Kỳ họp bất thường lần thứ 2: Đảm bảo quy hoạch không xa rời thực tiễn

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo và khẳng định đây là nội dung quan trọng, cần thiết để làm cơ sở triển khai, lập nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương.
Kỳ họp bất thường lần thứ 2: Đảm bảo quy hoạch không xa rời thực tiễn ảnh 1Quang cảnh Quốc hội. (Ảnh: Doãn Tấn/TTXVN)

Tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 2, ngày 7/1, buổi sáng Quốc hội thảo luận ở hội trường về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về: Đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19; Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Cuối phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở tổ về việc điều chỉnh kế hoạch vốn vay lại năm 2022 của các địa phương, bổ sung dự toán chi thường xuyên năm 2021 nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, điều chỉnh dự toán kinh phí chưa sử dụng hết năm 2021 của Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan.

Đủ cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn để lập Quy hoạch tổng thể quốc gia

Thảo luận tại hội trường, các đại biểu Quốc hội bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với việc Quốc hội dự kiến ban hành Nghị quyết Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Các đại biểu đánh giá cao nỗ lực của cơ quan soạn thảo và khẳng định đây là nội dung quan trọng, cần thiết để làm cơ sở triển khai, lập nhiều quy hoạch ngành, quy hoạch vùng, quy hoạch địa phương.

“Đây là nhiệm vụ chưa từng có tiền lệ và phức tạp nhưng đây cũng là cơ hội để đưa khát vọng, định hướng lớn về xây dựng đất nước trở thành hùng cường,” đại biểu Trịnh Xuân An, tỉnh Đồng Nai, phát biểu.

Qua nghiên cứu tài liệu và khảo sát thực tiễn, các đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, điều chỉnh một số nội dung để đảm bảo quy hoạch không xa rời thực tiễn, tránh dàn trải.

[Cần đảm bảo tính nhất quán giữa quy hoạch quốc gia và quy hoạch vùng]

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Hải Dương) cho rằng quy hoạch tổng thể cần khắc phục được hạn chế, yếu kém là rào cản cho sự phát triển. Tuy nhiên, trong Quy hoạch tổng thể quốc gia vẫn có sự dàn trải, thiếu trọng tâm, trọng điểm khi xác định các sản phẩm du lịch chính của mỗi không gian phát triển du lịch theo vùng. Trong 6 vùng không gian phát triển những sản phẩm du lịch chính được liệt kê gần như giống nhau.

Theo đại biểu, đây là sự liệt kê, tổng hợp tất cả những sản phẩm du lịch hiện đang có của các vùng, chứ không phải là bản quy hoạch tổng thể và chưa xác định được đâu là sản phẩm du lịch chính nổi trội, đặc sắc của mỗi vùng.

Một số đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, lập quy hoạch, bổ sung thêm các nội dung quan trọng, những định hướng cơ bản đã được nêu trong các Nghị quyết của Bộ Chính trị trong thời gian gần đây, đặc biệt là các Nghị quyết về phương hướng phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của 6 vùng kinh tế trọng điểm của cả nước, về phát triển các thành phố lớn tới năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 để đảm bảo tính khả thi, phù hợp với điều kiện, tiềm năng của đất nước.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, qua tổng hợp 217 ý kiến thảo luận tại tổ và 26 ý kiến tại hội trường của các đại biểu Quốc hội cho thấy đa số ý kiến thống nhất với Tờ trình, dự thảo Nghi quyết và cơ bản đồng tính nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể quốc gia.

Ý kiến của các đại biểu Quốc hội đều rất tâm huyết, trách nhiệm, sâu sắc, có giá trị đã gợi mở nhiều vấn đề để các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, bổ sung hoàn thiện Quy hoạch. Bộ trưởng cũng cho biết sẽ nghiên cứu, tiếp thu xác đáng các ý kiến của các đại biểu Quốc hội.

Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác phòng, chống dịch

Trong phiên làm việc chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về báo cáo của Chính phủ đánh giá việc thực hiện quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2: Đảm bảo quy hoạch không xa rời thực tiễn ảnh 2 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Đề xuất nội dung đưa vào Nghị quyết của Quốc hội về việc chuyển tiếp thực hiện một số chính sách theo quy định tại Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch COVID-19 và cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược.

Các đại biểu Quốc hội tán thành và đánh giá cao việc Quốc hội ban hành Nghị quyết số 30/2021/QH15 cũng như sự nỗ lực của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội. Nghị quyết ra đời đáp ứng được yêu cầu cấp bách trong công tác phòng, chống dịch bệnh trong bối cảnh đại dịch diễn biến phức tạp, nguy hiểm khó lường, đe dọa tính mạng và sức khỏe của người dân.

Nghị quyết là một sáng kiến lập pháp rất đặc biệt, với cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách. Quốc hội đã chia sẻ trách nhiệm hay nói cách khác là trao quyền của Quốc hội cho Chính phủ. Đây là một cách làm chưa từng có tiền lệ trong lịch sử luật pháp Việt Nam.

Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tồn tại hiện nay trong bối cảnh bình thường mới song tiềm ẩn nhiều nguy cơ bùng phát dịch bệnh, các đại biểu Quốc hội đề nghị Chính phủ cần có giải pháp toàn diện với tinh thần, thái độ cầu thị hơn nữa, sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế.

Tán thành việc cho phép tiếp tục sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 1/1/2023 mà chưa kịp gia hạn theo quy định của Luật Dược, một số đại biểu cho rằng lý do lớn nhất là do cơ quan nhà nước không đủ nguồn lực, năng lực để thực hiện việc thẩm định, đánh giá, gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc; đề nghị Chính phủ xem xét, bổ sung giải pháp khắc phục tình trạng trên trong năm 2023, bao gồm việc sửa đổi Luật Dược cho phù hợp với điều kiện thực tiễn và thông lệ quốc tế.

Cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã báo cáo giải trình làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội quan tâm.

Bộ trưởng cho biết tiếp thu các ý kiến của các đại biểu Quốc hội về việc tiếp tục rà soát, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương để bổ sung thêm thông tin, số liệu, phân tích thêm các vướng mắc, bất cập và nguyên nhân về những vướng mắc hiện nay cũng như các vấn đề tồn đọng về chế độ, chính sách.

Kỳ họp bất thường lần thứ 2: Đảm bảo quy hoạch không xa rời thực tiễn ảnh 3 Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. (Ảnh: An Đăng/TTXVN)

Về việc tổng kết và đưa ra thành những bài học kinh nghiệm, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Y tế phối hợp cùng các bộ, ngành, địa phương tổng kết 3 năm công tác phòng, chống dịch để đánh giá mặt làm được, mặt chưa làm được, nguyên nhân, tồn tại và đặc biệt là những bài học kinh nghiệm cho thời gian tới.

Về việc giải quyết những vướng mắc trong gia hạn thuốc, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết vấn đề này sẽ giải quyết triệt để trong Luật Dược (sửa đổi).

Đề nghị chuyển 5.000 tỷ đồng cho phòng, chống dịch COVID-19

Cuối phiên làm việc chiều, Quốc hội nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình về việc chuyển nguồn kinh phí công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 của các địa phương sang niên độ ngân sách năm 2022.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết căn cứ quy định tại Nghị quyết số 30 của Quốc hội về Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV và Nghị quyết số 86 của Chính phủ triển khai Nghị quyết số 30 về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19, Chính phủ đã đề nghị Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương rà soát, tổng hợp các khoản kinh phí phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 còn dư dự toán, không thuộc các trường hợp đương nhiên được chuyển nguồn theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và địa phương có nhu cầu tiếp tục sử dụng cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022.

Trên cơ sở tổng hợp 24/54 địa phương, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nêu rõ, căn cứ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước, Nghị quyết số 30 của Quốc hội, Chính phủ trình Quốc hội cho phép 24 địa phương được chuyển nguồn số kinh phí 5.016,7 tỷ đồng ngân sách địa phương được bố trí chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 năm 2021 nhưng chưa sử dụng hết sang niên độ ngân sách năm 2022 để các địa phương này tiếp tục chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 trong năm 2022 theo đúng quy định, không sử dụng cho mục đích khác.

Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Nguyễn Phú Cường cho biết theo quy định tại khoản 3 của Nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28/7/2021 của Quốc hội, Quốc hội đã ủy quyền cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét quyết định đối với các nhiệm vụ chi cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 nhưng chỉ được thực hiện cho đến hết ngày 31/12/2022.

Đến nay, ngày 7/1/2023, đã hết thời hạn Quốc hội cho phép ủy quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định nội dung này. Vì vậy, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định việc chuyển nguồn kinh phí này là cần thiết./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục