Khủng hoảng Belarus: Những rủi ro địa chính trị đối với các cường quốc

Mặc dù trước đây từng xảy ra tình trạng bất ổn ở Belarus, song diễn biến lần này là chưa từng có tiền lệ xét theo tính chất nghiêm trọng và những hậu quả tiềm tàng.
Khủng hoảng Belarus: Những rủi ro địa chính trị đối với các cường quốc ảnh 1Những người ủng hộ phe đối lập tại Belarus tham gia biểu tình phản đối Chính phủ ở Minsk ngày 15/8. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, tình trạng bất ổn đang nhấn chìm Belarus do kết quả gây tranh cãi của cuộc bầu cử tổng thống hôm 9/8.

Cả Tổng thống đương nhiệm Alexander Lukashenko - nắm quyền từ năm 1994 - và thủ lĩnh đối lập Sviatlana Tsikhanouskaya đều tuyên bố đã giành được chiến thắng áp đảo.

Có lẽ, không có gì ngạc nhiên khi mối căng thẳng này kích động các cuộc biểu tình quy mô lớn trên khắp cả nước.

Phe đối lập cáo buộc đã xảy ra tình trạng gian lận thái quá, còn chính quyền Belarus cho rằng các cuộc biểu tình được dàn dựng bởi “các thế lực bên ngoài.”

Mặc dù trước đây từng xảy ra tình trạng bất ổn ở Belarus, song diễn biến lần này là chưa từng có tiền lệ xét theo tính chất nghiêm trọng và những hậu quả tiềm tàng.

[EU chia rẽ về biện pháp đối với cuộc khủng hoảng chính trị tại Belarus]

Chiều hướng biểu tình với các nguy cơ tiềm tàng vẫn ngày một lớn mạnh. Người biểu tình yêu cầu tổng thống Lukashenko từ chức. Đáp lại, cách phản ứng của nhà lãnh đạo Belarus lại càng mang tính đối đầu và hoạt động trấn áp đã làm suy yếu hơn nữa tính hợp pháp chính trị của ông.

Vì vậy, giải pháp dựa trên biện pháp thương lượng hai bên dường như không khả thi và cũng không rõ liệu đây có phải là điều mà hai bên mong muốn hay không.

Những vấn đề này khiến người ta không khỏi nghĩ đến điều được gọi là “cách mạng màu,” vốn không chỉ làm thay đổi chế độ mà còn tạo ra những sắp đặt lại về mặt địa chính trị ở những nơi như Đông Âu, không gian hậu Xô Viết và vùng Đông Nam châu Âu.

Mọi thứ có thể dễ dàng vượt ra khỏi tầm kiểm soát, song có một điều chắc chắn rằng những sự kiện sẽ diễn ra như thế nào trong những tháng tới và có thể thậm chí là những năm tới sẽ mang tính chất quyết định đối với cán cân quyền lực toàn cầu.

Nói cách khác, diễn biến ở Belarus cần được đánh giá ở góc độ địa chính trị.

Vì sao Belarus quan trọng?

Belarus nằm ở vị trí gần với trung tâm của khu vực quan trọng hàng đầu được gọi là “đại lục Á-Âu,” mà quyền kiểm soát khu vực này đóng vai trò thiết yếu trong việc thống trị thế giới.

Thực ra, do vị trí gần gũi với khu đồng bằng Bắc Âu và không có rào cản về mặt địa lý, nên Belarus là một cửa ngõ kết nối Nga với châu Âu.

Một vị trí địa lý như vậy của Belarus có ý nghĩa quan trọng đối với việc phát triển các mối quan hệ kinh tế hoặc phô diễn sức mạnh, hoặc cả hai đường hướng này.

Tuy nhiên, không dừng lại chỉ là sự việc nội bộ đơn thuần, cuộc khủng hoảng Belarus gây ra những hậu quả địa chính trị sâu rộng đối với các cường quốc gồm Nga, Mỹ và Trung Quốc.

Nga

Do tầm quan trọng về địa chính trị, Belarus đóng vai trò quan trọng đối với Nga như là một vùng đệm phòng thủ, vốn có thể che chắn cho khu vực trung tâm của Nga trước mối đe dọa tiềm tàng từ Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), nhất là khi tính đến việc liên minh này mở rộng về phía Đông và sự nổi lên của chính quyền ủng hộ phương Tây ở Kiev kể từ sau cuộc biểu tình của phong trào Euromaidan dẫn đến việc Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych bị lật đổ.

Do đó, việc đảm bảo Belarus là một đồng minh hoặc chí ít giữ vai trò trung lập vẫn là một ưu tiên địa chiến lược đối với Nga.

