Kinh tế thế giới lao đao bởi “cơn ác mộng trên thị trường dầu mỏ"

Khi các kho dự trữ dầu đã “tràn trề” sẽ không còn chỗ để chứa thêm dầu trong khi đã đến thời điểm thực hiện hợp đồng và nhà đầu cơ buộc phải bán tháo dầu trên thị trường.
Cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng của Tập đoàn Gazprom, Nga ở Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Cơ sở khí tự nhiên hóa lỏng của Tập đoàn Gazprom, Nga ở Bắc Cực. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cơn bão hoàn hảo,” “Ngày thứ Hai tàn phá,” “Cơn ác mộng trên thị trường dầu mỏ,” “Các nhà giao dịch sốc với điều chưa từng có trên thị trường” là những dòng tít dùng để chỉ sự thật khó tin ngày 20/4 vừa qua, khi giá dầu ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giao tháng Năm tới giảm tới 300% và rơi xuống mức âm 37,63 USD/thùng trên thị trường NYMEX.

Những người am hiểu thị trường dầu bình luận về hiện tượng này một cách khó tin rằng giá dầu WTI giao tháng Năm tới giảm xuống mức dưới 0 USD/thùng đồng nghĩa mới việc khi mua “vàng đen” người mua còn được nhận thêm một khoản tiền kha khá.

Tuy nhiên, nếu xem xét kỹ, việc giá dầu giảm xuống mức âm có nhiều lý do. Đó là cung hiện cao hơn nhiều so với cầu trên thị trường dầu.

Khi các kho dự trữ dầu đã “tràn trề” sẽ không còn chỗ để chứa thêm dầu trong khi đã đến thời điểm thực hiện hợp đồng và nhà đầu cơ buộc phải bán tháo dầu trên thị trường.

Thêm vào đó, cú lao dốc bất thường nói trên đã cho thấy rõ sự bất lực của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước liên minh (OPEC+) trong việc ổn định giá dầu.

Trong khi đó, tại Nga, giá dầu xuất khẩu chuẩn Urals của nước này đã rơi xuống ngưỡng âm ngay từ đầu tháng Tư này.

Giá dầu của Nga đã giảm xuống mức mà theo giải thích của hãng tin Argus Media, là khi trừ chi phí vận chuyển, thuế xuất khẩu và các chi phí khác người bán thậm chí còn phải bù thêm tiền. Trong khi đó, Bộ Tài chính Nga thông báo giá dầu Urals trung bình trong khoảng thời gian từ ngày 15/3-14/4 vừa qua là 19 USD/thùng.

Đối với Nga, sự lao dốc của giá dầu xuống mức 0 USD/thùng sẽ khiến cho nước này phải đối mặt với “những khó khăn lớn.” Doanh thu từ dầu mỏ và khí đốt (mà giá cũng căn cứ theo giá dầu) chiếm 40% ngân sách Liên bang Nga.

Mặc dù Nga vẫn còn hơn 700 tỷ USD dự trữ ngoại hối, song theo các chuyên gia, “số tiền này chỉ đủ để nước Nga sống trong 2 năm nếu không có thêm bất cứ nguồn thu ngân sách nào.”

Ngân sách năm 2020 của Nga được tính toán dựa trên giá dầu Urals ở mức 42,45 USD/thùng, trong khi giá dầu trung bình hiện nay chưa tới 50% con số trên.

[Bước ngoặt chiến lược của Nga trong cuộc khủng hoảng dầu mỏ]

Ông Dmitry Marinchenko, Giám đốc cấp cao phụ trách nhóm phân tích về tài nguyên thiên nhiên của Fitch, cho rằng với mức giá dầu dưới 15 USD/thùng, ngân sách Nga nhận được số thuế tối thiểu từ các công ty dầu mỏ.

Cả thuế xuất khẩu và thuế khai khoáng đều về 0 ở mức giá này; do đó, giá dầu càng ở mức thấp, thâm hụt ngân sách Nga càng lớn.

Thuế xuất khẩu dầu của Nga được tính hàng tháng dựa trên giá dầu Urals trung bình 4 tuần trước đó. Và như vậy, trong tháng Năm tới, thuế xuất khẩu dầu của Nga sẽ giảm 87% so với tháng Tư này, xuống còn 6,8 USD/tấn.

Hồi đầu tháng Tư này, Bộ Tài chính Nga thông báo nguồn thu ngân sách của nước này từ hoạt động xuất khẩu dầu và khí đốt sẽ giảm 55,8 tỷ ruble.

Theo ước tính của hãng tin Bloomberg dựa trên dữ liệu của Bộ Tài chính Nga, trong tháng Năm tới, ngân sách Nga sẽ chỉ nhận được 1 USD cho mỗi thùng dầu bán ra nước ngoài.

Giá trị của đồng ruble Nga thường được gắn với giá dầu. Khi giá dầu giảm, đồng ruble cũng mất giá so với USD hay euro. Sau ngày “thứ Hai thê thảm,” giá đồng ruble đã giảm từ mức chưa tới 74 ruble/USD xuống mức 77 ruble/USD.

Tuy nhiên, nhiều dự đoán cho rằng với giá dầu Urals ở mức chỉ 15 USD/thùng, đồng rubble có thể giảm mạnh xuống mức 100 ruble mới đổi được 1 USD. Như vậy, giá trị Tổng sản phẩm quốc nội (GDP)  của Nga sẽ giảm nếu quy ra USD, làm suy yếu hơn nữa vai trò và vị thế cường quốc của Nga.

Sự sụp đổ lịch sử của giá dầu này là một cú sốc mới đối với nền kinh tế thế giới vốn đang suy yếu, tiếp tục gây ra tình trạng thâm hụt ngân sách lớn đối với một số nước khai thác dầu vốn đã bị tổn hại nghiêm trọng trong thời gian qua, từ Saudi Arabia cho tới Canada.

Saudi Arabia, nước đã khiến giá dầu giảm mạnh khi tăng sản lượng khai thác trong năm 2020 để gây sức ép đối với Nga, cũng đang phải “cảm nhận nỗi đau của giá dầu.”

Với giá dầu Brent ở mức dưới 25 USD/thùng, thâm hụt ngân sách dự kiến của Saudi Arabia sẽ tăng hơn gấp đôi trong năm nay lên mức tương đương khoảng 10% GDP.

Kinh tế thế giới lao đao bởi “cơn ác mộng trên thị trường dầu mỏ" ảnh 1Toàn cảnh nhà máy chế biến dầu Abqaiq của Saudi Arabia. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự tính thu ngân sách của Saudi Arabia sẽ giảm xuống còn 26% GDP trong năm nay, mức thấp nhất kể từ năm 1999.

Mỹ cũng không tránh khỏi thiệt hại do giá dầu giảm mạnh. Công ty tư vấn BW Research Partnership, phân tích dữ liệu của Bộ Lao động Mỹ kết hợp với dữ liệu khảo sát riêng của hãng, cho biết ngành dầu khí Mỹ trong tháng Ba vừa qua đã cắt giảm gần 51.000 việc làm trong lĩnh vực khoan dầu và hóa dầu.

Giai đoạn vỡ nợ gần nhất của ngành công nghiệp đá phiến Mỹ - khi giá dầu giảm xuống mức 26 USD/thùng - đã "góp phần" dẫn tới cuộc suy thoái sản xuất năm 2016.

Tình trạng “bắt đáy” của giá dầu này diễn ra trong bối cảnh thế giới đang bước vào một cuộc khủng hoảng kinh tế có lẽ là tồi tệ nhất kể từ thời kỳ Đại Suy thoái, vốn đã dẫn đến việc cắt giảm lãi suất và các biện pháp kích thích khác, làm suy yếu năng lực của các nhà hoạch định chính sách tiền tệ.

Ngoài việc tác động mạnh tới thu nhập của các nước sản xuất dầu truyền thống, cơn sốc giá dầu này còn đe dọa cuộc cách mạng đá phiến non trẻ của Mỹ.

Dù giá nhiên liệu rẻ thường giống như một hình thức giảm thuế cho các hộ gia đình và doanh nghiệp, song với thực tế các hoạt động kinh tế-xã hội đang ngừng trệ do dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, sự mất giá này dường như sẽ có hại hơn cho nền kinh tế toàn cầu.

Ông Frederic Neumann, đồng Giám đốc bộ phận nghiên cứu kinh tế châu Á của HSBC Holdings Plc ở Hong Kong (Trung Quốc) bình luận: “Giá dầu thô giảm xuống mức âm có thể nhất thời không phản ánh đúng thị trường, song đối với kinh tế thế giới, đây là lời nhắc nhở rằng hoạt động thương mại đang đình trệ và sẽ mất một khoảng thời gian để khôi phục.”

Giá dầu lao dốc tác động đến các nền kinh tế theo nhiều cách khác nhau. Các quốc gia nhập khẩu dầu ròng thường sẽ thấy thu nhập hộ gia đình và chi tiêu gia tăng.

Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới song nền kinh tế nước này đã giảm tốc mạnh nhất trong nhiều thập niên qua trong quý 1 vừa qua.

Các nền kinh tế mới nổi đứng đầu danh sách các nước khai thác dầu sẽ bị sụt giảm mạnh nguồn thu, phải chịu sức ép về tình trạng thâm hụt tài khoản vãng lai và đẩy các doanh nghiệp tới cảnh phá sản.

Như vậy, cú sốc giá dầu lần này là chỉ dấu cho thấy hậu quả nặng nề của virus SARS-CoV-2 gây dịch COVID-19 đối với các nước sản xuất dầu nói riêng và kinh tế thế giới nói chung./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục