Khoảng 98% trẻ em trong độ tuổi được uống Vitamin A miễn phí

Tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam còn cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi (24.6%) và sự chênh lệnh khá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc.
Khoảng 98% trẻ em trong độ tuổi được uống Vitamin A miễn phí ảnh 1Nhân viên y tế cho trẻ uống Vitamin A. (Ảnh: Dương Ngọc/TTXVN)

Ngày 26/5, theo thông tin từ Viện Dinh dưỡng (Bộ Y tế), nhân ngày Vi chất dinh dưỡng (1-2/6) năm nay, Viện đã cấp 7.611.000 viên nang vitamin A để bổ sung cho trẻ nhỏ và bà mẹ sau đẻ.

Số viên Vitamin A trên được bổ sung cho gần 5 triệu trẻ từ 6-36 tháng tuổi và 500.000 bà mẹ sau đẻ trong vòng một tháng được uống bổ sung viên nang vitamin A tại 63 tỉnh/thành. 

Đặc biệt, có 22 tỉnh khó khăn (nơi có tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi cao), đối tượng uống vitamin A liều cao được mở rộng đối với trẻ từ 37-60 tháng tuổi (có 1.100.000 trẻ) và hoạt động tẩy giun sẽ được triển khai cho trẻ từ 24-60 tháng tuổi. 

Thông tin từ Viện Dinh dưỡng cho biết, có ít nhất 98% trẻ em trong độ tuổi được uống Vitamin A.

Phó giáo sư Lê Danh Tuyên - Viện trưởng Viện Dinh dưỡng đã cho biết, vi chất dinh dưỡng có vai trò đặc biệt quan trọng đến sự phát triển của trẻ, thiếu vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch, sự phát triển bình thường về chiều cao, thể lực và trí tuệ của trẻ. Trong đó, trẻ thiếu vitamin A gây nên hiện tượng mù lòa, thiếu sắt gây thiếu máu, thiếu i-ốt gây đần độn và kém phát triển trí tuệ.

Trong những năm qua, Việt Nam đã triển khai thành công Chương trình bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ em 2 lần/năm, tình trạng mù lòa do thiếu vitamin A ở trẻ em đã được thanh toán, tỷ lệ trẻ bị thiếu vitamin A tiền lâm sàng đã giảm dần qua các năm.

Theo phó giáo sư Tuyên, mặc dù Việt Nam đã đạt được mục tiêu Thiên niên kỷ về giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em trước 3 năm so với kế hoạch nhưng tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ dưới 5 tuổi ở nước ta vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là suy dinh dưỡng thể thấp còi.

Hiện nay, tỷ lệ suy dinh dưỡng ở trẻ em Việt Nam còn cao, đặc biệt là suy dinh dưỡng thấp còi (24.6%) và sự chênh lệnh khá lớn giữa các vùng miền, đặc biệt là các tỉnh Tây Nguyên và vùng núi phía Bắc (tỷ lệ thấp còi tương ứng là 34,2% và 30,3%).

Do vậy, việc can thiệp phòng chống thiếu vi chất dinh dưỡng, đặc biệt là can thiệp trong 1.000 ngày đầu đời là một trong những giải pháp quan trọng nhất để cải thiện tình trạng suy dinh dưỡng thấp còi, cải thiện tình trạng bệnh tật và tử vong ở trẻ em./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục