Kiến nghị không gia hạn giảm 50% phí trước bạ ôtô lắp ráp trong nước

Nếu không có gì thay đổi, khách hàng mua ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa để kịp mua xe hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.
Nhà máy sản xuất xe ôtô VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)
Nhà máy sản xuất xe ôtô VinFast tại Hải Phòng. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bộ Tài chính vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ báo cáo về việc thực hiện các chính sách miễn giảm phí, lệ phí để tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh do tác động của dịch COVID-19.

Bộ này cũng xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đối với các khoản phí, lệ phí đã điều chỉnh giảm năm 2020 (tại 21 Thông tư của Bộ Tài chính), được tiếp tục áp dụng đến hết ngày 30/6/2021, như miễn thuế môn bài đối với nhiều đối tượng; miễn lệ phí năm đầu đối với doanh nghiệp, hộ gia đình, cá nhân, nhóm cá nhân thành lập mới...

Tuy nhiên, đối với lệ phí trước bạ của xe ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước, Bộ Tài chính đề xuất không kéo dài chính sách giảm 50%.

Trước đó Chính phủ đã ban hành Nghị định 70, trong đó có quy định giảm 50% phí trước bạ cho ôtô lắp ráp trong nước từ ngày 28/6/2020 cho đến hết ngày 31/12/2020.

Như vậy nếu không có gì thay đổi, khách hàng mua ôtô sản xuất lắp ráp trong nước sẽ chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa để kịp mua xe hưởng ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ.

Theo tính toán của Bộ Tài chính, tổng số phí, lệ phí ước hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp khoảng 1.000 tỷ đồng. Việc giảm 50% phí trước bạ cho ôtô sản xuất, lắp ráp trong nước ước tính giảm tổng thu ngân sách nhà nước khoảng 3.700 tỷ đồng.

Cơ quan này cũng cho biết đây chỉ là giải pháp ngắn hạn nhằm kích thích tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô trong nước trước ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19 theo Nghị quyết số 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của chính phủ.

Trong quá trình thực hiện, đại sứ quán một số nước (Indonesia, Thái Lan) và Hiệp hội Eurocham có ý kiến và gặp Bộ Tài chính kiến nghị về việc phân biệt đối xử giữa xe nhập khẩu và xe sản xuất trong nước.

[Thị trường ôtô ‘nóng’ trước khi hết giảm phí trước bạ dịp cuối năm]

Theo một số chuyên gia ngành ôtô, hiện nay thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng trở lại tuy nhiên vẫn sụt giảm so với cùng kỳ năm trước do dịch bệnh bùng phát song vẫn chưa thể lấy lại đà tăng trưởng vốn có. Bởi thế, gói giảm 50% trước bạ được xem là đòn bẩy để thị trường "ấm" trở lại.

Theo báo cáo từ Hiệp hội các nhà sản xuất ôtô Việt Nam (VAMA), tháng 10/2020 vừa qua, doanh số của các thành viên đạt mức kỷ lục trong năm 2020 với 33.254 xe, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên tính hết 10 tháng đầu năm 2020, doanh số các thành viên VAMA vẫn đang ghi nhận mức sụt giảm lên tới 18% so với năm 2019.

Bên cạnh đó, thị trường ôtô Việt Nam năm 2020 khó đạt được mức tiêu thụ gần 400.000 xe như năm 2019, bởi doanh số bán bình quân trong 10 tháng của năm 2020 mới đạt hơn 20.000 xe/tháng, trong khi mức bình quân của năm trước là hơn 33.000 xe/tháng.

Đối với nhiều mẫu xe lắp ráp, bên cạnh ưu đãi giảm 50% lệ phí trước bạ từ chính phủ, để gia tăng sức cạnh tranh, hãng xe thậm chí đưa ra chương trình ưu đãi hỗ trợ nốt 50% lệ phí trước bạ còn lại khách hàng phải nộp. Điều này đồng nghĩa với việc khách hàng được “miễn phí” hoàn toàn lệ phí trước bạ khi mua ôtô. Đơn cử có thể kể tới hãng xe Việt VinFast với các mẫu Fadil, Lux A2.0 và Lux SA2.0 hay Honda CR-V (bản lắp ráp)…

Còn đối với ôtô nhập khẩu, việc không được ưu đãi về thuế phí đã tạo bất lợi đáng kể cho dòng xe này về mặt cạnh tranh. Tuy nhiên, các mẫu xe nhập khẩu cùng đã tìm ra cách giải bài toán này bằng cách giảm lệ phí trước bạ “tương đương” với xe lắp ráp cho khách hàng. Ví dụ như Mitsubishi Xpander hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho khách hàng, hay thậm chí là tặng 100% lệ phí trước bạ đối với một số mẫu xe của Volkswagen, sedan hạng sang BMW 5 Series và BMW 7 Series, Land Rover, Jaguar.../.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục