển đổi số quốc gia]

Phát biểu khai mạc, ông Lâm Nguyễn Hải Long, Chủ tịch Hội Tin học Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng chuyển đổi số sẽ gõ cửa tất cả các ngành, chỉ còn là vấn đề thời gian. Không có doanh nghiệp hoặc chính quyền nào có thể thoát khỏi xu thế này.

Muốn chuyển đổi số thành công thì bộ máy điều hành của địa phương cần được giao phó và phải có khả năng lãnh đạo; nói cách khác, chuyển đổi số phải được dẫn dắt từ trên xuống, bắt đầu từ những người đứng đầu cùng với sự đồng lòng, ủng hộ tuyệt đối của các cấp. Chuyển đổi số đã tạo ra các ngành và các mô hình kinh doanh, mô hình quản trị mới.

Chuyển đổi số sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp nhỏ có được tính linh hoạt, sở hữu bộ công cụ và dữ liệu cho phép những doanh nghiệp nhỏ nắm lấy cơ hội dẫn đầu và cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn theo một phương thức hoàn toàn khác với truyền thống trước đây.

Theo Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, Hậu Giang là một tỉnh thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mức độ phát triển kinh tế còn thấp, việc ứng dụng công nghệ thông tin có xuất phát điểm thấp, thực hiện chuyển đổi số còn nhiều khó khăn.

Trong thời gian qua, với sự vào cuộc và quyết tâm của cả hệ thống chính trị, Hậu Giang cũng đã hoàn thành một số nội dung chuyển đổi số, đã đạt được một số kết quả bước đầu trong công cuộc chuyển đổi số toàn dân-toàn diện.

Hiện nay, Hậu Giang đang tiếp tục nỗ lực, khẩn trương triển khai các giải pháp chuyển đổi số trong tất cả các ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh nhằm tạo ra sự đột phát trong phát triển kinh tế số, xã hội số, góp phần cho sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh.

Ông Nguyễn Chí Tâm, Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Hậu Giang cho rằng các bộ, ngành liên quan cần có hướng dẫn, ban hành bộ tiêu chí, tiêu chuẩn về chuyển đổi số đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Để từ đó, các doanh căn cứ thực hiện chuyển đổi số một cách hiệu quả, thiết thực; tránh dàn trải, không biết bắt đầu từ đâu và bắt đầu từ những bước như thế nào như hiện nay./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục