Chiều 24/9, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế cho biết qua kiểm tra hiện trường, xác minh hồ sơ, truy xuất dữ liệu, Chi cục phát hiện xảy ra khai thác rừng trái phép tại khoảnh 7, Tiểu khu 312, xã Hương Phong thuộc Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới quản lý.
Chi cục đã đề nghị Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, thiếu sót của tập thể và cá nhân liên quan trong vụ việc này.
Theo đó, khu vực xảy ra khai thác rừng trái phép trên có 12 cây bị chặt hạ, đường kính gốc từ 50-94cm. Các Đội bảo vệ rừng chuyên trách thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ A Lưới đã phát hiện 10 cây trong số này qua các đợt kiểm tra, 2 cây còn lại chưa phát hiện.
Cụ thể, ngày 9/11/2020, Đội bảo vệ rừng chuyên trách Hương Lâm tiến hành tuần tra và phát hiện tại khu vực này có 9 cây bị chặt hạ, còn lại gốc. Cán bộ Đội bảo vệ rừng chuyên trách đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, định vị tọa độ 9 gốc cây và đánh dấu đã kiểm tra bằng phấn sáp. Tuy nhiên, đến nay, dấu hiệu trên phai mất chữ và số trên 9 gốc cây này.
Mới đây, ngày 1/7/2021, Đội bảo vệ rừng chuyên trách Mỏ Quạ tiến hành tuần tra và phát hiện tại khu vực này một gốc khác, Đội đã tiến hành lập biên bản kiểm tra, lưu tọa độ và đánh dấu đã kiểm tra bằng phấn sáp, hiện dấu hiệu vẫn còn.
[Phú Yên: Khởi tố các vụ phá rừng phòng hộ đầu nguồn ở huyện Sơn Hòa]
Theo thông tin từ Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, khoảng cách từ đường Hồ Chí Minh đến khu vực khai thác gỗ trái phép là 5,8km. Số cây được Chi cục phát hiện đã bị chặt hạ, nằm rải rác. Tại hiện trường có một lóng cây dài 5m, đường kính 70cm nằm phía dưới taluy âm cùng nhiều bìa gỗ và phần gỗ.
Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế, trong số các cây bị chặt hạ trên có 9 cây là chủng loại Phò Lái, một cây Vang Trứng, hai cây Trám (thuộc nhóm gỗ nhẹ, sức chịu lực kém, khả năng chống mối mọt thấp, dễ bị cong vênh), đối tượng khai thác chủ yếu dùng gỗ này để làm quan tài. Kiểm tra khu vực xung quanh trên tuyến, Chi cục phát hiện còn có một số cây cổ thụ thuộc chủng loại gỗ Chò Chỉ, Sến… (thuộc loại gỗ tốt, nặng) chưa bị chặt hạ.
Bên cạnh việc yêu cầu Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, thiếu sót của tập thể và cá nhân, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên-Huế yêu cầu đơn vị này tiếp tục tổ chức tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, nâng cao ý thức bảo vệ rừng; xây dựng kế hoạch phân công trực chốt chặn những cây gỗ chưa cưa xẻ tại rừng để phục bắt đối tượng xử lý theo quy định của pháp luật.
Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới rà soát lực lượng, các khu vực nguy cơ, trọng điểm để lập thêm các tổ/chốt trong rừng và bìa rừng để tuần tra, chốt chặn; đặc biệt là tại Đội chuyên trách bảo vệ rừng Hương Lâm do đây là địa bàn phức tạp và nhiều ngõ ngách để vận chuyển lâm sản ra khỏi rừng.
Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới cần chỉ đạo Đội Kiểm lâm cơ động và phòng, chống, chữa cháy rừng số 1, Hạt Kiểm lâm A Lưới tăng cường nắm bắt thông tin, tổ chức truy quét ở các khu rừng do Ban Quản lý Rừng phòng hộ A Lưới quản lý; chú trọng những khu rừng có nhiều trữ lượng chưa bị khai thác, thường xuyên theo dõi để bắt đối tượng đang chặt hạ, xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật./.