Vì sao Nga và Đức khó có thể trở thành đồng minh của nhau?

Tờ New York Times bình luận mối quan hệ giữa Nga và Đức có thể được miêu tả theo kiểu vừa bạn vừa thù, với những mối liên kết về kinh tế, văn hóa và tri thức.
Vì sao Nga và Đức khó có thể trở thành đồng minh của nhau? ảnh 1Tổng thống Nga Putin (trái) và Thủ tướng Đức Merkel. (Nguồn: AFP)

Cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Đức Angela Merkel tại ngoại ô thủ đô Berlin đã kết thúc mà không có bất kỳ kết quả cụ thể nào, đúng như dự đoán của giới phân tích.

Theo Reuters, người phát ngôn của Điện Kremlin Dmitry Peskov trao đổi với báo giới rằng hai bên không đạt thỏa thuận nào và cuộc gặp đơn giản chỉ là để xem xét lại những nội dung và kế hoạch đã được bàn thảo trong cuộc gặp của hai nhà lãnh đạo này tại Sochi hồi tháng 5/2018.

Trong số các nội dung được hai bên thảo luận, đáng chú ý có các cuộc xung đột tại Ukraine và Syria, vấn đề Iran và dự án Dòng chảy phương Bắc 2, một dự án bị Mỹ lên án gay gắt.

Ngày 18/8, Tổng thống Nga Putin đã nêu lên một loạt số liệu phản ánh mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ giữa hai nước, trong đó phải kể đến kim ngạch thương mại song phương tăng 22% trong năm 2017 lên 55 tỷ USD.

Theo các số liệu của chính phủ, Đức nhập khẩu khoảng 40% khí đốt từ Nga, nhiều hơn của các nước EU song không cao như con số 60-70% mà Tổng thống Mỹ Donald Trump từng viện dẫn khi ông cho rằng Đức là “con tin” của Nga tại hội nghị thượng đỉnh NATO hồi tháng trước.

Cả Tổng thống Putin và Thủ tướng Merkel đều xem dự án xây dựng đường ống Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án thương mại thuần túy, bất chấp các tranh cãi không ngớt từ phía Mỹ và Ukraine.

Tổng thống Putin khẳng định Dòng chảy phương Bắc là dự án cần thiết để “đáp ứng nhu cầu năng lượng của nền kinh tế ngày càng phát triển tại châu Âu.”

Ông nhấn mạnh: “Dòng chảy phương Bắc 2 là một dự án kinh tế đơn thuần và nó không phải nhằm mục đích chặn đứng mọi tuyến trung chuyển qua lãnh thổ Ukraine."

[Cuộc gặp giữa lãnh đạo Nga-Đức diễn ra với hình thức bất thường]

Ông Peskov nói: “Đó là lý do vì sao hai bên cần có những biện pháp chống lại các cuộc tấn công phi cạnh tranh và vô lý của các nước thứ ba để có thể hoàn thành dự án này." Tuy nhiên, theo Reuters, không rõ các biện pháp mà người phát ngôn Điện Kremlin nhắc tới cụ thể là gì.

Mỹ đang ra sức thuyết phục Berlin đình chỉ dự án trung chuyển khí đốt từ Nga đi qua biển Baltic này với lý do cho rằng nó sẽ khiến Đức phụ thuộc vào nguồn năng lượng từ Nga.

Trong khi đó, Ukraine lo ngại sự hiện diện của Dòng chảy phương Bắc 2 sẽ giúp Nga đánh bật Ukraine khỏi các hoạt động trung chuyển khí đốt, trong khi các nước láng giềng châu Âu phía Đông Đức lại lo ngại về sự xâm lược của Nga.

Thực tế mối quan hệ thân tình giữa cựu Thủ tướng Đức Gerhard Schröder và ông Putin cũng như quyết định tham gia ban quản trị doanh nghiệp dầu mỏ quốc doanh Rosneft của ông càng khiến người ta cho rằng Đức lệ thuộc Nga.

Tuy nhiên, bà Merkel đã thể hiện quyết tâm xóa tan những hoài nghi này bằng quyết định ủng hộ các đòn trừng phạt nhằm vào Nga hồi năm 2015 và cùng phương Tây mạnh mẽ lên án vụ cựu điệp viên Nga bị đầu độc tại Anh hồi đầu năm.

Derek Chollet, cố vấn về chính sách an ninh và quốc phòng tại Quỹ Marshall Đức ở Washington, nhận định: “Tôi cho rằng Merkel, bằng cách riêng của mình, đã khẳng định rõ rằng bà ấy hiểu người Nga và Putin, và bà ấy không hề có bất kỳ ảo tưởng nào về Nga hay Putin cũng như những động cơ của họ.”

Trước cuộc gặp Nga-Đức, chuyên gia về Nga Stefan Meister, hiện làm việc tại Hội đồng Quan hệ Quốc tế Đức, cho rằng hai bên ngày càng quan tâm tới việc “thảo luận về các chủ đề mà hai bên cùng chung lợi ích,” song còn lâu bà Merkel và ông Putin mới có thể trở thành đồng minh.

Trong một phân tích, ông nhận định rằng trong cuộc gặp, ông Putin chắc chắn sẽ đưa ra những đòi hỏi cứng rắn và cả hai bên nhiều khả năng sẽ không đưa ra bất kỳ nhượng bộ quan trọng nào, song có thể gửi đi những tín hiệu cho thấy họ không “chịu áp lực từ Trump."

Giới phân tích xem cuộc gặp thứ 2 trong vòng 3 tháng trở lại đây của bà Merkel và ông Putin là cơ hội để đặt mối quan hệ Berlin-Moskva vào một nền tảng có tính thực dụng hơn sau nhiều năm căng thẳng leo thang.

Theo New York Times, Tổng thống Putin có vẻ như cũng có những quan điểm tương tự, thể hiện trong các bình luận trước đó của ông, như: “Chúng tôi chuẩn bị thảo luận về các vấn đề trong mối quan hệ Nga-Đức cũng như những khúc mắc trên phương diện quốc tế."

Ông khẳng định Nga “coi trọng hợp tác đôi bên cùng có lợi với Đức trong chính trị, kinh tế và nhiều phương diện khác."

Cả Đức và Nga đều có những vấn đề liên quan đến hồ sơ Syria. Đối với bà Merkel, đó là vấn đề nội bộ. Quyết định cho phép hơn 1 triệu người - chủ yếu là người tị nạn chiến tranh từ Syria - nộp đơn xin tị nạn tại Đức của bà đã vấp phải những phản ứng gay gắt của cả dư luận và nội bộ chính phủ.

Trong khi đó, đối với Putin, rõ ràng việc tìm lời giải cho cuộc nội chiến ở Syria là không hề đơn giản.

Ông Meister bình luận cả hai nhà lãnh đạo đều sẽ được lợi từ việc cùng tìm cách đảm bảo sự ổn định về mặt chính trị tại Syria để Đức có thể khích lệ người tị nạn hồi hương, trong khi Putin đang tìm kiếm sự ủng hộ của Berlin và EU nhằm tái thiết đất nước này.

New York Times bình luận mối quan hệ giữa Nga và Đức có thể được miêu tả theo kiểu vừa bạn vừa thù, với những mối liên kết về kinh tế, văn hóa và tri thức. Từ thế kỷ 18 hai bên đã trải qua hàng loạt xung đột và hòa giải, mà gần đây nhất là Chiến tranh Thế giới lần thứ hai và Chiến tranh Lạnh.

Trong suốt thời Xôviết, Đức là đối tác thương mại quan trọng nhất của Moskva và nhiều người Đức cho rằng mối quan hệ mạnh mẽ, tích cực với Moskva chính là nhân tố chính giúp chấm dứt Chiến tranh Lạnh và dẫn đến sự tái thống nhất hai miền Đông-Tây Đức. Khi Bức tường Berlin sụp đổ, Đức đã hướng về Moskva, một phần là giúp các nước tách khỏi khối Xôviết hội nhập với Liên minh châu Âu, để củng cố các quan hệ kinh tế và chính trị cũng như thúc đẩy xã hội dân sự. Tuy nhiên, sau đó, quan hệ song phương đã rạn nứt.

Thực tế bà Merkel và ông Putin vẫn duy trì liên lạc thường xuyên. New York Times cho rằng những mối quan tâm chung có thể đưa Nga và Đức xích lại gần nhau sau một giai đoạn quan hệ không mấy bằng phẳng.

Tuy nhiên, Susan Stewart, một học giả cấp cao làm việc tại Viện các Vấn đề An ninh và Quốc tế Đức, cảnh báo rằng cuộc gặp của các nhà lãnh đạo tại Đức không nên được xem là một sự chuyển hướng quan trọng trong quan hệ Nga-Đức.

Thay vào đó, nó chỉ phản ánh hy vọng rằng hai bên có thể tìm kiếm đồng thuận hoặc nhượng bộ trong các vấn đề như Syria, năng lượng và nhiều vấn đề trọng yếu khác, trong khi mâu thuẫn về vai trò của Nga ở Ukraine chắc chắn vẫn khó giải quyết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục