Mỹ Latinh tụt hậu gần 30 năm trong cuộc chiến chống đói nghèo

Uớc tính tỷ lệ nghèo cùng cực tại Mỹ Latinh đã tăng từ mức 13,1% lên 13,8% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ nghèo đói giảm từ 33% xuống 32,1%, tương đương 201 triệu người.
Mỹ Latinh tụt hậu gần 30 năm trong cuộc chiến chống đói nghèo ảnh 1Người di cư đi dọc tuyến đường cao tốc Puebla-Mexico, bang Puebla (Mexico), trong hành trình tới Mỹ ngày 9/12/2021. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ủy ban Kinh tế Mỹ Latinh và Caribe (CEPAL) ước tính khoảng 86 triệu người dân khu vực này đang đối mặt tình trạng nghèo cùng cực sau hai năm chật vật ứng phó với đại dịch COVID-19. Trong một báo cáo mới đây, CEPAL chỉ ra rằng đây là con số cao nhất ghi nhận trong 27 năm qua.

Thư ký điều hành CEPAL, bà Alicia Bárcena, nhận định quá trình phục hồi kinh tế năm 2021 không đủ để Mỹ Latinh giảm thiểu những tác động nghiêm trọng mà đại dịch COVID-19 đã gây ra đối với xã hội và thị trường lao động.

Bà Bárcena dẫn các số liệu chính thức cho thấy các khoản trợ cấp xã hội đã giảm từ hơn 89 tỷ USD năm 2020 xuống còn 45,271 tỷ USD trong năm 2021, đồng thời kêu gọi duy trì mức hỗ trợ này trong năm nay hoặc “đến khi cuộc khủng hoảng y tế được kiểm soát.”

Báo cáo “Toàn cảnh xã hội của Mỹ Latinh” ước tính tỷ lệ nghèo cùng cực đã tăng từ mức 13,1% lên 13,8% vào năm 2021, trong khi tỷ lệ nghèo đói giảm từ 33% xuống 32,1%, tương đương 201 triệu người Mỹ Latinh.

Các quốc gia có số liệu tiêu cực nhất là Argentina, Colombia và Peru, khi cả hai chỉ số đều tăng 7 điểm phần trăm trở lên. Brazil là quốc gia duy nhất có số liệu khả quan, với tỷ lệ nghèo đói giảm 1,8% và tỷ lệ nghèo cùng cực là 0,7%.

[Mỹ Latinh và Caribe đối mặt với nguy cơ cao về bất ổn xã hội]

Với hơn 55,7 triệu ca mắc và gần 1,5 triệu trường hợp tử vong trong hai năm bùng phát đại dịch COVID-19, Mỹ Latinh là một trong những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất về sức khỏe và kinh tế.

Năm 2021, để giảm thiểu tác động của đại dịch đối với thị trường lao động, các chính phủ Mỹ Latinh đã thực hiện một loạt các biện pháp hỗ trợ người lao động, song song với việc đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng, tạo điều kiện cho quá trình "phục hồi chậm."

Tuy vậy, tỷ lệ người lao động có việc làm vẫn chưa đạt được mức trước đại dịch, đặc biệt ở nữ giới. Tỷ lệ thất nghiệp của nữ giới năm ngoái là 11,8%, so với 8,1% ở nam giới. Năm 2020, các con số tương ứng lần lượt là 12,1% và 9,1%.

Bên cạnh bất bình đẳng giới trong cơ hội việc làm và thu nhập, theo bà Bárcena, tại Mỹ Latinh còn tồn tại khoảng cách nghèo đói ở khu vực nông thôn, người dân tộc bản địa và trẻ em.

Báo cáo của CEPAL chỉ ra rằng sự gia tăng bất bình đẳng lớn nhất diễn ra ở Peru, Chile, El Salvador, Bolivia và Colombia. Về phần mình, Cộng hòa Dominica, Brazil, Paraguay, Mexico và Costa Rica đã cải thiện trong việc phân phối tài chính.

Biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 đã khiến số lượng các ca mắc COVID-19 tại Mỹ Latinh tăng nhanh chưa từng thấy, đặc biệt ở Mexico, Argentina, Peru và Chile.

Mặc dù 62,3% dân số Mỹ Latinh, tương đương 408 triệu người, đã được tiêm chủng đầy đủ vaccine ngừa COVID-19, nhưng sinh phẩm này vẫn chưa được phân bổ đồng đều trong khu vực.

Số liệu của CEPAL cho thấy 26 trong số 33 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc khu vực này chưa thể hoàn thành tiêm chủng cho 70% dân số. Nghiêm trọng nhất là trường hợp của Haiti, khi tỷ lệ này thậm chí không đạt 1%.

Lo ngại nghèo đói và bất bình đẳng sẽ ngày càng gia tăng tại khu vực Mỹ Latinh, Thư ký điều hành CEPAL kêu gọi duy trì nỗ lực, đồng thời nhấn mạnh: “Đại dịch là cơ hội lịch sử để xây dựng một khế ước xã hội mới”./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục