Mỹ tái khẳng định vai trò tại Afghanistan, Pakistan

Ngày 16/8, các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ khẳng định Mỹ cần phải tiếp tục sứ mệnh tại Afghanistan và Pakistan.
Ngày 16/8, các bộ trưởng Ngoại giao và Quốc phòng Mỹ khẳng định Mỹ cần phải tiếp tục sứ mệnh tại Afghanistan và Pakistan.

Trong cuộc thảo luận về vai trò của Mỹ ở Afghanistan tại Đại học Quốc phòng Mỹ, Ngoại trưởng Hillary Clinton và Bộ trưởng Quốc phòng Leon E. Panetta đều cho rằng Mỹ đã đạt được nhiều tiến bộ trong việc đảm bảo an ninh cho Afghanistan nhưng còn phải hợp tác nhiều hơn nữa với quốc gia Nam Á này trong lĩnh vực quản trị và phát triển đất nước.

Ông Panetta tuyên bố Mỹ đã và đang đạt được tiến bộ khả quan trong việc đảm bảo an ninh cho Afghanistan, đặc biệt tại khu vực miền Nam và Tây Nam, nhưng cần cải thiện tình hình ở khu vực phía Đông.

Theo ông chủ Lầu Năm Góc, Mỹ đã mất 1.626 binh lính tại Afghanistan trong một thập kỷ qua nhưng sứ mệnh tiêu diệt mạng lưới khủng bố quốc tế Al Qaeda vẫn rất quan trọng đối với an ninh của Mỹ. Ông tuyên bố Afghanistan không thể lại thành nơi ẩn náu an toàn cho các nhóm khủng bố để tấn công nước Mỹ.

Trong khi đó, Ngoại trưởng H.Clinton khẳng định Mỹ muốn người Afghanistan tự quản lý và đảm bảo an ninh quốc gia.

Nhân dịp này, hai bộ trưởng hàng đầu của Mỹ đã tái khẳng định tầm quan trọng của Pakistan đối với an ninh khu vực và Washington có một số lý do để duy trì mối quan hệ với chính quyền Islamabad.

Ông Panetta tuyên bố Mỹ không có sự lựa chọn nào khác là duy trì mối quan hệ với Pakistan vì Mỹ đang thực hiện cuộc chiến chống Al Qaeda tại Pakistan mà trong lĩnh vực này, Islamabad đang dành cho Washington sự hợp tác nhất định. Ông nói thêm rằng Pakistan là một nhân tố quan trọng trong khu vực, một phần vì nước này sở hữu vũ khí hạt nhân.

Tuyên bố của hai bộ trưởng Mỹ liên quan đến Pakistan được đưa ra sau khi lãnh đạo Pakistan, trong các cuộc hội đàm với Thượng nghị sĩ Mỹ John McCain tại Islamabad ngày 13/8, đã đề nghị Mỹ xác định các điều kiện và thể chế hóa mối quan hệ hợp tác Mỹ - Pakistan, nhất là trong cuộc chiến chống khủng bố.

Lãnh đạo Pakistan nêu những thiệt hại mà họ phải gánh chịu trong cuộc chiến này, ám chỉ việc Quốc hội Mỹ cắt giảm viện trợ, đồng thời bày tỏ quan ngại trước việc chậm triển khai những gói viện trợ đã cam kết.

Cũng trong buổi nói chuyện ngày 16/8 tại Đại học Quốc phòng Mỹ, Ngoại trưởng H.Clinton cảnh báo việc cắt giảm ngân sách có thể buộc Mỹ phải đột ngột giảm bớt sự hiện diện an ninh tại Thái Bình Dương.

Phát biểu trước các sĩ quan, bà cho rằng tranh luận về việc cắt giảm nợ công của Mỹ thực sự phủ bóng đen lên khả năng triển khai các lợi ích an ninh của Mỹ. Bà nhấn mạnh Mỹ đang khẳng định sự hiện diện và vị thế cường quốc tại Thái Bình Dương, có nghĩa là mọi nhân tố trong lực lượng an ninh quốc gia phải hiện diện tại đây. Do vậy, Mỹ không thể đột ngột giảm bớt sự hiện diện khi biết sẽ phải đối mặt với những thách thức lâu dài.

Về phần mình, Bộ trưởng Quốc phòng Panetta tuyên bố việc cắt giảm mạnh chi tiêu quốc phòng sẽ "làm suy yếu nghiêm trọng" an ninh quốc gia của Mỹ.

Giới phân tích cho rằng thỏa thuận ngăn chặn nguy cơ vỡ nợ của Mỹ không tác động đáng kể tới ngân sách khổng lồ của Lầu Năm Góc, song sẽ để ngỏ khả năng cắt giảm mạnh ngân sách quốc phòng, dẫn đến việc Mỹ phải thay đổi chiến lược an ninh./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục