Mỹ đang tụt lùi khi chỉ đứng xem Nga hành động ở Libya?

Trong kỷ nguyên Mỹ đang rút khỏi các can dự quốc tế, Mỹ chỉ đứng im nhìn Nga tăng cường ảnh hưởng ở các nước, từ Afghanistan tới Libya.
Mỹ đang tụt lùi khi chỉ đứng xem Nga hành động ở Libya? ảnh 1Lực lượng thuộc Chính phủ đoàn kết dân tộc GNA tại mặt trận Ain Zara ở Tripoli. (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo mạng tin thehill, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov tuyên bố rằng Nga muốn có hòa bình ở Libya. Ông nói với các phóng viên rằng Nga đang làm việc với Thổ Nhĩ Kỳ để đạt được một thỏa thuận ngừng bắn ngay lập tức.

Tuy nhiên, bình luận của phía Nga về vấn đề này rất đáng nghi ngờ. Tuyên bố của ông Lavrov được đưa ra sau khi các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng bàn về lệnh ngừng bắn đã bị trì hoãn cuối tuần vừa qua.

Nga đã và đang can thiệp sâu vào cuộc nội chiến của Libya. Tháng 5 vừa qua, Liên hợp quốc báo cáo rằng có khoảng 800-1.200 lính đánh thuê Nga thuộc Wagner Group đang chiến đấu ở Libya.

Công ty an ninh tư nhân này, từng xuất hiện tại các chiến trường ở Ukraine và Syria, nằm dưới sự điều hành của Yevgeny Prigozhin- một đầu sỏ chính trị Nga và cũng là bạn bè thân cận của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cho dù Nga phủ nhận công ty an ninh này là một lực lượng quân sự của nhà nước, song Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nói rằng Nga đang điều khiển cuộc xung đột ở Libya ở "mức cao nhất."

[Nga kêu gọi các bên xung đột ở Libya ngừng bắn ngay lập tức]

Để chứng minh cho quan điểm của mình, ông Erdogan cung cấp cho giới truyền thông một bức ảnh chụp lãnh đạo công ty Wagner đang thảo luận với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu và Tổng tham mưu trưởng quân đội Valery Gerasimov. Ruslan Leviev, thuộc Nhóm Xung đột Tình báo chuyên nghiên cứu về các hoạt động bí mật của Nga ở Syria, nói rằng Wagner Group "không phải là một nhà thầu tư nhân thông thường;... công ty này là đơn vị không chính thức của Bộ Quốc phòng Nga."

Ngoài lục quân, Nga cũng hỗ trợ các phiến quân Libya từ trên không. Bộ Chỉ huy châu Phi của Mỹ (AFRICOM) báo cáo rằng, tháng 5 vừa qua, có ít nhất 14 máy bay của Nga đã tới sân bay al-Jufra.

Trong số những máy bay này có cả máy bay chiến đấu MIG-29 và máy bay ném bom SU-24. Cho dù Nga phủ nhận những máy bay này là của họ, song AFRICOM nói rằng họ đã theo dõi những máy bay này trên radar kể từ khi chúng rời khỏi Nga và chụp ảnh hành trình của những máy bay này.

Tướng Stephen Townsend, chỉ huy AFRICOM, nói: "Trong một thời gian dài, Nga đã phủ nhận sự can dự của mình vào cuộc xung đột đang diễn ra ở Libya. Nhưng hiện Nga không thể phủ nhận được nữa. Chúng tôi đã theo dõi các máy bay chiến đấu thế hệ thứ tư của Nga bay tới Libya- theo dõi toàn bộ hành trình.

Cả Quân đội Quốc gia Libya hay các công ty quân sự tư nhân đều không thể vũ trang, vận hành và duy trì các máy bay chiến đấu này mà không có sự hỗ trợ của nhà nước- sự hỗ trợ mà họ đang nhận được từ Nga."

Chiến thuật của Nga vừa can thiệp quân sự vào các cuộc nội chiến vừa đóng vai trò như một người gìn giữ hòa bình có một lịch sử lâu dài. Quân đội Nga chiến đấu với Moldova hồi cuối những năm 80 của thế kỷ XX, nhưng đồng thời họ cũng khởi động một tiến trình hòa bình.

Những năm 90 của thế kỷ XX, quân đội Nga hỗ trợ Armenia xâm lược Azerbaijan rồi sau đó lại kêu gọi ngừng bắn. Những năm đầu thế kỷ XIX, Nga ủng hộ Abkhazia và Nam Ossetia ly khai khỏi Gruzia, nhưng đồng thời Moskva cũng chủ trì các cuộc đàm phán hòa bình.

Sau khi Nga chiếm Crimea và ngầm hỗ trợ các phần tử ly khai ở Đông Ukraine, Nga lại kêu gọi hòa bình. Gần đây nhất, trong khi quân đội Nga công khai can thiệp vào Syria, Điện Kremlin lại đồng ý với một thỏa thuận ngừng bắn. Theo lời tướng Joseph Votel, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Trung tâm Mỹ (CENTCOM), Nga vừa là "kẻ gây hỏa hoạn" vừa là "lính cứu hỏa."

Không có lệnh ngừng bắn nào kể trên dẫn tới hòa bình. Ở mức tốt nhất, các cuộc xung đột bị "đóng băng;" ở mức tệ nhất, các bên vẫn tiếp tục chiến đấu bất chấp đề xuất hòa bình của Nga.

Kết quả cuối cùng là sự hiện diện của quân đội Nga trên khắp khu vực được thể chế hóa. Quân đội Nga tiếp tục cung cấp lực lượng cho các doanh trại ở khu vực ly khai Transnistria của Moldova, sở hữu rất nhiều căn cứ quân sự ở Armenia, biến Crimea thành một doanh trại vũ trang, sáp nhập các lực lượng của Abkhazia và Nam Ossetia vào quân đội Nga. Syria đã giúp Nga có thể vươn tới căn cứ hải quân của nước này ở Tartus.

Sự hiện diện của Nga ở Libya đặt Nam Âu nằm trong phạm vi mà Điện Kremlin có thể tấn công. Không chỉ đe dọa các nước châu Âu bằng việc cắt đứt các nguồn cung cấp năng lượng (năm 2006 và 2009, do liên quan tới tranh chấp về giá cả với Ukraine), Nga hiện có thể đe dọa quân sự sườn phía Nam của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Mỹ và các đồng minh NATO của mình phải thận trọng trước những diễn biến này. Một lệnh cấm vận chuyển vũ khí không được thực thi của Liên hợp quốc không đủ để đảo ngược vùng ảnh hưởng đang ngày càng được mở rộng của Nga.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tuyên bố rằng liên minh này đã chuẩn bị để cung cấp hỗ trợ cho chính phủ Libya, nhưng chỉ có Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc được quốc tế công nhận của Libya.

Phản ứng mạnh mẽ của Thổ Nhĩ Kỳ đã khiến thủ lĩnh nổi dậy ở Libya, Khalifa Haftar, từ bỏ một nửa phía Tây của Libya. Đổi lại, chính phủ Libya đã ký một thỏa thuận với Ankara cho phép Thổ Nhĩ Kỳ có quyền khai thác năng lượng ở phía Đông Địa Trung Hải.

Mỹ cam kết hợp tác với một châu Âu "tự do và không bị chia rẽ." Tuy nhiên, trong kỷ nguyên Mỹ đang rút khỏi các can dự quốc tế, Mỹ chỉ đứng im nhìn Nga tăng cường ảnh hưởng ở các nước, từ Afghanistan tới Libya.

Người Mỹ đã mệt mỏi với các cuộc chiến không có hồi kết còn mục tiêu thì mơ hồ, nhưng Mỹ ít nhất nên can dự về mặt ngoại giao và kinh tế để đạt được những mục tiêu được đề ra trong Chiến lược An ninh Quốc gia.

Nếu làm ít hơn thế, ảnh hưởng của Mỹ sẽ tiếp tục suy giảm, Mỹ mất đi các đồng minh, và các đối tác thương mại sẽ tìm kiếm những thị trường mới. Thời gian là điều xa xỉ đối với Washington lúc này./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục