Lạm phát ở Eurozone giữ nguyên mức 5,3% trong tháng 8 năm 2023

Các nhà phân tích kỳ vọng Ngân hàng Trung ương châu Âu có thể xem xét tạm dừng chính sách tăng lãi suất trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt.
Lạm phát ở Eurozone giữ nguyên mức 5,3% trong tháng 8 năm 2023 ảnh 1Đồng tiền mệnh giá 100 euro tại Rome, Italy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Bất chấp giá năng lượng giảm, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) ngày 31/8 thông báo lạm phát ở 20 quốc gia thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn không thay đổi, giữ nguyên mức 5,3% trong tháng 8/2023.

Theo phóng viên TTXVN tại châu Âu, trong 13 tháng qua, ECB đã liên tục tăng lãi suất trong nỗ lực kiểm soát lạm phát.

Các nhà phân tích kỳ vọng định chế tài chính này có thể xem xét tạm dừng chính sách tăng lãi suất trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại rõ rệt.

Số liệu thống kê cho thấy chỉ số giá tiêu dùng của khu vực Eurozone đã tăng 9,8% kể từ tháng 8 năm ngoái. Trong khi đó, lạm phát cơ bản, không bao gồm nhiên liệu và thực phẩm, giảm từ 5,5% xuống 5,3% trong tháng 8.

[Giới đầu tư nghiêng về khả năng ECB dừng tăng lãi suất vào tháng Chín]

Giá nhiên liệu giảm 3,3% do giá dầu toàn cầu không thay đổi và mùa Hè đã làm giảm nhu cầu nhiên liệu sưởi ấm.

Chuyên gia kinh tế tại công ty nghiên cứu thị trường Capital Economics Jack Allen-Reynolds, cho biết: “Yếu tố bất ngờ đối với lạm phát toàn khu vực Eurozone trong tháng 8 hoàn toàn là do năng lượng, trong khi lãi suất cơ bản giảm xuống. Chúng tôi không nghĩ những số liệu này sẽ tác động đến quyết định của ECB tăng hoặc giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp sắp tới.”

Chủ tịch ECB Christine Lagarde cũng cho rằng quyết định về lãi suất trong cuộc họp tiếp theo của ECB sẽ phụ thuộc vào những số liệu sắp tới.

Tăng trưởng của Eurozone đã bị ảnh hưởng từ nền kinh tế lớn nhất khu vực là Đức. GDP của Đức đã không tăng trưởng trong quý 2/2023, sau khi đã giảm liên tiếp 0,5% và 0,3% trong hai quý trước đó.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) thậm chí dự đoán Đức sẽ là nền kinh tế lớn duy nhất suy giảm 0,3% trong năm nay.

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ lo ngại chính sách thắt chặt tiền tệ của ECB đang đè nặng lên hoạt động kinh tế châu Âu, do làm giảm nhu cầu tín dụng, cản trở đầu tư và tiêu dùng.

Sau khi đưa lãi suất tiền gửi lên 3,75%, cao nhất kể từ năm 2001, ECB tiếp tục để ngỏ về một đợt tăng lãi suất mới trong tháng 9/2023 nhằm đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ lạm phát về mức 2% trong trung hạn./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục