Lực cản từ giải phóng mặt bằng: Vì mục tiêu tạo quỹ đất sạch

Nhận thấy tình trạng “cha chung” sẽ khiến cán bộ không quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo nên Thành ủy Hà Nội đã ban hành văn bản quy trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực giải phóng mặt bằng.
Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đối thoại với người dân bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)
Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đối thoại với người dân bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

Giải phóng mặt bằng luôn được các cấp chính quyền xác định là việc phức tạp, nhạy cảm có thể “sai một li, đi một dặm” gây thất thoát tiền của Nhà nước và mất lòng tin trong nhân dân.

Do vậy, nhiều cán bộ ở Hà Nội nói riêng đã tìm cách “né” hoặc đùn đẩy cả việc chỉ đạo cũng như thực thi giải phóng mặt bằng để giữ an toàn cho bản thân. Vì trên thực tế, chưa có khung chế tài và cũng chưa có cán bộ nào bị xử lý vì để chậm giải phóng mặt bằng khiến cho xã hội phải gánh chịu hậu quả.

Thế nên, phải tăng cường hiệu quả quản lý Nhà nước ở lĩnh vực này trong thời gian tới, hướng tới cách làm đồng bộ để giải phóng mặt bằng không còn là lực cản mà trở thành động lực cho sự phát triển của mỗi địa phương.

Không thể trách nhiệm chung chung

Tại Hà Nội, thời gian qua có thể kể tên hàng chục dự án chậm giải phóng mặt bằng nhưdự án Tây Nam Kim Giang, đường sắt Cát Linh-Hà Đông, Quốc lộ 1A đoạn qua huyện Thanh Trì, dự án Hoàng Cầu-Voi Phục, đường 5 kéo dài … gây đội vốn; ách tắc giải ngân vốn đầu tư công, giảm hiệu quả đầu tư… khiến dư luận bức xúc. Hậu quả từ việc giải phóng mặt bằng chậm không chỉ nhìn thấy bằng mắt thường mà còn để lại hệ lụy lâu dài cho xã hội.

Song theo một số chuyên gia về pháp luật, trên thực tế không có ai chịu trách nhiệm về việc chậm giải phóng mặt bằng ở các dự án trên.

Nhận thấy tình trạng “cha chung” trong giải phóng mặt bằng sẽ khiến người cán bộ không đeo bám, quyết liệt và sáng tạo trong chỉ đạo nên Thành ủy Hà Nội đã ban hành văn bản quy trách nhiệm người đứng đầu trong lĩnh vực này.

Nghị quyết số 08-NQ/TU mới đây của Ban Thường vụ Thành ủy về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hà Nội giai đoạn 2020 và những năm tiếp theo” chỉ rõ thủ trưởng các đơn vị, chủ tịch Ủy ban Nhân dân các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp xây dựng kế hoạch thực hiện cho cơ quan mình. Trong đó nhấn mạnh, chủ tịch các quận, huyện thị xã rà soát lại quy trình và phương pháp thực hiện của địa phương, lấy tiến độ hiệu quả, đúng pháp luật là phương châm chỉ đạo.

“Chủ tịch Ủy ban Nhân dân quận, huyện, thị xã phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, không được ủy quyền lại cho cấp phó”, Nghị quyết trên của Thành ủy Hà Nội yêu cầu.

[Quản lý trật tự xây dựng ở Hà Nội: Còn bất cập về cơ chế, chính sách]

Cùng với đó, Thành ủy Hà Nội cũng chỉ đạo, đưa việc giải phóng mặt bằng vào chương trình công tác hằng năm của cấp ủy, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, cần tập trung chỉ đạo thực hiện có hiệu quả cao.

Ông Nguyễn Thanh Kỳ, Bí thư Chi bộ thôn 2 xã Hồng Kỳ (Sóc Sơn) cho biết, chi bộ cũng đã phân công tuyên truyền giải thích cho người dân. Bà con trong thôn cũng nhận thấy cái sai khi thực hiện ngăn chặn xe rác. Nhưng sở dĩ họ chặn xe rác là do tiến độ di dân khỏi vùng bán kính 500 m và việc đền bù, giải phóng mặt bằng quá chậm. Bên cạnh đó, giá đất tái định cư hiện có sự chênh lệch lớn với giá đất đền bù khiến việc ổn định đời sống của người dân sau di dời gặp khó khăn.

Đến nay, riêng tại hai xã Nam Sơn và Hồng Kỳ vẫn còn nhiều hộ dân chưa nhận được đền bù đất nông nghiệp, đất ở. Người dân trải qua thời gian dài không có tư liệu sản xuất nên rất bức xúc.

Về chậm trễ giải phóng mặt bằng bãi rác Nam Sơn bán kính 500m, trong buổi đối thoại với người dân ngày 17/7, ông Phạm Văn Minh - Chủ tịch Ủy ban Nhân dân huyện Sóc Sơn thừa nhận, việc chậm đền bù đất nông nghiệp có trách nhiệm chủ yếu của huyện. Việc kiểm đếm các trường hợp thuộc diện đền bù hiện đã được huyện thực hiện xong. Tuy nhiên, việc lên phương án cần thời gian.

“Nguyên nhân của tình trạng chậm trễ là do một số công trình xây dựng trong khu dân cư thuộc diện di dời khó xác định thời điểm nên phải họp thôn, xóm để xác minh”, ông Phạm Văn Minh giãi bày và cho biết thêm, thời gian tới sẽ nâng cao vai trò của người đứng đầu địa phương theo chỉ đạo của Thành ủy.

Từ đó, triển khai nhanh hơn nữa các bước để thực hiện dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bãi rác Nam Sơn.

Luật Đất đai năm 2013 đã chỉ ra, đất đai là tài nguyên của quốc gia, là nguồn lực quan trọng để phát triển và là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân, do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý. Song, đất đai luôn là vấn đề phức tạp, nhạy cảm, liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích của người dân.

Do đó, tại một số địa phương của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, việc thi hành Luật Đất đai năm 2013 còn nhiều bất cập. Dẫn tới nhiều hộ dân không đồng ý với phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư, khiếu kiện kéo dài, gây mất trật tự xã hội tại địa phương.

Giải quyết công khai

Cùng với việc quy trách nhiệm cho người đứng đầu cấp ủy, đơn vị về giải phóng mặt bằng như nêu ở trên thì nhiều ý kiến cho rằng cần phải nhanh chóng sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng để chính quyền, người dân và doanh nghiệp dễ thực hiện. Còn nếu cứ để doanh nghiệp tự thỏa thuận với người dân sẽ rất khó đi đến “chung kết” cho một dự án có sinh lời như kiểu xây dựng khu nhà ở.

Về nội dung trên, theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, trong trường hợp để doanh nghiệp tự giải phóng mặt bằng như hiện nay, khiến cho nhiều dự án bị chậm triển khai, do không thể tìm tiếng nói chung với người dân.

Lực cản từ giải phóng mặt bằng: Vì mục tiêu tạo quỹ đất sạch ảnh 1Lãnh đạo Thành ủy, UBND thành phố Hà Nội đối thoại với người dân bãi rác Nam Sơn (Sóc Sơn) về chính sách đền bù giải phóng mặt bằng (Ảnh Mạnh Khánh/Vietnam+)

“Đối với dự án giải phóng mặt bằng được 70%, còn lại 30% nếu người dân không chấp nhận, Nhà nước sẽ là “trọng tài” để tiến hành giải phóng mặt bằng cho nhà đầu tư, chứ không thể doanh nghiệp “tự bơi” như hiện nay được,” vị chuyên gia đề xuất.

Còn cán bộ địa chính xã Tân Triều (huyện Thanh Trì) Nguyễn Hữu Tâm nêu kiến nghị, cơ quan chức năng cần nhất quán một chính sách cho một dự án. Vì nếu cứ áp dụng nhiều chính sách như ở Tây Nam Kim Giang sẽ rất khó cho cấp dưới triển khai công việc.

Qua tìm hiểu tại Hà Nội, nhiều địa phương như: Hoài Đức, Ba Vì, Gia Lâm, Mê Linh… cũng có tình trạng một dự án nhưng được áp dụng nhiều chính sách trong đền bù, hỗ trợ giải phóng mặt bằng.

Có thể cùng một cánh đồng nhưng người có đất phải thu hồi cho các dự án mục đích quốc phòng, an ninh, phát triển kinh tế-xã hội, vì lợi ích quốc gia, công cộng thì nhận được chế độ bồi thường theo mức giá ấn định của Nhà nước.

Trong khi đó, người có đất thu hồi cho các dự án của doanh nghiệp được chủ đầu tư thỏa thuận bồi thường theo giá thị trường thì được hỗ trợ, đền bù thậm chí cao hơn hàng chục lần so với mức của Nhà nước.

Điều này khiến cho cán bộ địa chính của nhiều địa phương rất khó tuyên truyền giải thích với người dân, dẫn đến ảnh hưởng đến việc giải phóng mặt bằng chung trên địa bàn.

Để giải quyết vấn đề trên, theo ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa 14-Đoàn Quốc hội thành phố Hà Nội, ở tất cả các dự án, chỉ nên có một chủ thể duy nhất là Nhà nước, tiến hành thu hồi giải phóng mặt bằng theo một quy định chung, sau đó ô đất đó sẽ mang ra đấu thầu công khai, sẽ giảm được tình trạng so bì như hiện nay.

Còn có ý kiến khác cho rằng, hiện nay nhiều dự án vốn nằm chờ giải phóng mặt bằng, rất lãng phí nguồn lực đầu tư. Về nội dung này, ông Nguyễn Lê Hiến, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đông Anh kiến nghị, Chính phủ nên cho phép địa phương chủ động giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất "sạch" theo quy hoạch sử dụng đất, tầm nhìn gần đã được cấp thẩm quyền phê duyệt quy hoạch 1/500, đối với những dự án đã có chủ trương đầu tư và bố trí vốn. Như vậy mới khắc phục được tình trạng kéo dài dự án.

Theo Ban Chỉ đạo Giải phóng mặt bằng thành phố Hà Nội, trong thời gian tới, Trung ương cũng cần sớm hoàn thiện hệ thống hồ sơ dữ liệu về quản lý đất đai; tăng cường quản lý, chống lấn chiếm, xây dựng trái phép, kịp thời giải tỏa các vi phạm về đất đai... Bởi, đây là những nội dung chính ảnh hưởng trực tiếp đến cơ sở pháp lý thực hiện giải phóng mặt bằng và tiềm ẩn phát sinh khiếu kiện phức tạp sau này.

Ngoài ra, một số chuyên gia khác nêu quan điểm, chính quyền cần đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp tạo quỹ "đất sạch" và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất để nhà đầu tư chủ động về mặt bằng, rút ngắn thời gian thực hiện các dự án đầu tư, giải quyết kịp thời những vướng mắc về chính sách đối với bồi thường, giải phóng mặt bằng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục