Liệu có một tương lai mới nào cho quan hệ giữa Nga-Đức?

Nước Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel là một trong những quốc gia châu Âu hàng đầu có lập trường vững chắc chống lại việc Nga sát nhập Crimea và nhận được sự ủng hộ của miền Đông Ukraine.
Liệu có một tương lai mới nào cho quan hệ giữa Nga-Đức? ảnh 1(Nguồn: Sputnik International)

Trang mạng eurasiareview.com đưa tin chính sách đối ngoại lấy châu Âu là trung tâm của Nga đang tập trung vào Đức - đối tác quan trọng nhất của họ ở châu Âu.

Các chính sách của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đối với Đức, cùng sự gia tăng của các đảng dân túy chống Liên minh châu Âu (EU) và chống Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở châu Âu và ở ngay tại Đức, có thể hủy hoại hiện trạng hiện nay - khiến Đức phải tìm kiếm một mối quan hệ gần gũi hơn với Nga.

Nước Đức dưới thời Thủ tướng Angela Merkel là một trong những quốc gia châu Âu hàng đầu có lập trường vững chắc chống lại việc Nga sát nhập Crimea và nhận được sự ủng hộ của miền Đông Ukraine.

Đức cũng có một quan điểm cứng rắn không kém đối với nhiều vấn đề khác, vốn làm chia rẽ Nga và phương Tây như Syria, vụ đầu độc cựu sỹ quan tình báo Nga Sergei Skripal tại Anh và các cuộc tấn công mạng được quy là do Nga thực hiện. Tuy nhiên, Nga đã không tìm cách xa lánh Đức. Tại sao vậy?

Đức: Đối tác kinh tế thân cận và cường quốc lớn

Đức là nền kinh tế lớn thứ tư thế giới và chiếm giữ một vị trí chiến lược, và nằm ngay giữa châu Âu. Nga nhận thức quá rõ về những thực tế này. Đức là một trong những đối tác kinh tế hàng đầu châu Âu của Nga.

Theo Phòng Thương mại Nga-Đức, các doanh nghiệp Đức đã đầu tư hơn 1,7 tỷ euro vào nền kinh tế Nga chỉ trong 3 tháng đầu năm 2019, hơn một nửa của mức 3,2 tỷ euro trong cả năm 2018 - con số cao nhất trong thập kỷ qua.

[Vì sao Nga và Đức khó có thể trở thành đồng minh của nhau?]

Lượng đầu tư của các công ty Đức vào Nga tăng 33% - tương đương 400 triệu euro - so với cùng kỳ năm ngoái. Khối lượng thương mại Nga-Đức đạt tổng cộng 62 tỷ euro vào năm 2018, tăng 8,4%. Khoảng 5.000 trong số hơn 6.000 công ty có sự tham gia của Đức, vẫn đang hoạt động ở Nga.

Những số liệu này là minh chứng cho sự quan tâm sâu sắc của cả hai nước để đảm bảo rằng những căng thẳng trong quan hệ chính trị không thể gây hại cho các liên kết kinh tế của họ.

Những mối liên hệ chung

Một lịch sử chung nhưng gần đây bị biến đổi đã ràng buộc cả hai nước; đây vẫn là một yếu tố quan trọng cần phải xem xét trong quan hệ song phương của họ. Đối với Đức, cuộc xung đột đẫm máu với Liên Xô đã khắc sâu vào tâm trí họ. Còn đối với Nga, Ngày Chiến thắng Đức Quốc xã vào ngày 9/5/1945 được tổ chức hàng năm với quy mô rất lớn.

Điều này không chỉ để nhắc nhở người dân Nga về sự hy sinh to lớn cả về vật chất và tinh thần mà còn để đảm bảo rằng phương Tây nói chung và Đức nói riêng, sẽ không bao giờ lãng quên kỷ nguyên tàn bạo đó.

Hơn nữa, những liên kết văn hóa, giáo dục và xã hội giữa hai nước cũng vô cùng mạnh mẽ; ngôn ngữ Đức chiếm vị trí thứ hai trong việc giảng dạy ngoại ngữ ở Nga, chỉ sau tiếng Anh.

Bất chấp áp lực lớn của Mỹ, Đức vẫn không hạ thấp mối quan hệ trong lĩnh vực năng lượng với Nga. Họ vẫn tiếp tục hỗ trợ Nga xây dựng đường ống dẫn khí Nord Stream 2 nối từ Nga đến Đức băng qua Biển Baltic, dự kiến sẽ đưa vào hoạt động vào đầu năm 2020. Những sức ép của Mỹ xuất phát từ chính Tổng thống Trump.

Phát biểu hồi tháng 7/2018 với Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, ông Trump lập luận rằng Đức là “một tù nhân của Nga - họ nhận được rất nhiều dầu khí từ Nga… Họ dường như không hiểu rằng họ chi trả cho Nga hàng tỷ USD để bây giờ chúng tôi phải bảo vệ họ khỏi Nga."

Mỹ đang xem xét áp dụng các biện pháp trừng phạt đối với các công ty tham gia dự án này. Phát ngôn viên của Tổng thống Nga Vladimir Putin, ông Dmitry Peskov, đã liên tục nói rằng áp lực của Mỹ đối với Đức là một nỗ lực nhằm tăng doanh số bán năng lượng của Mỹ sang châu Âu.

Căng thẳng thương mại và các yếu tố chính trị trong nước

Nga có thể được hưởng lợi từ căng thẳng thương mại giữa Đức và Mỹ. Việc Mỹ đe dọa áp thuế đối với hàng nhập khẩu xe hơi châu Âu sẽ ảnh hưởng xấu đến Đức vì họ là một trong những nhà xuất khẩu xe hơi lớn nhất EU.

Nga cũng đang kiên nhẫn chờ đợi kỷ nguyên Merkel kết thúc. Bằng chứng là việc Tổng thống Putin từng mô tả quyết định chấp nhận nhiều người tị nạn hồi năm 2015 của bà Merkel là một “sai lầm cốt lõi” trong một cuộc phỏng vấn vào cuối tháng 6/2019, chỉ vài ngày trước khi ông Putin gặp bà Merkel tại Hội nghị thượng đỉnh G-20 ở Osaka. Các báo cáo gần đây về tình trạng sức khỏe của bà cũng minh chứng cho xu hướng này.

Liệu có một tương lai mới nào cho quan hệ giữa Nga-Đức? ảnh 2Thủ tướng Đức Merkel và Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Nguồn: DW)

Sự chắc chắn trong định hướng Đại Tây Dương của Đức và lập trường mạnh mẽ của họ đối với Nga bây giờ có vẻ đáng ngờ.

Các cuộc thăm dò gần đây ở Đức cho thấy có nhiều người tin vào Tổng thống Putin hơn là Tổng thống Trump.

Vào tháng 5/2019, bà Merkel đã nhắc lại những lo ngại trước đây của mình rằng “những điều chắc chắn trước kia của trật tự hậu chiến tranh không còn áp dụng được nữa."

Đức cũng không tránh khỏi làn sóng dân túy trong EU. Quan điểm chống EU và chống NATO ngày càng tăng ở Đức đã được minh chứng bằng kết quả của cuộc bầu cử Bundestag (Nghị viện Đức) năm 2017.

Đảng Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) cánh hữu đã trở thành đảng lớn thứ ba tại Bundestag, với 12,6% số phiếu bầu. Đảng Cánh tả với 9,2% phiếu bầu, cũng đang chỉ trích EU, NATO và Mỹ.

Cả hai đảng đại diện cho một nhóm các thành phần quan trọng, những người không thể gắn bó với khái niệm lâu đời về một nước Đức hậu chiến tranh có liên kết chặt chẽ với Mỹ.

Nga coi NATO là kẻ thù và đang đe dọa đan ninh của họ. Là một cường quốc lớn, có lẽ Nga sẽ cảm thấy thoải mái khi quan hệ với các nước châu Âu trên cơ sở song phương hơn là với một tổng thể thống nhất và mạnh mẽ.

Sự phân nhánh đối ở châu Á-Thái Bình Dương

Có thể sẽ xuất hiện những thay đổi về kinh tế, chính trị và chiến lược ở châu Á-Thái Bình Dương, tùy thuộc vào độ sâu sắc và bản chất của mối quan hệ Nga-Đức mới. Tốc độ và tầm quan trọng của quan hệ Nga-Trung có thể chậm lại. Nga có thể phát triển nền kinh tế với những bí quyết và tài chính của Đức.

Định hướng lấy châu Âu là trung tâm của Nga sẽ được thúc đẩy hơn nữa và mối quan tâm của họ đối với châu Á-Thái Bình Dương có thể bị ảnh hưởng. Sự quan tâm của Đức đối với thị trường châu Á-Thái Bình Dương cũng có thể bị suy yếu.

Một châu Âu không có Đức cũng sẽ mất tập trung vào châu Á-Thái Bình Dương và có khả năng sẽ hướng nội hơn. ASEAN có thể sẽ đánh mất các đối tác kinh tế và chính trị quan trọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục