Một số vấn đề trong việc triển khai 'hộ chiếu vaccine' COVID-19

Việc áp dụng "giấy chứng nhận tiêm chủng" hay "hộ chiếu vaccine" để chứng minh đã tiêm vacine ngừa COVID-19 đang được thảo luận tại nhiều nước nhằm khôi phục các hoạt động xã hội.
Một số vấn đề trong việc triển khai 'hộ chiếu vaccine' COVID-19 ảnh 1Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19 cho hành khách tại sân bay Ben Gurion, gần Tel Aviv, Israel ngày 6/4/2021. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Theo Viện nghiên cứu tổng hợp Nomura Nhật Bản (NRI), kể từ cuối năm 2020, xu hướng tiêm vaccine ngừa đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã bắt đầu tại một số quốc gia và số nước bắt đầu tiêm chủng ngày càng nhiều hơn.

Việc áp dụng "giấy chứng nhận tiêm chủng" hay "hộ chiếu vaccine" để chứng minh đã tiêm vacine ngừa COVID-19 đang được thảo luận tại nhiều nước nhằm khôi phục hoạt hoạt động xã hội, bình thường hóa hoạt động kinh tế.

Đi tiên phong trong việc triển khai "hộ chiếu vaccine" là Liên minh châu Âu (EU).

Ngày 17/3, Ủy ban châu Âu đã công bố bộ luật liên quan đến vấn đề này và đang chuẩn bị các bước để Hội đồng châu Âu thông qua trước mùa Hè năm nay. Tên chính thức của loại hộ chiếu này là "hộ chiếu điện tử xanh."

Những quốc gia đang kỳ vọng mạnh mẽ vào "hộ chiếu vacine" là Ai Cập và Tây Ban Nha  - vốn phụ thuộc vào nguồn thu từ lĩnh vực du lịch lên đến 20% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP).

[Bộ Y tế nêu ý kiến về phương án áp dụng "hộ chiếu vaccine"]

Hai quốc gia này đặt kỳ vọng quy định về "hộ chiếu vaccine" có thể bắt đầu thực hiện trước mùa du lịch Hè năm 2021 để có thể mở rộng đón khách du lịch từ nước ngoài.

"Hộ chiếu vacine" là các quy định cho phép người trình diện giấy chứng nhận tiêm chủng vaccine COVID-19 có thể tự do đi lại giữa các nước thuộc khối EU và được miễn áp dụng các biện pháp cách ly theo quy định.

Tuy nhiên, việc áp dụng quy định này đến mức nào sẽ còn phụ thuộc vào quyết định của mỗi quốc gia.

Trong trường hợp của Israel - quốc gia đang dẫn đầu thế giới về tiêm chủng vacine COVID-19, giấy chứng nhận tiêm chủng là điều kiện để sử dụng cửa hàng ăn uống, phòng tập gym

Tuy nhiên, tại châu Âu, một số quốc gia, trong đó phải kể đến Pháp, đang thể hiện ý kiến thận trọng về miễn áp dụng quy định hạn chế đối với người có "hộ chiếu vaccine."

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng việc vận hành quy chế "hộ chiếu vaccine" sẽ gây phân biệt đối với những người trẻ tuổi vốn không được xếp vào thứ tự ưu tiên tiêm chủng. Ngoài ra, quy định này cũng tạo áp lực phải tiêm chủng cho tất cả người dân.

Có thể thấy trong danh sách những người không tiêm chủng có những trường hợp như người chưa đến lượt, những người cần hạn chế như phụ nữ mang thai, dị ứng, người không có nguyện vọng…và việc vận hành "hộ chiếu vaccine" có thể nảy sinh phân biệt đối xử hoặc gây ra bất lợi lớn với những trường hợp như vậy.

Việc tiêm vaccine ngừa COVID-19 được khẳng định là có hiệu quả làm giảm nguy cơ gây ra tình trạng bệnh diễn biến nặng trong trường hợp lây nhiễm COVID-19.

Nhưng hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm cho bản thân, làm giảm nguy cơ lây nhiễm sang người khác vẫn chưa được khẳng định.

Trong bối cảnh hoạt động tiêm chủng đang được triển khai mạnh mẽ ở các nước, điều này có lẽ sẽ được khẳng định trong thời gian tới. Nhưng tại thời điểm hiện tại, việc cho rằng đã tiêm chủng vaccine COVID-19 thì có thể hoạt động tự do là một sự nhầm lẫn.

Những người đã tiêm vaccine ngừa COVID-19 vẫn cần tiếp tục thực hiện các biện pháp phòng chống dịch. Về vấn này, việc vận hành "hộ chiếu vaccine" không nên trao các quyền đặc biệt về tự do hoạt động mà có lẽ nên áp dụng các điều kiện nới lỏng một số hạn chế nhất định.

Một trong những vấn đề lớn khác khi sử dụng "hộ chiếu vaccine" là chủng loại vaccine COVID-19. Các loại vaccine được chấp thuận ở mỗi nước là khác nhau.

Do đó, việc triển khai "hộ chiếu vaccine" chung có thể sử dụng rộng rãi trên phạm vi toàn thế giới là điều không dễ. Vấn đề này đã một lần nữa được nêu lên khi ngày 8/3, Trung Quốc tuyên bố áp dụng "hộ chiếu vaccine" và giấy chứng nhận sức khỏe du lịch quốc tế.

Nếu trình những loại giấy tờ này, hành khách nhập cảnh từ nước ngoài vào Trung Quốc có thể được miễn áp dụng biện pháp cách ly.

Tuy nhiên, biện pháp này lại chỉ có hiệu lực trong trường hợp tiêm vaccine ngừa COVID-19 của Trung Quốc.

Đến thời điểm này, hầu hết các quốc gia phương Tây chưa phê duyệt vaccine COVID-19 của Trung Quốc và có thể thấy nước này đang thúc đẩy việc chấp thuận qua lại vaccine giữa các nước, bao gồm cả vaccine Trung Quốc thông qua "hộ chiếu vaccine."

Trung Quốc đang tìm cách tạo ra tiêu chuẩn thế giới thông qua áp dụng "hộ chiếu vaccine" và kiểm soát hoạt động đi lại xuyên quốc gia.

Trong khi đó, Nhật Bản vẫn đang tiếp tục duy trì lập trường thận trọng đối với việc phát hành hộ chiếu vaccine và giấy chứng nhận tiêm chủng.

Bộ trưởng phụ trách công tác tiêm vaccine ngừa COVID-19 Kono Taro đã phủ nhận mạnh mẽ quan điểm triển khai các thủ tục này khi cho rằng: "Chứng nhận vaccine hoàn toàn không hiệu quả và không ý nghĩa."

Tuy nhiên, trước động thái từ EU và trong tương lai khả năng hành khách quốc tế sẽ cần kết nối hệ thống "hộ chiếu vaccine," ngày 16/3, Bộ trưởng Kono đã cho rằng Nhật Bản cũng cần thảo luận về vấn đề này nếu nước ngoài thúc đẩy mạnh mẽ.

Dù vậy Bộ trưởng Kono vẫn cho rằng: "Dựa trên rất nhiều vấn đề đã nhận thấy, việc sử dụng giấy chứng nhận tiêm chủng vẫn chưa được tính đến tại Nhật Bản."

Chắc chắn, việc tạo ra cơ chế chỉ cần có "hộ chiếu vaccine" là có thể tự do đi đến nhiều địa điểm sẽ trở thành vấn đề. Đó chính là việc phát sinh vấn đề phân biệt đối xử, tính xác thực hiệu quả kiểm soát lây nhiễm COVID-19 sang người khác.

Tuy nhiên, việc có nhiều người mong muốn có giấy chứng nhận xét nghiệm PCR âm tính đối với COVID-19 trước khi trở về nước, đồng thời, việc tiêm chủng vaccine đang được thúc đẩy đến những người bình thường không thuộc diện ưu tiên sẽ khiến nhu cầu chứng nhận tiêm vaccine ngừa COVID-19 tăng lên cao.

Để chuẩn bị cho tình huống này, Chính phủ Nhật Bản cần triển khai cơ chế, hệ thống quản lý kết hợp thông tin tiêm chủng vaccine với thông tin chứng nhận kết quả xét nghiệm PCR âm tính với COVID-19 để mọi người có thể liên kết, thông qua nền tảng điện thoại thông minh hoặc bằng giấy tờ để có thể trình diện khi cần thiết./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục