Lặng lẽ những chuyến đi xuyên rừng Mù Cang Chải

Lặng lẽ và âm thầm, ở trạm y tế xã Lao Chải, trong tháng mỗi cán bộ phải đi tua giám sát dịch bệnh từ 2,3 bản mất khoảng hai ngày, vượt qua quãng đường rừng núi dài đến 30km.
Lặng lẽ những chuyến đi xuyên rừng Mù Cang Chải ảnh 1Y sỹ Sùng A Củ khám bệnh cho trẻ nhỏ. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Đường đến với Trạm y tế xã Lao Chải (huyện Mù Cang Chải, Yên Bái) dốc đứng với những khúc cua liên tục. Trạm y tế nằm trên một khu đất rộng trên đỉnh núi, ở độ cao 1.000 mét so với đồng bằng.

Vừa tiếp chuyện chúng tôi được một hồi, y sỹ Sùng A Củ - Trạm trưởng trạm y tế xã Lao Chải lại phải ngừng để chạy ra ngoài chỗ phòng bệnh vì có trường hợp một trẻ nhỏ mới 7 tháng tuổi bị viêm họng vừa được gia đình đưa tới.

Đi tua xuyên rừng

Trạm y tế xã Lao Chải được xây dựng khá khang trang. Phụ trách trạm là Y sỹ Sùng A Củ - người dân tộc Mông đã có thâm niên gần 20 năm làm công tác y tế tại đây.

Trong căn phòng họp của trạm y tế xã có tờ giấy khổ A4 được treo ngay ngắn trên tường với tiêu đề: Lịch phân công đi tua bản giám sát dịch bệnh trong tháng khiến nhiều người thắc mắc.

Y sỹ A Củ cho hay, xã với diện tích rộng hơn 15.000ha, với hơn 1.200 hộ dân sinh sống, có những bản cách trạm y tế xã tới 20-30 km. Những ngày tiêm chủng cho trẻ nhỏ trong các bản, cán bộ tiêm chủng của trạm phải vừa đi xe, vừa đi bộ mất cả ngày trời vào bản, có những hôm mưa, phải đi bộ 4 tiếng đồng hồ.

Lý giải về cách dùng từ “đi tua” mà sao không phải là đi trực, y sỹ Củ giải thích, vì diện tích địa bàn rộng, cứ hàng tháng, 6 nhân viên của trạm đều phải đi tới 14 bản của xã với diện tích rộng nên không thể dùng từ trực mà phải dùng từ “tua” để phân biệt với trực ở nhà. Có những hôm đi tua gặp trời mưa to hay lở núi, cán bộ y tế trạm phải ngủ nhờ nhà dân.

Quả thực, đường lên trạm y tế uốn lượn ngoằn ngoèo như thân rắn vắt theo những sườn núi. Sẽ khó có tay lái nào, trừ dân bản ở đây, có thể đánh xe lên an toàn. Con đường núi dốc dài chừng 5km, cứ một bên sát vách núi, một bên là vực. Sâu hun hút phía dưới là những thửa ruộng bậc thang xếp tầng tầng lớp lớp lên nhau chỉ còn trơ trọi đất chuẩn bị cho một mùa lúa sắp tới.

Trạm trưởng A Củ cho hay, trong tháng mỗi cán bộ phải đi tua từ 2,3 bản mất khoảng hai ngày. Sau khi cán bộ đi tua, giám sát bệnh phải lập biên bản bàn giao về giám sát tình hình dịch bệnh.

Lặng lẽ những chuyến đi xuyên rừng Mù Cang Chải ảnh 2Y sỹ Sùng A Củ. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Y sỹ Củ nhấn mạnh, trong tháng 2/2014, trung tâm y tế huyện đã cảnh báo bệnh viêm phổi và tiêu chảy với một số ca bệnh nặng mà vẫn còn tình trạng người dân tộc làm cúng để bệnh nhân ở nhà, không điều trị bằng thuốc.

Vì vậy, các nhân viên y tế thôn bản phải thường xuyên đi tua sâu vào các bản để nắm bắt tình hình. Khi thấy có dấu hiệu của dịch bệnh là phải điện lên trạm y tế xã để xin chỉ đạo kịp thời.

Chia sẻ về việc vận động người dân tiêm chủng cho trẻ nhỏ, vị trạm trưởng cũng cho hay, khi đến vận động nhiều gia đình họ chưa nhận thức được vấn đề về việc tiêm chủng. Nhân viên y tế giải thích đi giải thích lại những lợi ích của việc tiêm chủng trong nhiều ngày thì họ mới chấp nhận.

Gian nan thuyết phục

Nói về những khó khăn làm công tác y tế cơ sở ở trạm, theo y sỹ Củ thì một trong những trở ngại lớn nhất là việc vận động, thuyết phục người dân bỏ tập tục nhờ thầy mo, thầy cúng chữa bệnh.

Tại trạm y tế cheo leo nơi vùng cao này, điều đầu tiên mà chúng tôi cảm nhận được là những tấm áp phích hướng dẫn cách chăm sóc bệnh nhân, trẻ nhỏ và cách cho con bú... được trưng bày ở rất nhiều nơi. Những tấm áp phích rất đơn giản nhưng được treo ở khắp mọi phòng cho người dân quan sát và tìm hiểu.

Y sỹ Củ cho hay, để người dân hiểu rõ hơn về cách thức chăm sóc bản thân, trẻ nhỏ và băng bó vết thương thì ngoài việc tuyên truyền thì những tấm hình ảnh như vậy sẽ cho họ cách hình dung rõ hơn và làm theo nhanh nhất.

Tâm sự về nghề, y sỹ Sùng A Củ cho biết, trong suy nghĩ của người dân vẫn còn rất nhiều tập tục lạc hậu về quan niệm bệnh tật, tuy nhiên những năm gần đây họ đã thay đổi nhiều. Có được những thay đổi đó một phần bởi những cán bộ y tế của trạm có những chuyến đi tua vừa giám sát dịch bệnh vừa tuyên truyền cho người dân sự cần thiết của công tác khám chữa bệnh.

Bùi ngùi nhớ về việc vận động người dân chữa bệnh, ông Củ cho hay, có trường hợp một ông cụ gặp tai nạn ngã xuống suối và bị chấn thương vùng ngực, cổ. Sau khi sự việc trên xảy ra thì gia đình ông cụ 80 tuổi đó cho rằng ông đã hết tuổi và đã đến lúc ra đi.

Tuy nhiên, sau mấy ngày tận tình cứu chữa, y sỹ Sùng A Củ dùng kháng sinh và truyền dịch, giảm đau, ông cụ đã nói được và một tuần sau gần như qua cơn nguy kịch. Sau ca cứu chữa thành công trên, từ đó gia đình của nạn nhân rất phấn khởi và tin tưởng vào chuyên môn nhân viên của trạm.

Lặng lẽ những chuyến đi xuyên rừng Mù Cang Chải ảnh 3Cán bộ y tế của Trạm y tế Lao Chải tuyên truyền về phòng chống dịch bệnh cho người dân. (Ảnh: Thùy Giang/Vietnam+)

Cất chiếc ống nghe vào túi áo, y sỹ Củ cho hay, trong những năm gần điều mà người dân rất phấn khởi và vui mừng là nhờ sự quan tâm và hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, khi đến trạm khám chữa bệnh họ được hưởng 100% tiền chữa bệnh.

Trạm y tế xã Lao Chải được thành lập từ năm 1996, với 3 y tá. Cho đến nay, trạm đã có 6 y sỹ. Những kỹ thuật nhân viên y tế của trạm đã làm được như: khâu vết thương, đỡ đẻ thường, trích áp xe, châm cứu... Khi chúng tôi đến, ở trạm có 3 bệnh nhân nội trú, 1 trẻ và 2 người lớn. Y sỹ Củ cho hay, trạm đón tiếp từ 3-4 bệnh nhân/ ngày, 1 tháng có từ 20-25 bệnh nhân nội trú.

Tâm sự thì có nhiều nhưng trong thời gian tới, trạm trưởng Sùng A Củ chỉ tha thiết muốn được ngành y tế và chính quyền các cấp hỗ trợ để đào tạo thêm nhiều cô đỡ thôn bản cho xã. Bởi trong năm 2013, có hơn 200 ca sinh nở tại xã nhưng mới chỉ có 11 trường hợp sinh ở trạm y tế.

Đề cập đến vai trò của y tế cấp cơ sở, phó giáo sư Nguyễn Tuấn Hưng - Phó Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Y tế) khẳng định y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế Việt Nam, là tuyến cơ bản cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân. Tăng cường y tế cơ sở nhằm hướng đến mục tiêu đảm bảo công bằng trong việc chăm sóc sức khỏe toàn dân.

Thời gian qua, Chính phủ và ngành y tế đã có rất nhiều văn bản hướng dẫn về chế độ chính sách đối với nhân viên y tế thôn bản và nhân viên y tế tuyến xã để động viên họ công tác.

Ông Hưng cho hay, tuy nhiên, một thực tế là cho đến thời điểm này, có khoảng 38.000 nhân viên trên tổng số 58.000 nhân viên y tế tuyến xã trong toàn quốc vẫn ở tình trạng ký hợp đồng lao động chưa được chuyển thành viên chức.

Như vậy, sẽ có rất nhiều bất cập như họ không phải là viên chức nên có nhiều hạn chế trong việc giải quyết chế độ chính sách. Do vậy, Bộ Y tế cũng đang thúc đẩy việc phê duyệt giải quyết chính sách cho nhân viên y tế tuyến xã, thôn bản.

Theo phó giáo sư Hưng, trong thời gian tới, ngành y tế đang soạn thảo, sửa đổi nghị 58 của Thủ tướng chính phủ về tổ chức và chế độ chính sách đối với y tế cơ sở.

Với việc thay đổi này, trạm y tế xã sẽ có những đóng góp lớn nhằm đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân và rộng mở các chế độ đãi ngộ với nhân viên y tế vùng khó khăn, vùng sâu vùng xa./.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, trên toàn quốc hiện có 98,9% số xã đã có trạm y tế; 74% số xã có bác sỹ làm việc; 88% số thôn, bản có nhân viên y tế hoạt động; 55% số trạm y tế là nhà mái bằng kiên cố...

Một số trạm y tế được cấp máy siêu âm, điện tim, máy xét nghiệm máu, nước tiêu, xét nghiệm sinh hóa, máy đo đường huyết, ghế răng đơn giản... Trung bình toàn quốc, tỷ lệ khám chữa bệnh tại tuyến xã chiếm 30%-50% tổng số lượt khám chữa bệnh.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục