Các thách thức an ninh và động thái răn đe quân sự của Nhật Bản

Chính quyền của Thủ tướng Abe đã nhận thấy môi trường an ninh bất ổn bao quanh Nhật Bản, từ đó xây dựng bản định hướng chương trình quốc phòng quốc gia mới nhằm thay thế cho phiên bản cũ năm 2008.
Các thách thức an ninh và động thái răn đe quân sự của Nhật Bản ảnh 1(Nguồn: Royal-Flags)

Nhật Bản- quốc gia hiện đang đối mặt với mối đe dọa hỗn hợp đến từ Trung Quốc và Triều Tiên, nước sở hữu vũ khí hạt nhân và là đồng minh thân cận của Bắc Kinh- cuối cùng cũng “tỉnh dậy” sau “giấc ngủ hòa bình” tuân thủ theo Điều 9 của Hiến pháp.

Lý do là bởi Nhật Bản đã nhận ra rằng “mối đe dọa Trung Quốc đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản là sự thực và cần xem xét việc tăng cường các khả năng răn đe ở cả hai lĩnh vực học thuyết và khí tài quân sự.”

Theo mạng tin eurasiareview.com, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe gần đây đánh giá rằng môi trường an ninh của Nhật Bản “đã trở nên khó khăn hơn nhiều trong 5 năm qua.”

Có thể hiểu rằng thời gian 5 năm này trùng khớp với thời gian Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình lên nắm quyền và Trung Quốc chuyển từ sử dụng chiến lược “sức mạnh mềm” sang chiến lược “sức mạnh cứng”, kết hợp với chính sách quân sự hung hăng “bên miệng hố chiến tranh” và gây sức ép chính trị/quân sự.

Nhận thức về các mối đe dọa của Nhật Bản chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, Triều Tiên và các mối đe dọa trên biển, vốn có thể đe dọa tới an ninh quốc gia và sự sống còn của nền kinh tế Nhật Bản.

Trên thực tế, nền kinh tế của Nhật Bản đã bị ảnh hưởng bởi các hoạt động của Trung Quốc trên Biển Đông và sự hiện diện ngày càng tăng của Trung Quốc ở Ấn Độ Dương là mối đe dọa không chỉ với Nhật Bản mà còn đối với an ninh toàn bộ khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Về mặt chiến lược, Trung Quốc nhận ra rằng điều cản trở Bắc Kinh thiết lập được quyền bá chủ ở khu vực Tây Thái Bình Dương và Đông Á chính là Nhật Bản - quốc gia đã ký kết Hiệp ước An ninh chung với Mỹ và là nơi đồn trú của nhiều binh lính Mỹ, vốn là một sự răn đe mạnh nhằm vào Liên bang Xô Viết trước đây và hiện nay là Trung Quốc.

[Những ẩn ý trong kế hoạch nâng cấp quốc phòng của Nhật Bản]

Chính quyền của Thủ tướng Abe đã nhận thấy môi trường an ninh bất ổn bao quanh Nhật Bản, từ đó có những động thái nhằm củng cố khả năng răn đe của nước này và xây dựng bản Định hướng chương trình quốc phòng quốc gia mới nhằm thay thế cho phiên bản cũ năm 2008.

Trong 5 năm qua, Nhật Bản cũng bắt đầu dần dần tăng cường sức mạnh quân sự. Tuy nhiên, với nhận thức rằng môi trường an ninh đang trở nên phức tạp hơn do mối quan hệ Mỹ-Trung ngày càng xấu đi, Nhật Bản dường như đang tăng cường tốc độ củng cố sức mạnh quân sự.

Xu hướng sử dụng chính sách “bên miệng hố chiến tranh” của Trung Quốc được phản ánh qua các hành động của Trung Quốc ở Biển Đông, trong đó phải kể đến việc dùng vũ lực để chiếm các đảo của Việt Nam và Philippines ở Biển Đông và xây dựng các đảo nhân tạo để hỗ trợ cho “tham vọng thống trị trên diện rộng” tại khu vực này.

Trung Quốc cũng nỗ lực sử dụng chiến lược nói trên đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có tranh chấp với Nhật Bản. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã buộc phải dừng lại sau khi Nhật Bản cứng rắn chống lại sức ép chính trị và quân sự từ Trung Quốc và buộc Mỹ phải thực hiện nghĩa vụ của nước này là hỗ trợ Nhật Bản trong trường hợp xảy ra xung đột tại quần đảo Sekaku/Điếu Ngư.

Việc Trung Quốc ngang nhiên tuyên bố sự kiểm soát đối với Biển Đông là một mối đe dọa quân sự trực tiếp đối với an ninh quốc gia của Nhật Bản và sự sống còn của nền kinh tế nước này bởi những con đường biển vận chuyển năng lượng và thương mại của Nhật Bản chủ yếu đi qua Biển Đông.

Bên cạnh tuyên bố thiết lập Vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) của Trung Quốc tại biển Hoa Đông, những động thái của Trung Quốc tại vùng biển này nhằm vào quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cùng với việc liên tục thực hiện các hoạt động hung hăng trên biển và các cuộc tuần tra chiến đấu trên không tại các vùng lân cận biển Hoa Đông là những động thái mang tính khiêu khích.

Các tàu ngầm của Hải quân Trung Quốc cũng lảng vảng xung quanh các vùng biển của Nhật Bản.

Những động thái nói trên của Trung Quốc đều là sự thể hiện rõ nét của “mối đe dọa Trung Quốc” đối với Nhật Bản và sâu xa hơn là sự hiện diện của Mỹ tại Tây Thái Bình Dương, mà trung tâm là ở Nhật Bản và Hàn Quốc.

Mối đe dọa Triều Tiên đối với an ninh quốc gia Nhật Bản không phải là mối đe dọa quân sự trực tiếp từ các lực lượng quân sự của Triều Tiên, mà trên thực tế là các cuộc thử tên lửa bay qua lãnh thổ của Nhật Bản.

Trung Quốc sử dụng kho tên lửa tầm xa của Triều Tiên, vốn được nước này hỗ trợ phát triển, làm công cụ khiêu khích mà không cần trực tiếp thực hiện động thái hung hăng nào nhằm vào Nhật Bản.

Trong bối cảnh đối mặt với hàng loạt mối đe dọa quân sự tiềm tàng, Nhật Bản đang tính tới việc chuyển đổi từ việc củng cố toàn diện các khả năng răn đe truyền thống sang xây dựng các khả năng quân sự đa phương diện nhằm đối phó với những mối đe dọa đang nổi lên.

Tokyo cũng đang lưu ý tới việc Trung Quốc đang ngày càng tập trung vào tăng cường khả năng đối phó với chiến tranh mạng và chiến tranh trong không gian.

Sự thay đổi rõ nét trong động thái quân sự của Nhật Bản đó là hiện nay nước này đã tăng cường triển khai sức mạnh quân sự hướng sang phía Nam để đối phó với mối đe dọa Trung Quốc, thay vì hướng sang phía Bắc như trước đây nhằm đối phó với mối đe dọa Xô Viết.

Trong lĩnh vực học thuyết quân sự, Nhật Bản thể hiện rằng họ đã sẵn sàng tăng tần suất và phạm vi triển khai sức mạnh hải quân, tới tận cực xa nhất của Ấn Độ Dương là vịnh Aden - đối diện với căn cứ quân sự mới của Trung Quốc ở Djibouti.

Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) đã tiến hành các cuộc tập trận chung với hải quân các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và quan trọng hơn cả là với Hải quân Ấn Độ ở Ấn Độ Dương và Tây Thái Bình Dương.

Nhật Bản cũng đã thành lập Lực lượng triển khai nhanh và Lữ đoàn triển khai đổ bộ nhanh. Cả hai đơn vị này đều được cho là để thực hiện các chiến dịch nhằm giành lại quyền kiểm soát đối với các quần đảo hẻo lánh của Nhật Bản bị các lực lượng thù địch chiếm đóng bằng vũ lực.

Mặc dù tuyên bố là vì mục đích phòng vệ, song những lực lượng mới được thành lập này sẽ giúp Nhật Bản tăng cường khả năng triển khai sức mạnh.

Trong bối cảnh đối mặt với những mối đe dọa trên biển, Nhật Bản đã tập trung vào việc tăng cường các khả năng của MSDF, bằng cách tăng số lượng cả tàu khu trục và tàu ngầm. Nhật Bản hiện đang sử dụng hai tàu sân bay chở các máy bay trực thăng.