Ngoài ra, người ta cho rằng Belarus lâu nay là nước thân Nga nhất trong không gian hậu Xô Viết. Minsk đã tham gia các khuôn khổ thể chế do Nga thiết lập như Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể và Liên minh Kinh tế Á-Âu, một nỗ lực nhằm thúc đẩy hội nhập kinh tế và thương mại ở khuôn khổ được gọi là “gần nước ngoài.”

Tuy nhiên, sẽ là sai lầm khi cho rằng Tổng thống Belarus Lukashenko chỉ là con tốt đen hoặc con rối của Nga.

Mặc dù ông phần lớn ủng hộ Kremlin, song ông có chương trình nghị sự riêng của mình.

Ví dụ, một trong những lý do mà ông không nhiệt thành ủng hộ kế hoạch tái thống nhất là do lo sợ vai trò chính trị của ông sẽ bị thu hẹp.

Hơn nữa, ông Lukashenko lại đang ve vãn phương Tây để thu được một số nhượng bộ và cũng là một chiến thuật để có được ưu thế trong các đàm phán với Moskva.

Vì vậy, Nga không thể “khoanh tay đứng nhìn” tình trạng bất ổn lan rộng ở nước láng giềng Belarus. Thế nhưng, Moskva lại không dễ dàng lựa chọn được một phương án xử lý.

Nếu can thiệp quân sự để cứu vãn tình thế cho ông Lukashenko hoặc sáp nhập toàn bộ Belarus, Nga sẽ vấp phải sự phản đối quyết liệt từ phương Tây và khi đó các lực lượng vũ trang của Nga sẽ phải tham gia một cuộc chiến tranh xâm lược nguy hiểm trước một lực lượng thù địch từng là bạn bè.

Và đây là tình huống mà các lực lượng đối địch của Nga sẽ tận dụng để góp phần gây ra một cuộc chiến tranh tiêu hao tài nguyên của Nga.

Ngay cả việc dàn dựng phiên bản hiện đại của các sự kiện bi thảm của Mùa xuân Praha rốt cục sẽ gây ra nhiều phiền toái hơn.

Tương tự, việc sử dụng “các biện pháp tích cực” (như các chiến dịch kín) hoặc việc triển khai các lực lượng đặc nhiệm hoặc lính đánh thuê cũng sẽ không thể giải quyết được tình hình ở Belarus.

Trong khi đó, Nga cũng không thể đơn thuần chấm dứt sự ủng hộ đối với Tổng thống Lukashenko vì làm như vậy thì Moskva sẽ thua thiệt nhiều.

Vì phe đối lập ở Nga có thể thách thức chế độ của ông Putin sau khi được khích lệ bởi sự thành công của việc thay đổi chế độ ở Ukraine và Belarus và tình huống đó, nếu xảy ra, sẽ chẳng khác nào cuộc “cách mạng màu” đối với chính nước Nga.

Hơn nữa, nếu Nga bỏ mặc số phận của Lukashenko thì một số đồng minh “bằng mặt nhưng không bằng lòng” của Nga như Syria hoặc Venezuela có thể không còn coi Moskva là một đối tác chiến lược tin cậy của mình nữa và khiến họ sẽ phải đánh giá lại các chính sách ngoại giao của mình.

Sự lựa chọn dễ dàng hơn cả, ít rủi ro hơn, đối với Moskva sẽ là việc đóng vai trò với tư cách là một bên liên quan trong quá trình chuyển giao quyền lực được thương lượng hoặc được quản lý, một quá trình vốn có thể bao gồm khả năng ông Lukashenko sẽ phải sống lưu vong.

Rất nhiều vốn liếng chính trị sẽ cần được đầu tư vào quá trình này và không ai biết trước chi tiết của quá trình này cũng như kết quả của nó, song ít nhất tầm ảnh hưởng của Nga sẽ là điều mà tất cả các bên phải nhìn nhận. Tuy nhiên, sự lựa chọn này dường như không thể thực hiện được vào thời điểm này.

Mỹ

Nhu cầu cấp thiết hàng đầu mang tính địa chính trị đối với an ninh quốc gia của Mỹ là ngăn chặn quá trình hội nhập và thống nhất ở khu vực Á-Âu.

Lý do là sự tổng hợp các nguồn tài nguyên của vùng trung tâm Á-Âu, khí tài và nguồn nhân lực cùng với sự giàu có và công nghệ của châu Âu hoặc Đông Á có thể đe dọa trực tiếp khu vực bán cầu Mỹ. Do đó, Washington phải làm mọi thứ để cô lập Nga và Trung Quốc.

Sự mở rộng của Liên minh châu Âu và NATO đóng vai trò cho mục tiêu nói trên của Mỹ. Do đó, Mỹ đã tích cực thúc đẩy việc nhân rộng “các cuộc cách mạng màu” để đảm bảo rằng các chế độ ủng hộ phương Tây sẽ thế chân các chế độ ủng hộ Nga.

Việc thực hiện các hoạt động phục vụ các cuộc cách mạng màu như thế lại ít tốn kém và nguy hiểm hơn so với can thiệp quân sự trực tiếp và phương pháp này hoàn toàn phù hợp với chính sách kiềm chế mà Mỹ thực hiện trong suốt Chiến tranh Lạnh.

Đối với Belarus, dù Washington không liệt Minsk vào danh sách các nước bị coi là “Trục Ma quỷ,” song Bộ Ngoại giao Mỹ đã xác định Belarus là một “tiền đồn của sự chuyên chế” và là “chế độ độc tài cuối cùng ở châu Âu” trong gần 20 năm qua.

Do đó, làn sóng bất ổn hiện nay ở Belarus tạo cơ hội để thu hẹp tầm ảnh hưởng chính trị của Nga.

Nếu xảy ra sự thay đổi chế độ ở Belarus, và nhất là nếu điều này dẫn đến một chính phủ ủng hộ phương Tây, đây sẽ là một thắng lợi địa chính trị to lớn đối với Mỹ và đồng minh.

Khi đó, Washington sẽ kiểm soát được tầm ảnh hưởng của Nga và thậm chí sẽ chẳng còn cần phải nuôi dưỡng ý tưởng để Belarus tham gia EU hoặc NATO.

Chắc chắn, chính sách này sẽ nhận được sự ủng hộ của các nước như Ukraine, Ba Lan và các nước Baltic vốn đều là những nước lo sợ trước một nước Nga quyết đoán và mang tư tưởng phục thù.

Tuy nhiên, hiện không rõ các nước Tây Âu lớn như Pháp và Đức có hào hứng tham gia chính sách trên của Mỹ trong không gian hậu Xô Viết chỉ để bảo vệ khái niệm dân chủ tự do trừu tượng của họ hay không.

Bởi suy cho cùng thì các cường quốc Tây Âu này vẫn có chính sách thực dụng đối với những những nước mà các giá trị của họ không giống với các giá trị của phương Tây, bao gồm Trung Quốc và Iran.

Trung Quốc

Khác với chính sách theo chủ nghĩa xét lại của Nga ở châu Âu, Trung Quốc đang được coi là một cường quốc nguyên trạng ở châu Âu. Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là Bắc Kinh không ấp ủ tham vọng gì ở châu lục này.

Trên thực tế, lãnh thổ của một số nước thuộc không gian hậu Xô Viết, bao gồm Belarus, đóng vai trò như cầu nối để Trung Quốc thúc đẩy các mối quan hệ kinh tế với Tây Âu, nhất là thông qua các hệ thống đường sắt.

Ngoài ra, cần lưu ý rằng Belarus và Trung Quốc gần đây đã thiết lập một dự án cơ sở hạ tầng quan trọng như một đặc khu kinh tế bao gồm cơ sở sản xuất công nghệ cao cho các ngành như điện tử, công nghệ thông tin và công nghệ sinh học...

Ngoài ra, một yếu tố khác cần tính đến là Trung Quốc hiện cũng là một nhà cung cấp các dòng tín dụng cho Belarus, nước vốn không có quyền tiếp cận ưu tiên đối với các thị trường vốn quốc tế.

Đối với chế độ Lukashenko, việc làm ăn kinh doanh với Trung Quốc lâu nay là một lựa chọn mang tính thực dụng, do điều này giúp thu hẹp sự phụ thuộc chiến lược của Belarus vào Nga mà không cần phải đứng về phương Tây hoặc tuân thủ các điều kiện mà Washington hoặc Brussels đặt ra.

Hơn nữa, trong quan điểm của Minsk, Trung Quốc cách xa hàng nghìn dặm và không có ý định sáp nhập Belarus thành một tình trong khi Nga lại có ý định này.

Nói cách khác, Belarus là một đối tác kinh doanh quan trọng đối với Trung Quốc song cũng đóng vai trò trung gian quan trọng để Bắc Kinh triển khai chiến lược địa kinh tế ở châu Âu.

Do đó, sự nổi lên của một chính phủ thân phương Tây ở Minsk có thể làm tổn hại những dự án của châu Âu trong sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Bắc Kinh, một diễn tiến sẽ trở thành bước thụt lùi đối với các lợi ích quốc gia của Trung Quốc.

Cho đến thời điểm này, Trung Quốc vẫn tỏ ra thận trọng song chắc chắc sẽ dõi theo sát sao cuộc khủng hoảng hiện nay tại Belarus.

Tóm lại, cuộc khủng hoảng hiện nay tại Belarus chủ yếu là hệ quả của những căng thẳng chính trị trong nước. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng này lại ẩn chứa một vấn đề quốc tế sâu sắc.

Trên thực tế, cuộc khủng hoảng này gây ra những hệ quả vốn có thể tác động đến bàn cờ địa chính trị toàn cầu trong hàng chục năm tới./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục