Ngày 26/4, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố đề xuất cải cách các quy định tài khóa, vốn được mong đợi từ lâu và cũng là nguyên nhân gây chia rẽ giữa các nước thành viên của khối xoay quanh việc làm sao để vừa khuyến khích đầu tư vừa đảm bảo giám sát đầy đủ chi tiêu của các chính phủ.
Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành của EU, đã trình bày về các đề xuất cải cách nhằm đơn giản hóa các quy định phức tạp được biết đến với tên gọi là Hiệp định ổn định và phát triển. Bộ quy định này cho phép giới hạn số tiền mà các thành viên EU có thể vay.
Các ý kiến phản đối cho rằng các quy định đã không thể ngăn chặn tình trạng nợ công tăng tại 27 nước thành viên và cần được cải cách để phù hợp với thực tế tại các nền kinh tế đa dạng trong khối. Hiện hiệp định này đang được đình chỉ tạm thời để các nước ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột tại Ukraine.
EC đặt mục tiêu tham vọng là sẽ hoàn tất đàm phán về đề xuất cải cách này vào cuối năm nay nhưng nhiều khả năng mục tiêu này sẽ không trở thành hiện thực trong bối cảnh tồn tại chia rẽ giữa các nước thành viên EU, đặc biệt giữa các nước ở Bắc Âu như Đức và Nam Âu như Italy.
Đức, quốc gia bảo vệ các quy định tài khóa nghiêm ngặt, lo ngại kế hoạch cải cách nới lỏng quá mức những ràng buộc ngân sách và làm tổn hại tính công bằng trong khối.
[Destatis: Đức ghi nhận mức nợ công cao kỷ lục tới gần 2.370 tỷ euro]
Italy và một số nước cho rằng những quy định nghiêm ngặt giới hạn khả năng đầu tư của các nước. Hiệp định hiện nay quy định các khoản thâm hụt ngân sách công của các nước EU không được quá 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và nợ công phải dưới mức 60% GDP.
Những cải cách mới được EC đề xuất ngày 26/4 không quá khác so với nội dung kế hoạch mà cơ quan này từng công bố hồi tháng 11/2022. Ủy viên phụ trách kinh tế của EU Paolo Gentiloni cho biết với những đề xuất trên, EC đảm bảo cả yếu tố công bằng và cân nhắc tình hình cụ thể tại các nước thành viên.
EU cũng muốn tạo thêm điều kiện để các nước đầu tư cho lĩnh vực kỹ thuật số và chuyển đổi xanh khi Brussels phải đương đầu với thách thức cạnh tranh từ Mỹ và Trung Quốc, những nơi có chi phí năng lượng rẻ hơn và đang đưa ra những khoản trợ cấp có thể khiến các doanh nghiệp quyết định rời khỏi châu Âu.
Theo đề xuất cải cách, các nước thành viên có thể đưa ra lộ trình điều chỉnh dần dần, thông qua cải cách và đầu tư, để giảm thâm hụt ngân sách trong giai đoạn ít nhất là 4 năm. EC cũng yêu cầu các nước thành viên nỗ lực giảm thâm hụt ngân sách 0,5%/năm nếu mức thâm hụt trên mức 3% GDP. Các nước thành viên nếu rơi vào khủng hoảng kinh tế trầm trọng có thể được ngoại lệ để thực hiện những biện pháp đặc biệt vốn bị cấm theo quy định.
Năm 2020, EU đã cho phép các nước thành viên tạm dừng áp dụng Hiệp định ước ổn định và phát triển để rót tiền hỗ trợ các nền kinh tế ứng phó với tác động của đại dịch COVID-19. Năm 2022, quyết định tạm dừng áp dụng hiệp định được gia hạn trong bối cảnh giá năng lượng tăng mạnh. Từ đó, nợ công của các nước thành viên EU cũng đã tăng nhanh chóng.
Nợ công của Italy gần 150% GDP trong khi nợ công Pháp là 110% GDP, đều cao hơn các mức giới hạn mà EU đề ra. Hiệp định sẽ được khôi phục hiệu lực từ năm 2024 trong khi điều duy nhất mà các nước thành viên có thể nhất trí cho đến nay là cần cải cách hiệp định này./.