Lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch do virus Corona

Các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV.
Lập 45 đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch do virus Corona ảnh 1Các bác sỹ Bệnh viện Chợ rẫy Thành phố Hồ Chí Minh mặc đồ bảo hộ trước khi vào khu vực cách ly. (Ảnh: Đinh Hằng/TTXVN)

Chiều 30/1, phó giáo sư Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), cho biết thực hiện Chỉ thị số 05/CT-TTg ngày 28/01/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc phòng, chống dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra, Bộ Y tế đã thành lập 45 Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV (gọi tắt là Đội cơ động).

Tại cuộc họp tại Văn phòng Chính phủ chiều 30/1, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã hoan nghênh việc thành lập 45 đội phản ứng nhanh và khởi động kết nối 21 bệnh viện, sử dụng 4 bệnh viện Trung ương khi các cơ sở điều trị quá khả năng cho phép.

[Bộ Y tế: Thêm 3 ca là công dân Việt Nam dương tính với virus Corona]

Theo đó, tại Quyết định số 225/QĐ-BYT ngày 30/1, Bộ Y tế đã thành lập Thành lập 45 Đội cơ động phản ứng nhanh chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV. Trong đó, Cục quản lý Khám, chữa bệnh thành lập Đội thường trực chống dịch viêm đường hô hấp cấp do nCoV gồm 03 tổ: Tổ chuyên môn, Tổ thông tin và tổng hợp báo cáo và Tổ hậu cần.

Các đội cơ động có nhiệm vụ thường trực sẵn sàng phản ứng nhanh, hỗ trợ chuyên môn cho các bệnh viện thu dung, điều trị, chăm sóc và kiểm soát lây nhiễm bệnh viêm đường hô hấp cấp do nCoV tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khi có yêu cầu và mức độ dịch.

Các đội cơ động thực hiện theo lệnh điều động của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống bệnh dịch nCoV.

Thành phần của mỗi Đội cơ động bao gồm: 1 lãnh đạo bệnh viện, 1 bác sỹ hồi sức cấp cứu, 1 bác sỹ truyền nhiễm, 1 cán bộ kiểm soát nhiễm khuẩn, 1 điều dưỡng hồi sức cấp cứu hoặc truyền nhiễm, 1 lái xe.

Mỗi Đội cơ động được trang bị: 1 xe ôtô cứu thương với đầy đủ phương tiện hồi sức cấp cứu trên xe (máy thở cơ động, oxy, thuốc, dịch truyền), phương tiện phòng hộ cá nhân, hóa chất khử khuẩn, tiệt khuẩn… theo hướng dẫn của Bộ Y tế và Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch.

Các bệnh viện được chỉ đạo thành lập từ 1-2 Đội cơ động. Đối với các địa phương, Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo mỗi bệnh viện đa khoa tỉnh thành lập tối thiểu 2 Đội cơ động.

Kinh phí cho hoạt động của Đội cơ động lấy từ nguồn ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Theo phó giáo sư Khuê, hiện tình hình bùng phát dịch nCoV trên thế giới diễn nhanh, nghiêm trọng. Việt Nam đã chủ động, có chủ trương, biện pháp sớm và đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam cũng được đánh giá là một quốc gia có nhiều nguy cơ dễ lây nhiễm và bùng phát dịch nCoV.

Theo ông Khuê, mặc dù Việt Nam đã có kinh nghiệm trong điều trị bệnh dịch SARS và các dịch bệnh khác như Mer Cov, cúm AH1N1…, tuy nhiên các cán bộ y tế không được chủ quan, cần thận trọng trong chẩn đoán, điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm và nghi nhiễm dịch nCoV./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục