Theo đánh giá của các chuyên gia và các sở, ngành của tỉnh Kon Tum, chính sách tái định cư hiện còn nhiều lỗ hổng, chưa triệt để. Chính điều đó đã khiến ở một số nơi, người dân tái định cư rời vào tình cảnh khó khăn.
Thực tế, việc rời bỏ nơi sinh sống lâu năm để đến một nơi hoàn toàn mới khiến họ không dễ dàng hòa nhập được bởi “lạ nước, lạ cái." Và khi không có một cuộc sống tốt hơn, người dân khó có thể hài lòng với nơi ở mới. Tâm lý muốn quay lại nơi ở cũ cũng là điều dễ hiểu, dù phải đối mặt với nhiều hiểm nguy.
Chưa đảm bảo các yếu tố tái định cư
Về điều kiện sản xuất tại khu tái định cư, ông Trương Đạt, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum nhận định cùng với các dự án thủy điện, các khu tái định cư thủy điện trên địa bàn tỉnh cũng gây ra những ảnh hưởng nhất định đến môi trường kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân di cư khi phải nhường đất để làm các lòng hồ.
Ông Đạt phân tích tổng diện tích đất canh tác của mỗi hộ gia đình trước khi tái định cư khoảng 2-4ha, thậm chí là hàng chục ha. Toàn bộ đất canh tác của các hộ dân này là đất rẫy, đất cày công nghiệp và đất ruộng nằm dưới thấp, ven sông, suối, có độ ẩm, màu mỡ cao và ổn định.
Sau khi được tái định cư, đất sản xuất chậm được đền bù so với cam kết, diện tích đất được đền bù ít hơn so với diện tích đất sản xuất trước kia, đất đền bù không đúng chủng loại... nên người dân không thể sản xuất hoặc không phục hồi sản xuất như trước.
Lấy ví dụ cụ thể, ông Đạt chỉ rõ Dự án thủy điện Plei Krông tiến hành ngăn dòng để tích nước lòng hồ, di dời 748 hộ dân đến tái định cư ở xã Hơ Moong bên bờ Tây sông Pô Kô vào năm 2006. Tuy nhiên, khi đến khu tái định cư, mỗi hộ dân chỉ được cấp 400m2 đất, trong đó đã mất 70m2 đất xây nhà. Chính vì vậy, số đất còn lại để sản xuất khá ít ỏi, khiến người dân gặp nhiều khó khăn.
Không chỉ vậy, một số diện tích đất ruộng nước lại được đền bù bằng đất khô, đất xấu nên dù có canh tác, hiệu quả kinh tế mang lại cũng không cao.
Ông Đặng Thanh Long, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học và kỹ thuật tỉnh Kon Tum cũng cho rằng tồn tại, bất cập lớn nhất ở hầu hết các dự án tái định cư thủy điện là tình trạng thiếu đất sản xuất, thiếu rừng và đất rừng nên rất khó phục hồi sinh kế và ổn định cuộc sống cho đồng bào tái định cư là dân tộc thiểu số. Trong khi đó, sinh kế, cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi không thể tách rời sản xuất nông nghiệp, không thể sinh sống thiếu rừng và đất rừng.
Đối với yếu tố xã hội, việc tạo ra mối quan hệ tốt giữa cộng đồng sở tại và cộng đồng tái định cư cũng chưa được đảm bảo.
Ông Phạm Thanh Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Đăk Nên, huyện Kon Plông còn cho biết việc thiếu đất canh tác gây mâu thuẫn giữa người dân tái định cư (thôn Xô Luông) và người dân sở tại (thôn Tu Rét), do những người dân sở tại đã bị thu hồi đất để lấy đất cho người dân tái định cư. Vì vậy, đời sống và sinh kế của người dân thuộc diện tái định cư thủy điện đã bị giảm đi đáng kể so với trước kia.
[Kon Tum yêu cầu thủy điện hỗ trợ, bồi thường cho dân bị ảnh hưởng]
Đối với yếu tố văn hóa, việc di dời các cộng đồng dân cư đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc. Đơn cử, cộng đồng người Ca Dong tại các khu tái định cư Thủy điện Đăk Đrinh đã không còn được ở trong những căn nhà sàn truyền thống của mình mà buộc phải ở tại các căn nhà tái định cư được chủ đầu tư xây dựng mô phỏng theo kiến trúc nhà sàn. Ngay cả nhà sinh hoạt cộng đồng cũng được xây dựng theo lối hiện đại, tường xây, mái lợp tôn.
"Trước kia dân tộc mình ở trong căn nhà sàn truyền thống, dài lắm. Mỗi khi con cái lập gia đình thì chia ra một ngăn để ở. Bây giờ lên khu tái định cư, phải tách ra mỗi người một nhà. Nhà rông văn hóa cộng đồng thì lợp mái tranh cao lên chứ không lợp tôn như trường học thế này. Mình sợ là sau này, con cháu Ca Dong không còn biết đến nhà sàn văn hóa của dân tộc nữa," bà Y Lang (thôn tái định cư Đăk Lai, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) cho biết.
Tỷ lệ hài lòng thấp
Theo tiến sỹ Phạm Quang Tú, Phó Giám đốc Tổ chức Oxfam Việt Nam, qua quá trình khảo sát tại các khu tái định cư thủy điện, ông và các cộng sự nhận thấy có tới 90% số người dân được hỏi không hài lòng về điều kiện sống tại các khu tái định cư.
Trong số đó, khu tái định cư Thủy điện YaLy được xem là tốt nhất thì chỉ số không hài lòng của người dân vẫn đạt tới 64%. Trong số những người dân được khảo sát, có 82% nói rằng cuộc sống của họ kém hơn nơi ở cũ và chỉ có 11% người dân cho biết là cuộc sống của họ tốt hơn.
Bà Y Lang cho biết trước đây, gia đình bà sinh sống ở thôn Đăk Lai cũ, kinh tế tuy vẫn phụ thuộc vào nông nghiệp song không thiếu đất sản xuất. Với 4ha đất sản xuất, chủ yếu trồng sắn, ngô, các loại rau; cùng hơn 2 sào lúa nước, gia đình bà chưa bao giờ phải lo đến cái ăn. Thế nhưng, kể từ khi nhà và diện tích canh tác cũ bị ngập dưới lòng hồ Thủy điện Đăk Đrinh, gia đình bà đã chuyển lên ở tại thôn tái định cư mới.
“Bây giờ không có đất trồng lúa đâu. Họ bảo họ đền bù cho tôi mà cũng có thấy đâu. Tôi chờ 10 năm nay rồi, bây giờ đã hơn 70 tuổi mà vẫn không có ruộng, chẳng có gì để trồng lúa cả. Muốn có lúa ăn, tôi và các con của tôi phải đi làm thuê cho người có đất tầm 2 đến 3 ngày để mua gạo ăn. Trước thì tự sản xuất được gạo, bây giờ lại phải đi làm thuê để mua gạo, cuộc sống khó khăn hơn trước," bà Y Lang bộc bạch.
Ông Bloong Tiến, Trưởng Ban Dân tộc-Hội đồng Nhân dân tỉnh Kon Tum cũng phân tích những nguyên nhân tồn tại và bất cập của các khu tái định cư thủy điện trên địa bàn tỉnh như thống kê, đền bù và phê duyệt các phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư có nơi còn để xảy ra sai sót.
Việc chi trả chế độ cho người dân chậm, một số nội dung chưa được công khai, rõ ràng trong nhân dân, tiền đền bù còn chưa giải quyết được cho người dân. Đơn cử, trong tổng số 192 căn nhà tái định cư của dự án Thủy điện Đăk Đrinh, có trên 50 căn bị bỏ hoang; chủ thủy điện còn nợ số tiền hỗ trợ, tái định cư cho người dân xã Đăk Nên trên 33 tỷ đồng.
Tại thôn Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà, việc Ủy ban Nhân dân huyện Đăk Hà hỗ trợ mỗi hộ từ 20-40 triệu đồng để xây dựng nhà đảm bảo hoặc thậm chí là vượt mức hỗ trợ theo Quyết định số 78/2008/QĐ-TTg.
Cùng với đó, Ủy ban Nhân dân huyện cũng giao các ngành, Ủy ban Nhân dân xã Đăk Long làm việc và phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện triển khai, tạo điều kiện cho các hộ dân tiếp cận được các nguồn vốn ưu đãi như nguồn của ngân hàng chính sách xã hội huyện, các nguồn vốn hợp pháp khác để người dân vay vốn khắc phục sửa chữa lại nhà ở.
Đây là những chính sách hỗ trợ khá thiết thực song phải thừa nhận rằng, dù được tiếp cận nguồn vốn thì những hộ dân tái định cư vẫn khó có thể xây được căn nhà đảm bảo để ở, nhất là trong bối cảnh giá cả nguyên vật liệu xây dựng “leo thang” như hiện nay.
Để xây nhà hoàn chỉnh, họ buộc phải vay “chợ đen” và chấp nhận bước vào “cuộc đua” trả nợ. Khi thấy một vài gia đình rơi vào cảnh nợ nần vì xây nhà thì nhiều hộ dân khác không muốn, hoặc không dám vay vốn.
Bằng chứng là trong 50 hộ dân thuộc diện tái định cư đợt 2 lên thôn Pa Cheng, đến nay mới chỉ có 5 căn nhà được hoàn thiện, 2 căn đang được hoàn thiện, số còn lại vẫn đang ở hiện trạng bỏ hoang. Đến nay, chỉ có 8/50 hộ lên thôn tái định cư ở cố định, 42 hộ còn lại chỉ lên canh tác tại diện tích đất được cấp, rồi lại quay về nơi ở cũ.
Xét cho cùng, tái định cư thủy điện không giống với tái định cư thông thường bởi nguyên nhân người dân phải rời bỏ nhà cửa, ruộng nương mà họ đã từng gắn bó nhiều năm, thậm chí nhiều đời đến từ tác nhân là con người chứ không phải thiên nhiên. Chính vì vậy, cần có sự hỗ trợ tối đa để người dân sớm ổn định cuộc sống ở nơi mới, chưa nói đến chuyện trao "cần câu" hay trao “con cá."
“Khi đưa người dân đến các khu tái định cư thủy điện, chúng ta cần phải đảm bảo đền bù thỏa đáng cho người dân, phải đảm bảo các khu tái định cư có điều kiện sống tốt hơn khu cũ nhưng đến nay chúng ta vẫn rất hạn chế điều này," thạc sỹ Đặng Ngọc Vinh, Tổ chức Mạng lưới sông ngòi Việt Nam khẳng định./.
Bài 1: 'Lay lắt' tái định cư thủy điện, người dân chưa thể an cư
Đón đọc bài cuối: Để các khu tái định cư thực sự được "định cư"