Liên hợp quốc phát động sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu

Sáng kiến thích ứng khí hậu tăng cường năng lực của các nước trong việc dự báo các nguy cơ, thích ứng với tình huống bất ngờ giảm bớt các nguy cơ về biến đổi khí hậu.
Liên hợp quốc phát động sáng kiến ứng phó với biến đổi khí hậu ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc công bố sáng kiến mới về ứng phó với biến đổi khí hậu. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 30/11, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon đã cùng 13 cơ quan Liên hợp quốc phát động sáng kiến mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu của các nước dễ bị ảnh hưởng nhất trên thế giới.

Sáng kiến thích ứng khí hậu mang tên "Dự báo, Thích ứng và Tái định hình" trước tình trạng biến đổi khí hậu đã được công bố tại Hội nghị lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) đang diễn ra tại thủ đô Paris của Pháp.

Cụ thể, sáng kiến này nhằm tăng cường năng lực của các nước trong việc dự báo các nguy cơ, thích ứng với tình huống bất ngờ, và phục hồi sự phát triển nhằm giảm bớt các nguy cơ về biến đổi khí hậu.

Trong vòng 5 năm tới, sáng kiến sẽ giúp huy động tài chính và kiến thức, thiết lập và tổ chức các nhóm cộng tác ở các cấp, phối hợp hoạt động nhằm đạt kết quả rõ ràng, thúc đẩy nghiên cứu và phát triển công nghệ mới.

Sáng kiến sẽ giúp giải quyết nhu cầu của gần 634 triệu người, tương đương 1/10 dân số thế giới, đang sống tại những khu vực duyên hải chỉ cách mực nước biển vài mét, cùng những cư dân tại các khu vực có nguy cơ hạn hán và ngập lụt.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Ban Ki-moon cũng tham gia phát động Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế, do các chính phủ Ấn Độ và Pháp thiết lập. Theo ông, liên minh này sẽ "giúp các quốc gia phát triển vốn giàu năng lượng mặt trời có thể khai thác tối đa nguồn tài nguyên dồi dào và không tốn kém này."

Tổng Thư ký kêu gọi các quốc gia phát triển phối hợp với Liên minh Năng lượng Mặt trời quốc tế bằng cách cung cấp sự hỗ trợ công nghệ, đào tạo và tài chính cho những quốc gia kém phát triển.

Trước đó, trong phát biểu tại lễ khai mạc hội nghị, Tổng Thư ký khẳng định rằng hội nghị tại Paris cần phải tạo ra bước ngoặt và thế giới cần hiểu rõ rằng tương lai của loài người nằm ở một môi trường bền vững với lượng khí thải thấp, khí hậu thích hợp. Theo ông, đã có sự khởi đầu tốt đẹp khi hơn 180 nước đã đệ trình lên Liên hợp quốc những kế hoạch hành động quốc gia nhằm đối phó với tình trạng biến đổi khí hậu.

Tuy nhiên, Tổng Thư ký nhấn mạnh "chúng ta cần phải hành động mạnh hơn nữa, nhiều hơn nữa để có thể hạn chế sự gia tăng nhiệt độ của Trái Đất ở mức dưới 2 độ C."

Để có thể thực hiện thành công những tiêu chí đề ra tại COP21, Tổng Thư ký Ban Ki-moon khẳng định "các quốc gia phát triển phải giữ cam kết từ năm 2020 huy động 100 tỷ USD/năm" để tài trợ cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu. Mặt khác, thỏa thuận đang được kỳ vọng sẽ đạt được tại COP21 phải đưa ra được một khung giám sát, đánh giá và báo cáo những tiến bộ một cách thật minh bạch. Trong khi đó, những nước kém phát triển cần phải được hỗ trợ để có thể đáp ứng được những quy định của cơ chế mới này."

Được xem là hội nghị về chống biến khí hậu có ý nghĩa quyết định, COP21 chính thức khai mạc vào ngày 30/11, được kỳ vọng sẽ thông qua được một thỏa thuận cụ thể ngăn chặn các vấn đề biến đổi khí hậu tiêu cực, thay thế cho Nghị định thư Kyoto năm 1997.

Tổng thống nước chủ nhà Francois Hollande kêu gọi lãnh đạo của 195 nước và vùng lãnh thổ tham dự COP21 nỗ lực đi đến một thỏa thuận "ràng buộc, toàn cầu và tham vọng" để ngăn chặn hiện tượng Trái Đất nóng lên./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục