Mỹ kết án doanh nhân TQ bán phần mềm đánh cắp

Một thẩm phán liên bang Mỹ đã tuyên án 12 năm tù giam đối với một doanh nhân người Trung Quốc vì tội kinh doanh phần mềm đánh cắp.
Ngày 12/6, một thẩm phán liên bang Mỹ đã tuyên án 12 năm tù giam đối với một doanh nhân Trung Quốc vì tội kinh doanh phần mềm đánh cắp được sử dụng trong các lĩnh vực quốc phòng, kỹ thuật và công nghệ vũ trụ với tổng giá trị lên tới hơn 100 triệu USD.

Văn phòng pháp lý quận Delaware cho biết doanh nhân Lý Tường (Li Xiang) 36 tuổi, người Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên, bị bắt giữ tháng 6/2011 trên đảo Saipan, vùng lãnh thổ của Mỹ ở gần đảo Guam.

Theo phán quyết, Lý Tường sẽ bị trục xuất về Trung Quốc sau khi mãn hạn tù tại Mỹ. Đây cũng là doanh nhân Trung Quốc đầu tiên bị bắt giữ và xét xử tại Mỹ vì dính líu tới ăn cắp phần mềm.

[Một người TQ nhận tội ăn cắp bản quyền phần mềm Mỹ]

Lý Tường bị Bộ An ninh Nội địa Mỹ theo dõi sau khi cơ quan này nhận được thông báo về hoạt động của trang web bán hàng cá nhân từ một công ty sản xuất giấu tên của Mỹ.

Trên trang web này, có thời điểm Lý Tường rao bán tới hơn 2.000 phần mềm đánh cắp với giá bán chỉ từ 20 - 1.200 USD/sản phẩm, trong khi giá trị thực cho mỗi sản phẩm từ vài trăm đến hơn một triệu USD.

Mọi hoạt động giao dịch mua bán được tiến hành thông qua hình thức gửi file đính kèm qua thư điện tử Gmail, hoặc gửi cho đường dẫn truy cập cho khách hàng.

Để có được các phần mềm này, Lý Tường tham gia vào các mạng chợ đen để tìm mua các phần mềm bị bẻ khóa hoặc cấu kết với các hacker bẻ khóa các chương trình này.

Các công tố viên cho biết từ năm 2008 - 2011, Lý Tường đã đánh cắp phần mềm tinh vi từ khoảng 200 nhà sản xuất và đã bán cho 325 khách hàng chợ đen ở 61 nước. Các khách hàng Mỹ của Lý Tường chủ yếu phân bố ở 28 bang, trong đó có một kỹ sư làm việc cho Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) và nhà khoa học trưởng của một nhà thầu quốc phòng.

Cũng theo các công tố viên, Lý Tường chủ yếu đánh cắp các phần mềm của Tập đoàn phần mềm Microsoft, Oracle, Công ty tự động hóa Rockwell, Công ty công nghệ Agilent, Công ty Siemens AG, Công ty Delcam, Tập đoàn Altera và Công ty SAP AG.

Không chỉ hoạt động tại Mỹ, Lý Tường còn là thành viên của một tổ chức tội phạm mạng có quy mô hoạt động lớn hơn đặt trụ sở tại Trung Quốc. Trong thư điện tử gửi cho nhiều khách hàng, Lý Tường tự nhận là thành viên của "một tổ chức quốc tế" chuyên "bẻ khóa" phần mềm.

Vụ việc diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang phải đau đầu đối phó với vấn nạn an ninh mạng, tình nghi do có nguồn gốc từ Trung Quốc. Đây cũng là chủ đề nóng được đề cập đến trong cuộc gặp thượng đỉnh không chính thức vừa diễn ra giữa Tổng thống Mỹ Barak Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hai ngày 7-8/6 ở trang trại ngập nắng Sunnylands ở bang California./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục