Logic “chiếc ghế ba chân” của Mỹ và quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản

Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se nhận định về cơ sở lý luận mà Mỹ xác định trong quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và tầm quan trọng của hàn gắn mối quan hệ giữa hai đồng minh Đông Bắc Á...
Logic “chiếc ghế ba chân” của Mỹ và quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản ảnh 1Cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se. (Nguồn: gettyimages)

Thời báo Hàn Quốc (Korea Times) vừa đăng bài viết của cựu Ngoại trưởng Hàn Quốc Yun Byung-se, hiện là thành viên của Hội đồng quản trị của Tổ chức Hòa bình Hàn Quốc, nhận định về cơ sở lý luận mà Mỹ xác định trong quan hệ với Hàn Quốc, Nhật Bản và tầm quan trọng của việc hàn gắn mối quan hệ giữa hai đồng minh Đông Bắc Á vì một trật tự Thái Bình Dương do Washington dẫn dắt.

Sau đây là nội dung bài viết:

Trong ngoại giao, sức mạnh của ngữ nghĩa và tính biểu tượng của thuật ngữ không hề thua kém chính sách hoặc chiến lược thực tế. Điển hình là việc chính quyền Mỹ sử dụng các thuật ngữ “cốt lõi” và “nền tảng” để mô tả mối quan hệ đồng minh với Hàn Quốc và Nhật Bản. Những thuật ngữ ngoại giao này được Mỹ đúc rút qua từng giai đoạn và sử dụng với hàm ý chiến lược.

Cụm từ “cốt lõi” lần đầu tiên được sử dụng tại Hội nghị thượng đỉnh Toronto giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và người đồng cấp Hàn Quốc Lee Myung-bak vào tháng 6/2010.

Tại cuộc họp báo chung, Tổng thống Obama nhấn mạnh rằng liên minh Mỹ-Hàn Quốc là nhân tố “cốt lõi” không chỉ đảm bảo an ninh cho Hàn Quốc và Mỹ, mà cho toàn bộ khu vực Thái Bình Dương. Kể từ đó, thuật ngữ này đã xuất hiện ở hầu hết các tuyên bố chung Hàn Quốc-Mỹ ở nhiều cấp khác nhau, chỉ có những thay đổi nhỏ là phạm vi áp dụng đối với các khu vực cụ thể như Đông Bắc Á, châu Á, Thái Bình Dương, châu Á-Thái Bình Dương và hiện nay là Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Thông lệ này đã trở thành truyền thống có tính kế thừa và không chịu ảnh hưởng của sự thay đổi chính quyền ở hai bờ Thái Bình Dương.

Cụ thể, tuyên bố chung mới đây nhất giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ngày 21/5/2021 đã tái khẳng định liên minh hai nước là “nhân tố cốt lõi đảm bảo duy trì trật tự khu vực và toàn cầu.”

[Hàn Quốc-Mỹ tổ chức đối thoại chính sách song phương] 

Trong cuộc điện đàm trước đó, các nhà lãnh Hàn Quốc-Mỹ đã sử dụng thuật ngữ “cốt lõi” để nhấn mạnh vai trò “đảm bảo an ninh và thịnh vượng cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.”

Ngôn ngữ này không khác nhiều so với ngôn từ đã được sử dụng bởi các cựu Tổng thống Lee Myung-bak và Park Geun-hye - những người tiền nhiệm thuộc phe bảo thủ, vốn ủng hộ quan hệ liên minh và rất thân thiết với những người đồng cấp Mỹ.

Trên thực tế, trong một báo cáo năm 2017, Cơ quan Nghiên cứu của Quốc hội Mỹ (CRS) đã đưa ra một nhận định hiếm có là trong giai đoạn 2009-2016, quan hệ Mỹ-Hàn Quốc đã đạt đến trạng thái gắn bó chặt chẽ nhất trong nhiều thập kỷ.

Trước đó, theo một báo cáo khác của CRS đưa ra vào tháng 12/2010, việc Tổng thống Mỹ khi đó ông Barack Obama nhận xét Hàn Quốc là đồng minh “cốt lõi” đã khiến dư luận Nhật Bản không khỏi lo lắng. Tokyo thường coi mình là đối tác quan trọng nhất của Mỹ trong khu vực và thuật ngữ đồng minh “cốt lõi” đã từng được sử dụng để mô tả liên minh Mỹ-Nhật Bản trong một thời gian.

Mối quan ngại của Nhật Bản chỉ tồn tại trong một thời gian ngắn cho đến khi Obama đặt ra một thuật ngữ mới cho quan hệ với Nhật Bản. Thuật ngữ “nền tảng” từ đó được chính thức sử dụng cho liên minh Mỹ-Nhật Bản.

Cùng với thuật ngữ “cốt lõi,” “nền tảng” - một khái niệm dựa trên tầm quan trọng của một nhân tố mà nhờ đó các nhân tố khác cùng tồn tại và phát triển trong một tổng thể - đã trở thành các thuật ngữ thể hiện rõ bản chất và vai trò của từng liên minh đối với Washington, cho dù nước Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump hay Joe Biden.

Logic “chiếc ghế ba chân” của Mỹ và quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản ảnh 2Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Đối với Hàn Quốc, “cốt lõi” là một thuật ngữ mang hàm ý liên minh chiến lược toàn diện, tương tự như Nhật Bản - quốc gia đang tìm kiếm mối quan hệ đối tác bình đẳng với Mỹ. Cả Seoul và Tokyo đều là những đồng minh châu Á quan trọng của Washington ở cả phạm vi khu vực và quốc tế.

Nhìn từ quan điểm chiến lược “trục và nan hoa” lấy Mỹ làm trung tâm đã tồn tại nhiều thập kỷ, hai đồng minh Đông Bắc Á đóng vai trò là những “nan hoa” có quan hệ gắn bó chặt chẽ. Trong thời đại đòi hỏi sự liên kết về an ninh và cạnh tranh địa chính trị gay gắt, vai trò của Hàn Quốc và Nhật Bản ngày càng trở nên quan trọng, là hai trụ cột chính cho hòa bình và an ninh của khu vực.

Mối quan hệ ba bên có thể được nhìn nhận rõ ràng thông qua logic về "chiếc ghế ba chân" nổi tiếng của cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton: “Rõ ràng, chúng ta không thể ngồi lên chiếc ghế chỉ có một hoặc hai chân, hoặc nếu là ba chân nhưng một chân dài hơn hoặc ngắn hơn hai chân còn lại."

Chính quyền Biden coi trọng tăng cường không chỉ quan hệ hợp tác ba bên với Hàn Quốc và Nhật Bản, mà còn cả quan hệ song phương giữa hai đồng minh châu Á. Tuyên bố đặc biệt của Bộ Ngoại giao Mỹ ngay trước thềm chuyến công du Đông Bắc Á của Ngoại trưởng Tony Blinken và Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin hồi tháng 3/2021 đã nhấn mạnh điểm này; đồng thời, chuyến thăm cũng mở ra hàng loạt cuộc gặp ba bên cho tới thời gian gần đây.

Quan trọng hơn, tuyên bố đã chỉ ra bản chất và vai trò của mối quan hệ ba bên. Nó lưu ý rằng “mối quan hệ chặt chẽ và hiệu quả giữa ba nước đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với an ninh và lợi ích chung thông qua các hoạt động bảo vệ tự do, dân chủ, nhân quyền, chống biến đổi khí hậu, thúc đẩy hòa bình, an ninh và pháp quyền của khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên quy mô toàn cầu.”

Tuy nhiên, rào cản lớn nhất hiện nay là mối quan hệ đang rạn nứt giữa Seoul và Tokyo. Mối quan hệ giữa hai đồng minh của Mỹ đang ở trạng thái tồi tệ nhất kể từ sau khi hai nước bình thường hóa quan hệ vào năm 1965, do liên quan đến các vấn đề lịch sử và hành động “ăn miếng trả miếng” lẫn nhau. Hiện triển vọng quan hệ hai nước được cho là vẫn chưa thấy “ánh sáng ở cuối đường hầm.”

Logic “chiếc ghế ba chân” của Mỹ và quan hệ Hàn Quốc-Nhật Bản ảnh 3Quốc kỳ của Mỹ và Trung Quốc dọc đại lộ Pennsylvania, gần Điện Capitol ở Washington D.C., Mỹ, hồi năm 2011. (Nguồn: ecfr.eu)

Thực trạng đáng tiếc này tác động nhiều mặt đến cục diện quan hệ song phương, khu vực và toàn cầu trong bối cảnh thế giới đang đứng trước những thay đổi mang tính kiến tạo, bao gồm cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung Quốc và nhiều thách thức chung mà các nước phải cùng nhau đối mặt, trong đó có vấn đề hạt nhân Triều Tiên.

Hàn Quốc và Nhật Bản có chung các giá trị như dân chủ, nhân quyền và kinh tế thị trường. Hai nước gắn bó chặt chẽ và phụ thuộc lẫn nhau về kinh tế. Về an ninh, Seoul và Tokyo là các đồng minh quan trọng của Washington. Hai nước láng giềng là những đối tác hợp tác trong thực thi các nghị quyết của Liên hợp quốc về giám sát các hoạt động bất hợp pháp của Triều Tiên cũng như trong hợp tác tình báo thông qua Thỏa thuận An ninh chung về Thông tin quân sự (GSOMIA) và Thỏa thuận Chia sẻ thông tin ba bên (TISA).

Cả hai đều là thành viên chủ chốt trong các diễn đàn hợp tác khu vực như ASEAN+3 (ASEAN với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc), Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS), Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC ) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP)...

Mối quan hệ căng thẳng Hàn-Nhật có xu hướng làm lu mờ mọi khía cạnh hợp tác quan trọng nói trên, đồng thời cản trở hai nước phát huy tối đa tiềm năng, bao gồm khả năng Hàn Quốc tham gia Bộ tứ (gồm Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ).

Trong bối cảnh đó, hai nước có thể tham khảo những bài học lịch sử quý báu về khả năng biến mối quan hệ đang xấu đi thành quan hệ đối tác mới nhờ sự quyết đoán và táo bạo của lãnh đạo hai nước. Lấy ví dụ, năm 1998, Tổng thống Hàn Quốc khi đó là Kim Dae-jung và Thủ tướng Nhật Bản khi đó là Keizo Obuchi đã thông qua Tuyên bố chung Hàn Quốc-Nhật Bản và Kế hoạch hành động 43 điểm nhằm “vượt qua các vấn đề lịch sử không mong muốn và xây dựng mối quan hệ hướng tới tương lai dựa trên hòa giải và mối quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác.”

Khó khăn trong việc hàn gắn mối quan hệ hiện tại giữa Seoul và Tokyo là điều không thể phủ nhận, nhưng không phải là thách thức không thể vượt qua vì thực tế là hai nước đã từng làm được như vậy vào các năm 1965, 1998 và 2015. Sự ra mắt của nội các mới dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida có thể tạo ra động lực mới, khởi đầu cho sự hợp tác giữa hai đồng minh châu Á của Mỹ. Chắc chắn, vũ điệu tango ba bên dưới sự biên đạo của Mỹ đòi hỏi sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa Hàn Quốc và Nhật Bản./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục