Mỹ tuyên bố muốn sửa đổi hiệp ước an ninh với Nhật Bản

Tổng thống Trump đã chỉ trích hiệp ước trên khi nói rằng văn kiện này đòi hỏi Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra tấn công, nhưng không yêu cầu tương tự đối với phía Nhật Bản.
Mỹ tuyên bố muốn sửa đổi hiệp ước an ninh với Nhật Bản ảnh 1Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe (phải) trong cuộc gặp tại Osaka ngày 28/6. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Mỹ không có ý định hủy bỏ hiệp ước an ninh với Nhật Bản, song cho rằng thỏa thuận kéo dài nhiều thập niên này "không công bằng" và cần phải sửa đổi.

Tại cuộc họp báo tại Osaka (Nhật Bản) ngày 29/6 sau khi dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20), khi được hỏi về khả năng Washington rút khỏi hiệp ước an ninh này, Tổng thống Trump đáp: "Tôi hoàn toàn không nghĩ đến việc đó," dù thỏa thuận này đặt gánh nặng không công bằng lên phía Mỹ và sẽ "phải sửa đổi nó."

[Mỹ-Nhật Bản khẳng định tầm quan trọng của liên minh song phương]

Trước đó, trong cuộc trả lời phỏng vấn Fox Business Network, Tổng thống Trump đã chỉ trích hiệp ước trên khi nói rằng văn kiện này đòi hỏi Mỹ phải bảo vệ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra tấn công, nhưng không yêu cầu tương tự đối với phía Nhật Bản, và như vậy là "không công bằng."

Tuy nhiên, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định "các nghĩa vụ của Mỹ và Nhật Bản (trong hiệp định trên) là công bằng giữa hai bên," đồng thời cho biết chính phủ hai nước "không thảo luận việc sửa đổi hiệp định."

Theo Hiệp định an ninh Nhật-Mỹ có hiệu lực trong nhiều thập kỷ qua, Mỹ cam kết bảo vệ Nhật Bản, nước đã từ chối quyền gây chiến sau thất bại trong Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Đổi lại, Nhật Bản cung cấp các căn cứ quân sự mà Washigton có thể sử dụng để phô trương sức mạnh ở châu Á, trong đó có Okinawa - căn cứ hải quân lớn nhất của Mỹ ở hải ngoại, và hướng tới triển khai một nhóm tàu sân bay tấn công tại căn cứ hải quân Yokosuka gần Tokyo.

Theo giới chuyên gia, nếu hiệp định trên chấm dứt, quan hệ Mỹ-Nhật xuống cấp, Washington sẽ phải rút phần lớn lực lượng quân sự đang hiện diện tại châu Á. Trường hợp này cũng sẽ buộc Nhật Bản phải tìm kiếm liên minh mới trong khu vực và tăng cường năng lực phòng thủ của mình./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục