Mạng xã hội khiến cho người dùng muốn giữ im lặng hơn

Một cuộc điều tra cho thấy mạng xã hội không khuyến khích các cuộc bàn luận về những chủ đề gây tranh cãi, mà khiến cho người dùng muốn giữ im lặng hơn.
Mạng xã hội khiến cho người dùng muốn giữ im lặng hơn ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: mashable.com)

Đã bao giờ bạn thấy do dự khi chia sẻ một đường link có nội dung chính trị lên Facebook? Hay cảm thấy lo lắng khi nêu lên quan điểm của mình trên Twitter? Mới đây, một cuộc điều tra phối hợp giữa Trung tâm nghiên cứu Pew và Đại học Rutgers cho thấy mạng xã hội không khuyến khích các cuộc bàn luận về những chủ đề gây tranh cãi, mà khiến cho người dùng muốn giữ im lặng hơn.

1.801 người trưởng thành ở Mỹ đã được hỏi họ sẵn sàng bàn luận về vụ tiết lộ thông tin mật của Edward Snowden qua mạng xã hội hay nói chuyện trực tiếp với nhau. Những người dùng mạng xã hội cho thấy một tỉ lệ khá lớn sẽ do dự khi nói về chủ đề này - 86% cho biết họ sẵn sàng bàn luận vấn đề này khi gặp nhau ngoài đời thường, trong khi chỉ có 42% người dùng Facebook và Twitter nói họ sẽ đăng tải ý kiến online.

"Một số người hy vọng mạng xã hội là cách mới để tăng cường thảo luận và trao đổi ý kiến ở phạm vi rộng hơn. Nhưng sự thật thì ngược lại, sự im lặng đang dần lan tỏa ở đây. Nếu mọi người nghĩ rằng bạn bè và những người khác trên mạng không đồng tình, họ sẽ không bày tỏ quan điểm của mình," giáo sư Keith Hampton của Đại học Rutgers cho biết.

Trên thực tế, các trang tin tức và quan điểm mang tính chính trị rất phổ biến trên mạng Internet, do đó nhiều người ít muốn thêm vào đó một vài ý kiến cá nhân. Điều này cũng ảnh hưởng tới cả những cuộc trò chuyện ngoài đời thường.

Khoảng 1/2 người dùng Facebook không muốn nói về vụ tiết lộ thông tin của Snowden hay hệ thống giám sát của chính phủ khi đang ngồi ăn ở nhà hàng, 1/4 người dùng Twitter không nêu lên chủ đề này ở nơi làm việc.

Giả thuyết đặt ra cho hiện tượng này được gọi là "vòng xoáy của sự im lặng," nghĩa là mọi người có xu hướng không nêu lên ý kiến của mình nếu họ thấy mình ở nhóm thiểu số.

Lee Rainie, giám đốc phòng nghiên cứu khoa học và công nghệ máy tính thuộc Trung tâm nghiên cứu Pew cho biết: "Lời giải thích có thể là vì người dùng mạng xã hội hiểu rõ hơn về sự đa dạng của các ý kiến và quan điểm quanh họ, nhất là với những vấn đề gây nhiều tranh cãi. Nhờ mạng xã hội mà họ có thể biết rõ hơn về lý do của những sự bất đồng quan điểm. Điều này khiến họ do dự khi phải nêu lên quan điểm của mình, dù là trên mạng hay ngoài đời thường, vì họ sợ sẽ làm nảy sinh một cuộc tranh cãi và kết quả có thể khiến bạn bè của họ phật lòng, thậm chí chấm dứt quan hệ."/.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục