Một số chiến lược mới chống cúm A/H1N1

Một số nước đã thông báo các quy định mới hướng dẫn việc phòng tránh, điều trị bệnh nhân tại các khu vực có thể lây nhiễm.
Mặc dù đại dịch virus cúm A/H1N1 trên thế giới đang diễn biến hết sức phức tạp, song theo các cơ quan y tế trên thế giới, nếu hiểu rõ bản chất của chủng virus cúm này, những người nhiễm bệnh vẫn có thể tự theo dõi và điều trị tại nhà mà không cần đến bệnh viện, ngoại trừ các trường hợp có biểu hiện bất thường hoặc nằm trong nhóm có nguy cơ cao.
 
Chính phủ một số nước đã thông báo các quy định mới hướng dẫn việc phòng tránh cũng như theo dõi điều trị bệnh nhân tại các khu vực có thể lây nhiễm ở mức cộng đồng.

Tại Mỹ, ngày 7/8, chính phủ đã ban hành bản hướng dẫn mới, theo đó khuyên các trường học không nên đóng cửa khi dịch cúm chưa tấn công mạnh.
 
Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh Mỹ (CDC), ông Thomas Frieden, cho rằng việc đóng cửa các trường học không phải là giải pháp tốt nhất mà ngược lại quyết định này có thể gây tác hại đáng kể về mặt xã hội như việc trẻ em không được giám sát, các nhân viên y tế gặp khó khăn trong việc chăm sóc trẻ tại gia đình và học sinh, sinh viên sẽ bị chậm các chương trình học.
 
Thay vào đó, quy định mới gợi ý các trường tìm các biện pháp và hình thức để giảm bớt sự tụ tập của các học sinh và nhắc các em rửa tay thường xuyên.

Theo hướng dẫn mới của chính phủ, những học sinh, sinh viên bị nhiễm virus cúm A/H1N1 tại trường sẽ được cách ly trong phòng đặc biệt trước khi được đưa về nhà chăm sóc và thay vì việc phải ở nhà một tuần, những học sinh này có thể được trở lại trường sau 24 giờ nếu hết triệu chứng sốt.
 
Tuy nhiên, các qui định mới khuyến cáo các trường hợp nhiễm bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao như phụ nữ mang thai, những người mắc bệnh kinh niên liên quan đến tim, phổi, thận, gan hoặc các chức năng khác và hệ thần kinh nên đến bệnh viện ngay nếu có các triệu chứng nghi nhiễm cúm.
 
Cũng liên quan đến dịch cúm A/H1N1, Bộ Y tế Áo ngày 7/8 thông báo sẽ thay đổi chiến lược phòng chống dịch cúm A/H1N1, theo đó sẽ tập trung kiểm soát số người nhiễm bệnh và đảm bảo việc điều trị cho những bệnh nhân nằm trong nhóm nguy cơ cao.
 
Theo kế hoạch mới, những trường hợp nhiễm bệnh có thể không cần phải đưa tới bệnh viện để cách ly và điều trị. Bộ trưởng Y tế Áo Alois Stoger cho rằng trong bối cảnh số người nhiễm cúm ngày một nhiều và dịch cúm A/H1N1 được dự báo sẽ còn kéo dài trong vài năm tới.
 
Từ ngày 10/8, những bệnh nhân nhiễm cúm có thể được điều trị tại nhà trong vòng một tuần và được sử dụng các loại thuốc điều trị cúm như Tamiflu hoặc Relenza trừ những đối tượng thuộc nhóm nguy cơ cao có thể biến chứng nếu nhiễm virus cúm.
 
Trong khi đó, Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC) công bố số liệu mới cho biết trong vòng 24 giờ qua, châu Âu đã có thêm 2.065 trường hợp nhiễm virus cúm A/H1N1 mới, trong đó, Đức xác định 594 người, Anh (558), Hà Lan (395), Italy (263), Na Uy (71), Bồ Đào Nha (44), Thụy Sĩ (37), Luxembourg (26).
 
Tổng số người nhiễm tại Liên minh châu Âu (EU) đã tăng lên 32.375 người, riêng Anh là 12.470 trường hợp, Tây Ban Nha 1.538 trường hợp, Đức 9213 trường hợp và Pháp là 880 trường hợp.
 
Cùng ngày, quan chức y tế Palestine và Ireland thông báo các trường hợp tử vong đầu tiên do nhiễm virus cúm A/H1N1.

Tại Palestine, bệnh nhân xấu số là cư dân sống ở gần thành phố Ramallah khu Bờ Tây. Tại Ireland, nạn nhân là một phụ nữ trẻ, đã được cách ly để điều trị tại bệnh viện trước khi tử vong./.
(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục