Mâu thuẫn chính trị ảnh hưởng tới vị thế nước Mỹ

Hai quan chức Mỹ nhận định căng thẳng chính trị về ngân sách và nợ công đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh nước Mỹ.
Những căng thẳng chính trị trong nước xung quanh vấn đề ngân sách và nợ công đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh nước Mỹ trên trường quốc tế cũng như làm tổn hại tới nền kinh tế quốc gia đang trên đà hồi phục.

Hai quan chức hàng đầu trong chính quyền Mỹ là Ngoại trưởng John Kerry và Bộ trưởng Tài chính Jack Lew đã đưa ra nhận định trên ngày 24/10 tại một hội nghị tổ chức ở Trung tâm Tiến bộ Mỹ tại thủ đô Washington.

Phát biểu từ thực tế một tháng công du qua nhiều nước châu Á và châu Âu, Ngoại trưởng Kerry nhận định mối đe dọa lớn nhất đối với Washington hiện tại không đến từ những nhân tố bên ngoài mà xuất phát chính từ những tổn hại mà nước Mỹ tự gây ra, bởi hoạt động kém hiệu quả của chính phủ. Cụ thể, việc chính phủ buộc phải đóng cửa hơn hai tuần do tranh cãi kéo dài giữa hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đã có những tác động tiêu cực đối với uy tín toàn cầu của nước Mỹ, đặc biệt trong các cuộc thương lượng với Iran, Israel cũng như trên bàn đàm phán về hòa bình Trung Đông.

Theo ông Kerry, những tổn hại trên có thể khắc phục song Quốc hội lưỡng đảng cần coi đây là một lời cảnh tỉnh để tránh lặp lại sai lầm tương tự.

[Thượng viện Mỹ duyệt kế hoạch ngân sách tạm thời]


Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Jack Lew nhận định các cuộc khủng hoảng về ngân sách gần đây hai đảng đã phần nào cản trở đà hồi phục vẫn còn bấp bênh của nền kinh tế quốc gia. Mặc dù nước Mỹ đã xuất hiện dấu hiệu tăng trưởng, kinh doanh phát triển tạo ra công ăn việc làm và thâm hụt ngân sách giảm, tốc độ tăng trưởng kinh tế và tạo ra việc làm vẫn chưa đủ mạnh.

Bên cạnh đó, ông Lew kêu gọi các nhà đàm phán về ngân sách tại lưỡng viện Quốc hội Mỹ nên có hành động đối với chương trình cắt giảm ngân sách tự động.

Ông Lew khẳng định việc cắt giảm ngân sách tự động đã làm trì trệ nền kinh tế, và chương trình này cần phải được thay thế bởi các biện pháp có tính dài hạn hơn nhằm cắt giảm chi tiêu, tuy nhiên ông không đưa ra gợi ý cụ thể về những biện pháp dài hạn này. Ông cho rằng sau sự kiện trần nợ vừa qua, hiện hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đang đứng trước cơ hội hợp tác cùng nhau để giải quyết vấn đề và không nên bỏ lỡ thời điểm này.

Trong nỗ lực đầu tiên nhằm giải quyết vấn đề ngân sách và trần nợ kể từ khi Chính phủ Mỹ mở cửa trở lại, một nhóm các nghị sỹ do Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Hạ viện Paul Ryan và Chủ tịch Ủy ban Ngân sách Thượng viện Patty Murray dự kiến sẽ gặp nhau vào ngày 30/10 tới để thảo luận.

Nhà Trắng và đảng Dân chủ luôn theo đuổi quan điểm tăng thuế là một phần của bất kỳ thảo luận ngân sách nào trong khi các nghị sỹ Cộng hòa cực lực phản đối điều này. Trước đó, do không đạt được thỏa thuận ngân sách giữa hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, ngân sách tài khóa 2013 của Mỹ đã phải tự động cắt giảm khoảng 85 tỷ USD từ 1/3./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục