'Liên minh ma quỷ' giữa tham nhũng và tội phạm có tổ chức ở Bắc Phi

Tình trạng tham nhũng ở Bắc Phi không chỉ là mối đe dọa đối với nền kinh tế mà còn cả với sự an toàn và an ninh của nhà nước và người dân.
'Liên minh ma quỷ' giữa tham nhũng và tội phạm có tổ chức ở Bắc Phi ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: Government Technology)

Trang mạng dailymaverick.co.za ngày 17/5 có bài phân tích cho thấy tình trạng tham nhũng ở Bắc Phi không chỉ là mối đe dọa đối với nền kinh tế mà còn cả với sự an toàn và an ninh của nhà nước và người dân.

Nội dung bài viết như sau:

Ngày 17/12/2010, Mohamed Bouazizi, thanh niên bán hàng rong người Tunisia, đã tự thiêu trước văn phòng thống đốc địa phương để phản đối tình trạng tham nhũng và bất công tại nước này.

Hành động thể hiện sự tuyệt vọng của Mohamed Bouazizi đã châm ngòi cho phong trào Mùa Xuân Arab.

Tám năm sau, bất chấp những nỗ lực bền bỉ của chính phủ, vấn nạn tham nhũng ở Tunisia dường như tràn lan hơn so với thời cựu Tổng thống Zine el-Abidine Ben Ali. Điều này được phản ánh trong báo cáo về chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế.

Năm 2010, Tunisia xếp hạng 59 trong số 178 quốc gia (thứ hạng càng cao, nhận thức về tham nhũng trong khu vực công càng tốt hơn).

[Nhiều dấu hiệu cho thấy “Mùa Xuân Arab” đang quay trở lại]

Một năm sau đó, Tunisia đứng ở vị trí 73 và xếp hạng trong các năm tiếp theo dao động xung quanh vị trí này. Xu hướng này cũng tương tự đối với các nước Bắc Phi khác, Maroc xếp hạng 81, Algeria 112, Ai Cập 117 và Libya thứ 172.

Vào giữa năm 2017, Thủ tướng Tunisia Youssef Chahed đã tuyên bố phát động “cuộc chiến chống tham nhũng," dẫn đến các vụ bắt giữ và phong tỏa tài sản của nhiều doanh nhân, chính trị gia, nhà báo, nhân viên cảnh sát và hải quan, do bị buộc tội tham nhũng, buôn lậu, rửa tiền hoặc các tội phạm khác.

Trong các vụ bắt giữ này, trường hợp của doanh nhân nổi tiếng Chafik Jarraya cho thấy mối liên hệ giữa doanh nghiệp, chính trị gia và tội phạm, cũng như cách thức tình trạng tham nhũng trong các quan chức đã nuôi dưỡng liên minh ma quỷ này.

Jarraya bị cáo buộc làm giàu bất chính thông qua buôn lậu với sự hỗ trợ của các thành viên trong gia đình cựu Tổng thống Ben Ali.

Theo các nhà chức trách Tunisia, sau chính biến hồi tháng 1/2011, Jarraya đã tài trợ cho một số chính đảng, đồng thời cũng có mối quan hệ với các nhóm tội phạm và thậm chí là khủng bố ở Tunisia và Libya.

Các quan hệ mờ ám này, trong đó có những thỏa thuận buôn bán vũ khí của Chafik Jarraya với một nhân vật hàng đầu ở Libya thời kỳ hậu chính biến, dẫn đến việc Jarraya bị bắt giữ do “phá hoại sự toàn vẹn của Nhà nước” theo Luật Tình trạng khẩn cấp năm 1978.

Cùng thời gian đó, lời khai hiếm hoi của Imed Trabelsi - thành viên trong gia đình cựu Tổng thống Ben Ali, đã phần nào hé lộ thực tế hệ thống công lý Tunisia trong thời kỳ chuyển tiếp.

Lời khai của Imed Trabelsi cho thấy tình trạng tham nhũng phổ biến trong cơ quan hải quan dẫn đến các hoạt động buôn lậu trên diện rộng thông qua hối lộ.

Lời khai cũng làm sáng tỏ cách thức tham nhũng đã tạo cơ hội cho việc buôn lậu rượu và đồng bất hợp pháp ở nước này.

Đối với những công dân bình thường đang cố gắng tiếp cận các dịch vụ công mà họ được hưởng theo quy định, việc mua chuộc một quan chức là bất tiện và không thể chấp nhận được. Nhưng đối với một kẻ buôn người hoặc tội phạm, khả năng có thể mua chuộc một quan chức là “cơ hội làm ăn."

Theo đánh giá của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế có trụ sở tại Washington DC (Mỹ), tham nhũng là nguyên nhân chính, trực tiếp dẫn đến sự bất ổn kinh tế và chính trị ở Bắc Phi. Thực tế này không chỉ xảy ra ở Tunisia mà ở toàn khu vực Bắc Phi.

Tại Algeria, vụ phát hiện và tịch thu hơn 700kg cocaine hồi tháng 5/2018 đã phơi bày sự liên quan của các quan chức chính phủ trong kế hoạch buôn bán ma túy ở quy mô chưa từng có.

Sau một loạt vụ bắt giữ ban đầu nhằm vào chủ sở hữu của các lô hàng và thủy thủ, nhiều nhân viên thuộc hệ thống tư pháp nước này đã bị bãi nhiệm vì nghi vấn tham nhũng trong vụ việc này.

Cũng do liên quan đến vụ án này, người đứng đầu cơ quan an ninh quốc gia Algeria bị sa thải và 5 tướng quân đội đã bị bắt vì tham nhũng.

Báo cáo của Sáng kiến toàn cầu chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia cho thấy việc các đối tượng tăng cường sử dụng tuyến đường Bắc Phi cho hoạt động buôn bán cocaine có thể khiến tình trạng tham nhũng ở khu vực này gia tăng.

Tại Maroc, tình trạng hối lộ có hệ thống cũng thúc đẩy nền kinh tế ma túy và mạng lưới tham nhũng.

Vùng Rif - khu vực miền núi phía Bắc của Maroc là một tụ điểm nổi tiếng về sản xuất và xuất khẩu hầu hết các loại cần sa của thế giới, nhưng rất ít đối tượng bị chính quyền xử lý.

Các vụ bắt giữ năm 2018 đã phơi bày sự liên quan đến buôn bán ma túy của các thành viên trong lực lượng vũ trang và các cơ quan thực thi pháp luật tại Maroc.

Truyền thông rất hiếm khi đưa tin về các vụ tham nhũng ở Libya, bởi tham nhũng dường như là vấn đề thứ yếu tại một đất nước phải đối mặt với các vụ giao tranh dữ dội giữa các lực lượng chính phủ, dân quân và các nhóm khủng bố.

Tuy nhiên, năm 2017, phóng sự điều tra của Kênh truyền hình Al Jazeera đã cho thấy nhiều thành viên có liên quan đến tham nhũng của lực lượng bảo vệ bờ biển Libya - vốn được giao nhiệm vụ ngăn chặn các vụ vượt biên trái phép bằng đường biển, đã câu kết với những kẻ buôn người, trả lại những chiếc thuyền dạt vào bờ cho phiến quân, sau đó cung cấp cho những người di cư trái phép.

Tham nhũng và hối lộ không chỉ gây thiệt hại về kinh tế đối với các nước và các cá nhân, tệ nạn này còn làm suy yếu sự an toàn và an ninh của nhà nước và người dân.

Các quốc gia Bắc Phi phải nâng cao nhận thức cộng đồng về hậu quả của tham nhũng và cách thức tệ nạn này tạo mầm mống cho nhiều loại tội phạm có tổ chức nguy hiểm nhất, trong đó có buôn bán ma túy. Đây là một bước quan trọng nhằm tạo đà và hình thành áp lực cộng đồng để đối phó với tình trạng tham nhũng tràn lan tại các nước Bắc Phi./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục