Luật về giúp việc gia đình: Vẫn còn khó để thực hiện

Theo các chuyên gia, Bộ Luật Lao động 2012 đã có điều chỉnh với nhóm lao động giúp việc gia đình song còn chung chung và khó thực hiện.
Ngày 19/12, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức Hội thảo tham vấn “Hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lao động năm 2012 về Lao động giúp việc gia đình”.

Tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội ông Phạm Minh Huân cho biết: Hiện nay, Bộ Luật Lao động 2012 đã có điều chỉnh với nhóm lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, nội dung còn chung chung, nếu không được hướng dẫn cụ thể sẽ không có tính khả thi trong thực tiễn và sẽ rất khó thực hiện.

Việc cần phải quy định cụ thể như thế nào về các vấn đề như điều kiện làm việc, thời gian làm việc, tiền lương… của lao động giúp việc gia đình đã được đưa ra thảo luận tại hội thảo. Đặc biệt, nội dung liên quan tới việc ký kết hợp đồng lao động cho người giúp việc gia đình đã được nhiều đại biểu quan tâm.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Hồng,  Chuyên viên Vụ Bình đẳng giới (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) thì: “Lao động muốn được bảo vệ phải tuân thủ pháp luật, đấy là phương thức cơ bản để bảo vệ quyền lợi. Ban đầu, người lao động có thể sẽ thấy ký một hợp đồng rất khó khăn và phức tạp nhưng khi đã hình thành thói quen, họ sẽ thấy mọi vấn đề sẽ rất dễ xử lý khi tất cả đã được quy định rõ ràng bằng hợp đồng. Khi người giúp việc gia đình ký kết hợp đồng lao động, họ sẽ biết quyền lợi của bản thân là gì”.

Hiện nay, Luật lao động cũng có quy định người sử dụng lao động phải ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người giúp việc, trả cho họ khoản tiền bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, tạo cơ hội cho người giúp việc gia đình được tham gia học văn hóa, học nghề... Tuy nhiên, luật lại chưa quy cụ thể về hình thức hợp đồng lao động, thời hạn hợp đồng, chấm dứt hợp đồng, quyền và nghĩa vụ của lao động và chủ sử dụng lao động…

Mặt khác, vẫn có tình trạng nhiều nơi sử dụng lao động giúp việc dưới 18 tuổi nhưng các vấn đề về ký kết hợp đồng lao động với những đối tượng lao động dưới 18 tuổi lại chưa được hướng dẫn cụ thể.

Bà Hồng cũng nhấn mạnh: “Luật quy định lao động phải trên 18 tuổi vì khi ấy bản thân lao động đã có năng lực dân sự, trình độ hiểu biếu pháp luật. Hiện nay, người lao động chưa coi trọng việc phải hiểu biết pháp luật để bảo vệ quyền lợi của bản thân.”

Về góc độ quản lý về lương, ông Hoàng Minh Hào, Vụ phó Vụ Lao động - Tiền lương (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho rằng, hiện nay, Luật chưa có hướng dẫn cụ thể về việc trả lương đối với đối tượng lao động giúp việc. Các hoạt động thanh tra lương, thanh tra về điều kiện làm việc cho nhóm lao động này cũng đang bị bỏ ngỏ.

“Cần phải quy định cơ quan nào có thẩm quyền quản lý lao động giúp việc vì thực tế, thanh tra lao động có thể vào thanh tra tại các công ty, doanh nghiệp nhưng chưa có quy định nào cho kiểm tra tại các hộ gia đình.” Ông Hào nói.

Để đảm bảo quyền lợi cho nhóm lao động giúp việc gia đình, Bộ Luật lao động đã có những quy định cho lao động giúp việc gia đình. Tuy nhiên, những quy định này mang tính chất chung mà công việc giúp việc gia đình lại có những đặc thù riêng so với các công việc khác.

Những ý kiến thảo luận tại hội thảo nhằm cụ thể hơn những quy định đa có sẽ được tổng hợp lại làm cơ sở để Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật lao động năm 2012 về Lao động giúp việc gia đình để trình lên Chính Phủ./.

Hồng Kiều (Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục