''Nghe thôi, đừng tưởng thật!'' là lời cảnh báo này có thể bạn đã từng thấy đâu đó trên sách báo, trên các vlog làm đẹp hay từ giọng nói đầy hồ nghi của cô bạn thân.
Chúng khiến bạn cảm thấy việc làm đẹp sao mà khó khăn và nguyên tắc quá. Hãy thả lỏng nào, dưỡng da vốn là một niềm vui chứ đâu áp lực đến thế! Hãy để Đẹp giải tỏa những nỗi sợ hãi này giúp bạn!
1. Làn da mỏng manh như… đậu phụ?!?
Một số người vẫn nói quá lên rằng làn da của bạn rất mỏng manh, hãy đối xử với da như với một miếng đậu phụ, bởi chỉ cần mạnh tay một chút thì nó sẽ… vỡ (?!)
Thực tế là làn da của chúng ta rất khỏe, nó đủ dẻo dai để có thể mang cả một em bé trong bụng, và nó vẫn còn nguyên khối khi chúng ta về già. Về cơ bản, làn da có khả năng tự phục hồi: tự trắng lên, tự bong da chết, tự hết mụn, tự liền sẹo, thậm chí nếu sức khỏe của bạn tốt thì làn da có thể tự giảm nếp nhăn (bằng chứng là làn da trở nên nhăn nheo khi chúng ta ốm nhưng lại nhẵn mịn khi chúng ta phục hồi sức khỏe).
Bởi làn da của chúng ta rất khỏe, nên công nghệ làm đẹp hiện đại mới có thể đưa ra các dịch vụ tái tạo da bằng cách xâm lấn, chẳng hạn như lăn kim (tạo ra những vết thương trên da để kích thích da phục hồi mạnh mẽ) hoặc biện pháp châm cứu làm đẹp, hay các công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ…
2. Bạn phải thoa kem mắt bằng ngón tay áp út?!?
Chắc hẳn bạn đã từng được nghe đến thông tin này: vùng da quanh mắt rất mỏng manh, do đó việc thoa kem dưỡng cần được thực hiện bằng ngón tay áp út (là ngón tay có lực yếu nhất) để tránh những nguy cơ tổn thương, sinh ra các nếp nhăn mới.
Tuy vậy, bạn cũng cần biết rằng có rất nhiều mẹo làm đẹp được phát triển bởi cộng đồng người da trắng và sẽ chỉ có ý nghĩa riêng với họ, mà đây chính là một ví dụ. Ở người da trắng, tầng hạ bì (nơi chứa collagen và elastin) mỏng hơn những màu da khác. Do đó các va chạm dễ để lại tổn thương hơn, và nếp nhăn được hình thành sớm hơn.
Bạn có thể thấy khuôn mặt của người da trắng nhanh lão hóa hơn người da màu là vì vậy. Bởi vậy, người da trắng cần các kỹ thuật chăm sóc da nhẹ tay hơn. Đó chính là lý do các bài massage Thụy Điển thường nhẹ nhàng hơn kiểu massage Nhật, massage Thái, hay bấm huyệt Đông y.
Với vùng da mắt của người châu Á, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng ngón trỏ để thoa kem, chỉ cần chú ý không tạo ra những tác động mạnh.
["Vũ điệu làn da" - Cẩm nang làm đẹp không tốn một đồng từ phụ nữ Nhật]
3. Ánh nắng là kẻ thù số một của làn da?!?
Thông tin “ánh nắng là kẻ thù số một của làn da” cũng được bắt nguồn từ những chuyên gia làm đẹp người da trắng khu vực Bắc Mỹ. Thực tế là phụ nữ Việt Nam không nên biến câu chuyện này thành một nỗi ám ảnh.
Có hai nguyên nhân khiến ánh nắng là yếu tố số một ảnh hưởng đến làn da trắng. Thứ nhất, làn da trắng nhạy cảm với ánh nắng hơn làn da màu. Bởi lẽ da trắng ít melanin - hắc sắc tố bảo vệ làn da khỏi tia UV, hơn các màu da khác.
Theo thống kê từ trang cancer.org, tỷ lệ mắc ung thư da của người da trắng tại Mỹ cao gấp năm lần so với người da vàng và gấp 25 lần so với người da đen cũng sống tại nước này. Bên cạnh đó, ở người da trắng, các biểu hiện lão hóa do ánh nắng (như da không đều màu, giãn mao mạch, giảm sự săn chắc và đàn hồi) cũng đến nhanh hơn người da màu khoảng 10-20 năm.
Thứ hai, khu vực Bắc Mỹ gần với lỗ thủng ozone ở Bắc Cực. Lỗ thủng ozone làm giảm khả năng ngăn chặn tia UV của tầng khí quyển, đe dọa đến làn da và sức khỏe của những người sống gần khu vực này.
Như vậy, ánh nắng Việt Nam không nguy hiểm bằng ánh nắng Bắc Mỹ, trong khi làn da Việt lại có khả năng chống chọi với ánh nắng tốt hơn làn da trắng. Điều này không có nghĩa là chúng ta có thể nói lời vĩnh biệt với kem chống nắng. Nó chỉ cho bạn thấy rằng chúng ta không cần coi ánh nắng là kẻ thù số một của làn da.
Ở Việt Nam, vào thời điểm này, khói bụi là một vấn nạn rất lớn. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh được xếp vào danh sách những thành phố ô nhiễm nhất thế giới.
Trong không khí ở hai thành phố này có rất nhiều gốc tự do gây ra tình trạng sạm nám, lão hóa và mụn viêm. 2-3 năm trở lại đây, thị trường mỹ phẩm Việt Nam cũng như châu Á đang xuất hiện ngày càng nhiều sản phẩm chống ô nhiễm (anti pollution) cũng chính bởi những lo ngại càng ngày càng rõ rệt hơn về nguy cơ của khói bụi./.