Hai tàu sân bay này, cùng với những máy bay chiến đấu F-35 có khả năng cất cánh và hạ cánh thẳng đứng, sẽ trở thành các tàu sân bay chính thức.

Về mặt chất lượng, MSDF của Nhật Bản hoàn toàn có thể áp đảo được Hải quân Trung Quốc. Nhật Bản còn có một lực lượng hải quân thứ hai là Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản - lực lượng sở hữu những con tàu lớn, và nếu được trang bị các hệ thống vũ khí hiện đại có thể dễ dàng chuyển đổi thành các tàu khu trục thực sự.

Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản đang trong giai đoạn thay thế các máy bay chiến đấu bằng những “chim sắt” F-35 thế hệ thứ 5 của Mỹ. Ngoài Nhật Bản, chỉ có Israel là nước được Mỹ đồng ý bán các chiến đấu cơ F-35. Điều này sẽ giúp Lực lượng phòng vệ trên không của Nhật Bản tăng cường sức mạnh đáng kể.

Lực lượng phòng vệ mặt đất của Nhật Bản đang tìm cách sở hữu những tên lửa chống tăng hiện đại và nhiều loại vũ khí khác, cùng với hệ thống giám sát cảm biến.

Có vẻ như Nhật Bản đang muốn sở hữu hệ thống vũ khí có khả năng gây ra thiệt hại lớn đối với bất kỳ nỗ lực nào của các lực lượng thù địch nhằm đổ bộ vào lãnh thổ Nhật Bản.

Đối với Nhật Bản, việc sở hữu các hệ thống vũ khí hiện đại và các trang thiết bị quân sự khác không phải là vấn đề, bởi hai lý do. Thứ nhất, Nhật Bản đã tự sản xuất được các tàu hải quân, máy bay chiến đấu và tàu ngầm cho mục đích phòng vệ.

Thứ hai, Nhật Bản cảm thấy rằng họ cần phải mua các hệ thống vũ khí hiện đại từ Mỹ để tăng cường khả năng tương tác với hệ thống vũ khí của các lực lượng Mỹ ở Nhật Bản.

Điều ít được chính phủ Nhật Bản công khai là khả năng của Nhật Bản trong lĩnh vực tự sản xuất các tên lửa tầm xa và tàu vũ trụ. Có thể dự đoán rằng Tokyo sẽ tăng cường nỗ lực phát triển hai lĩnh vực này, với lý do để thực hiện các chiến dịch phòng vệ, ví dụ như hệ thống lá chắn tên lửa đạn đạo và vệ tinh giám sát.

Nhật Bản tồn tại trong môi trường an ninh mà tại đó Trung Quốc, Nga và Triều Tiên đều sở hữu vũ khí hạt nhân và tên lửa tầm xa. Tới một thời điểm nào đó, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với thách thức tự vũ trang hạt nhân cho chính mình.

Đối với Nhật Bản, nguồn tài chính cung cấp cho hoạt động tăng cường sức mạnh quốc phòng không phải là vấn đề, mà vấn đề là nguồn nhân lực. Dân số Nhật Bản ít và tỷ lệ gia tăng dân số cũng không cao.

Do đó, Nhật Bản không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải sở hữu các hệ thống vũ khí hiện đại ít sử dụng tới sức người, song lại có khả năng gây sát thương cao. Các chương trình người máy mà Nhật Bản đi đầu trong những thập kỷ quả có thể cũng là một lựa chọn.

Cần nhắc lại rằng Nhật Bản, cùng với Ấn Độ, là một trụ cột quan trọng của an ninh châu Á và sự ổn định tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Nhận thức được trách nhiệm của mình, Nhật Bản đang tìm cách thay đổi định hướng chương trình quốc phòng quốc gia và tăng cường các khả năng quân sự nhằm đáp trả lại những đe dọa ngày càng lớn đối với an ninh Nhật Bản.

Việc Nhật Bản đạt được tiến bộ theo chiều hướng này là lý do giải thích tại sao Trung Quốc gần đây mời Thủ tướng Abe tới Bắc Kinh - 7 năm sau lần cuối cùng một thủ tướng Nhật Bản tới Trung Quốc. Cùng với đó, giọng điệu chống Nhật Bản tại Trung Quốc cũng có chiều hướng lắng dịu hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục