Liệu Hong Kong có tái bùng phát một làn sóng di cư mới?

Khi trả lời phỏng vấn tại sao lựa chọn di cư cả gia đình, dường như hầu hết các bậc phụ huynh ở Hong Kong đều lấy lý do cân nhắc đến việc học tập của con cái.
Liệu Hong Kong có tái bùng phát một làn sóng di cư mới? ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng lây nhiễm COVID-19 khi chờ xe buýt tại Hong Kong, Trung Quốc, ngày 27/7/2020. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo báo Liên hợp buổi sáng, từ giữa tháng Sáu, truyền thông Hong Kong (Trung Quốc) liên tục đưa tin, sân bay quốc tế Hong Kong vốn ảm đạm do dịch bệnh đã "ấm dần" trở lại trong thời gian gần đây.

Vào lúc cao điểm có khoảng 300-400 hành khách xếp hàng dài ở phòng chờ để làm thủ tục cho các chuyến bay sang Anh.

Trong số những người này, có một bộ phận là du học sinh quay lại Anh học tập sau khi tình hình dịch bệnh ở Anh lắng xuống, các trường đại học mở cửa trở lại, song cũng có một bộ phận các gia đình chuẩn bị chuyển đến Anh sinh sống.

Theo tìm hiểu, khi trả lời phỏng vấn tại sao lựa chọn di cư cả gia đình, dường như hầu hết các bậc phụ huynh đều lấy lý do cân nhắc đến việc học tập của con cái.

Các trường học ở Hong Kong kết thúc kỳ thi vào tháng Sáu và bắt đầu kỳ nghỉ Hè hai tháng từ ngày 1/7.

Nhiều bậc phụ huynh Hong Kong đợi con cái kết thúc năm học, tranh thủ kỳ nghỉ Hè để đưa cả gia đình di cư, giúp con cái sử dụng bảng điểm vừa mới nhận để tiếp tục tham gia các khóa học ở nước ngoài.

Do đó, hai tháng này có thể trở thành đỉnh điểm nhỏ của làn sóng di cư mới đối với người Hong Kong, trong đó, phần lớn người di cư có hộ chiếu hải ngoại của Anh (BNO), đồng thời cũng có một bộ phận thông qua kênh nhập cư tay nghề để đến Australia và Canada.

Làn sóng di cư mới bùng phát

Làn sóng di cư không phải là vấn đề mới lạ đối với Hong Kong. Theo số liệu thống kê công khai, Hong Kong đã từng xuất hiện các làn sóng di cư lớn nhỏ khác nhau vào nhiều thời điểm sau đây.

Theo số liệu của Văn phòng thống kế Chính quyền Khu hành chính đặc biệt Hong Kong, đỉnh điểm làn sóng di cư của người Hong Kong là 5 năm, 1990-1994, tổng cộng có khoảng 300.000 người di cư ra nước ngoài.

Đây là thời điểm số người di cư có quy mô lớn nhất kể từ khi Hong Kong được tái lập vào năm 1945, dẫn đến tình trạng nhiều nhân tài và nguồn lực của Hong Kong chảy ra bên ngoài, gây nên ảnh hưởng nghiêm trọng đối với cấu trúc dân số của Hong Kong.

Tuy nhiên, trước và sau khi Hong Kong trở về Trung Quốc Đại lục năm 1997, do sự phát triển không như ý muốn của một bộ phận người di cư ở nước ngoài, đồng thời một bộ phận người di cư lạc quan đối với triển vọng của Hong Kong, nên có khoảng 120.000 người Hong Kong đã mang quốc tịch và mang hộ chiếu nước ngoài lần lượt quay trở về, được gọi là làn sóng trở lại Hong Kong.

Các nước Anh, Canada, Australia đã lần lượt đưa ra tuyên bố nới lỏng điều kiện nhập cư đối với người Hong Kong sau khi Luật An ninh quốc gia có hiệu lực thực hiện.

Bắt đầu từ năm 2021, Anh thực hiện cơ chế xét duyệt thị thực nhập cư nhanh đối với những người Hong Kong mang hộ chiếu BNO, và đã nhận được hơn 34.000 đơn xin xét duyệt trong quý 1, trong đó 7.200 đơn đã được phê duyệt trong hai tháng đầu năm.

Canada, Australia tuyên bố lần lượt nhận được 5.727 (từ tháng Hai đến tháng Năm năm nay) và 2.500 (từ tháng 7/2020 đến nay) đơn xin xét duyệt.

Bên cạnh đó, còn có các số liệu tham khảo đáng chú ý khác. Theo Cơ quan quản lý kế hoạch quỹ bắt buộc của Hong Kong (MPFA), chỉ tính từ tháng 7 đến tháng 9/2020 đã có 8.100 người lấy lý do rời Hong Kong vĩnh viễn để rút quỹ với tổng giá trị 1,7 tỷ HKD, cao hơn mức 990 triệu HKD được 6.000 người Hong Kong rút trong quý 2/2020 trước khi thực hiện Luật An ninh quốc gia.

Theo số liệu của Cục giáo dục Hong Kong, năm học 2020-2021 có khoảng 19.300 học sinh (chiếm khoảng 3% tổng số học sinh) nghỉ học ở các trường tiểu học, trung học cơ sở của Hong Kong và quốc tế, tăng gần gấp đôi so với con số 10.400 của một năm trước.

Đặc điểm của làn sóng di cư mới

Theo một số nhà phân tích chính trị Hong Kong, so với các làn sóng di cư từ năm 1989 đến năm 1997, thành phần làn sóng di cư mới của Hong Kong không giống nhau, những người Hong Kong ra đi hiện nay chủ yếu là các gia đình trung lưu có con nhỏ, thanh niên trên 20 tuổi và những chuyên gia có tích lũy kinh tế.

Trong khi đó, vào thập niên 1990, những người Hong Kong đủ tư cách nhập cư phần lớn là tầng lớp tinh hoa chuyên nghiệp có chút ít tài sản.

Liệu Hong Kong có tái bùng phát một làn sóng di cư mới? ảnh 2Làn sóng di cư không phải là vấn đề mới lạ đối với Hong Kong.(Nguồn: THX/TTXVN)

Nhà nghiên cứu Trương Sở Dũng thuộc Đại học thành phố Hong Kong cho rằng, làn sóng di cư trước đây của Hong Kong là do không xác định được triển vọng đối với Hong Kong nên mới ra đi, ngược lại những người Hong Kong ra đi hiện nay là do họ tự nhận thấy ảnh hưởng của Luật An ninh quốc gia đối với tự do của Hong Kong hoặc thế hệ tiếp theo.

Bên cạnh đó, việc một số quốc gia phương Tây nới lỏng điều kiện nhập cư cho người Hong Kong cũng thúc đẩy khá nhiều các gia đình vốn chưa hoàn toàn tính đến việc di cư trước đó đột nhiên bị kích thích xem xét khả năng di cư và đưa ra các quyết định liên quan.

Một số người Hong Kong khi trả lời phỏng vấn đã thẳng thắn chia sẻ rằng, rất khó khăn nước Anh mới mở cửa cho người Hong Kong nhập cư nên sẽ nắm chặt cơ hội, hy vọng mang lại tương lai tốt hơn cho con cái.

Thế giới đầy rẫy những bất ngờ, nếu bây giờ không rời đi, thời gian tới nếu chính sách có sự thay đổi, thì muốn đi cũng không có cơ hội.

Đối với làn sóng di cư lần này, trong buổi trả lời phỏng vấn báo chí vào cuối năm 2020, Trưởng Khu hành chính đặc biệt Lâm Trịnh Nguyệt Nga nói rằng di cư là sự lựa chọn cá nhân, không phải là vấn đề thuộc về trách nhiệm của trưởng đặc khu.

Cục trưởng Cục tài chính Trần Mậu Ba khi được hỏi cũng có phản ứng tương tự: đi hay ở, quyết định sau cùng đều do mỗi cá nhân đưa ra sau khi cân nhắc các cơ hội việc làm, giáo dục và kinh doanh./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục