Mỹ và Israel hủy hoại giấc mơ về một nhà nước Palestine độc lập

Các tài liệu lưu trữ được giải mã cho thấy cựu Thủ tướng Israel Menachem Begin là nguyên nhân chủ yếu khiến thỏa thuận hòa bình Israel-Ai Cập trở thành thảm họa về quyền tự quyết của người Palestine.
Mỹ và Israel hủy hoại giấc mơ về một nhà nước Palestine độc lập ảnh 1Người biểu tình Palestine chạy trốn làn đạn hơi cay của binh sỹ Israel trong xung đột tại khu vực biên giới với Dải Gaza ngày 28/9/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Báo The New York Times mới đây đăng bài viết "Mỹ và Israel đã hủy hoại giấc mơ về một nhà nước Palestine độc lập," nội dung như sau:

Tuần này, Israel và Ai Cập kỷ niệm 40 năm Hiệp định Camp David, hiệp định đã dẫn tới hiệp ước hòa bình đầu tiên giữa Israel với một nước Arab.

Thông qua thỏa thuận hòa bình, Ai Cập được trao trả Bán đảo Sinai mà nước này đã bị chiếm trong cuộc Chiến tranh năm 1967 và Israel đã trung lập được mối đe dọa quân sự từ phía Tây Nam trong khi giành được sự công nhận quan trọng tại Trung Đông.

Rõ ràng, Mỹ sẽ rất hãnh diện về lễ kỷ niệm này, nhắc lại vai trò trung gian của Washington trong việc đàm phán dẫn tới Hiệp định Camp David - văn kiện được đánh giá là thành tựu ngoại giao hàng đầu của nhiệm kỳ Tổng thống Jimmy Carter.

Tuy nhiên, đối với người Palestine, lễ kỷ niệm năm nay là một sự nhắc nhở đau thương về một mất mát chính trị không bù đắp được.

Bất chấp các nỗ lực của Chính quyền Carter trong việc giải quyết số phận của người Palestine, nhưng Hiệp định Camp David đã phá hỏng khát vọng của người Palestine về một nhà nước độc lập và khiến người Palestine tiếp tục sống trong tình trạng bị Israel chiếm đóng tại Bờ Tây và Gaza, loại bỏ những quyền cơ bản như quyền tự do đi lại.

Các nghiên cứu gần đây về những tài liệu lưu trữ được giải mã tại Jerusalem, London và tại Mỹ cho thấy Thủ tướng Israel Menachem Begin khi đó là nguyên nhân chủ yếu khiến thỏa thuận hòa bình Israel-Ai Cập trở thành thảm họa về quyền tự quyết của người Palestine.

Đó là một cơ hội đã bị bỏ qua, một cơ hội mà nếu tận dụng được hẳn đã có thể giải quyết được tình trạng căng thẳng chính trị tại Trung Đông hiện nay.

[Israel phá hủy làng của người Bedouin để mở rộng khu định cư Bờ Tây]

Mục tiêu của Tổng thống Carter chưa bao giờ là một hiệp định hòa bình tách biệt giữa Israel và Ai Cập. Ông là tổng thống Mỹ đầu tiên công khai kêu gọi thành lập một nhà nước Palestine.

Đầu nhiệm kỳ, ông đã bắt đầu soạn thảo kế hoạch để đạt được một giải pháp toàn diện giữa Israel và các quốc gia Arab láng giềng.

Văn bản bí mật đó dựa trên nguyên tắc Israel rút khỏi các phần lãnh thổ mà họ đã chiếm đóng năm 1967, cũng như giải quyết tình trạng Jerusalem và quyền hồi hương của người tị nạn Palestine.

Đây chính là nguyên gốc của giải pháp mà sau này gọi là "giải pháp hai nhà nước." Tầm nhìn của Chính quyền Carter có thể đã dẫn tới chủ quyền cho Bờ Tây và Dải Gaza.

Mỹ và Israel hủy hoại giấc mơ về một nhà nước Palestine độc lập ảnh 2Nhân viên y tế Palestine chuyển người biểu tình bị thương trong xung đột với binh sỹ Israel tại khu vực biên giới Dải Gaza ngày 28/9/2018. (Ảnh: THX/TTXVN)

Để đạt được mục đích này, Tổng thống Carter đã mạnh mẽ phản đối sự bành trướng của Israel vào khu vực lãnh thổ nơi một đất nước của người Palestine có thể được thành lập và công khai ủng hộ đàm phán trực tiếp giữa Israel và Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), tổ chức mà vào thời điểm đó đã chuyển từ đấu tranh vũ trang sang đấu tranh ngoại giao.

Quan điểm của Tổng thống Carter đi ngược lại với Israel và hầu hết các nhân vật chính trị ủng hộ Israel tại Mỹ. Cách tiếp cận này đã nhận được sự quan tâm từ lãnh đạo Arab, đặc biệt là Tổng thống Ai Cập Anwar al-Sadat, người ủng hộ Palestine và muốn khôi phục lãnh thổ của Ai Cập và thay đổi mối quan hệ đồng minh với Liên Xô sang liên minh với Mỹ.

Tổng thống Sadat ban đầu ủng hộ kế hoạch của Tổng thống Carter khôi phục một hội nghị hòa bình khu vực, song sự mất kiên nhẫn trước sự chia rẽ của Arab và chiến thuật đàm phán của Israel đã dẫn tới quyết định đơn phương thăm Jerusalem năm 1977 trong một nỗ lực nhằm cứu vãn đàm phán.

Do bước đi đơn phương này, Tổng thống Sadat đã phá vỡ quan hệ với thế giới Arab, nhưng lại dẫn tới khả năng đạt được một hiệp định song phương với Israel.

Tại thời điểm Trung Đông dường như cuối cùng đã sẵn sàng cho một giải pháp khu vực để chấm dứt 3 thập kỷ chiến tranh và giải quyết vấn đề hàng trăm nghìn người Palestine tị nạn, Thủ tướng Begin - lãnh đạo cánh tả mới của Israel - cũng đồng thời có kế hoạch khác.

Song song, cả hai kế hoạch đã ngăn cản một bước đột phá quan trọng dựa trên kế hoạch của Washington.

Israel có kế hoạch riêng

Thủ tướng Begin đã nhấn mạnh về việc không thể có một nhà nước Palestine độc lập. Quan điểm của ông về vai trò trung tâm của dân tộc Do Thái ở "Judea và Samaria" - từ ngữ được sử dụng trong kinh thánh chỉ lãnh thổ tại Bờ Tây - rất phổ biến thời gian đó.

Sau khi đắc cử năm 1977, trở thành thủ tướng đầu tiên của đảng cánh tả Likud, Begin tuyên bố sẽ "khuyến khích các khu định cư, cả tại đô thị lẫn vùng nông thôn, trên vùng đất tổ."

Những "nguyên tắc hòa bình" này được thông báo rõ với Tổng thống Carter trong chuyến thăm đầu tiền của Begin tới Nhà Trắng.

Các nguồn tài liệu mới được giải mã đã miêu tả cách thức phác thảo xây dựng một nhà nước, trong đó Thủ tướng Israel đã loại vấn đề người Palestine khỏi quá trình đàm phán tổng thể, vì không có sự phản đối của Tổng thống Sadat và với sự ngầm hiểu của Tổng thống Carter về việc Israel đã loại bỏ quyền tự quyết của người Palestine và không có chuyện Israel rút lại các tuyên bố chủ quyền đối với Jerusalem.

Văn bản có chữ ký của phía Israel trong phần cuối của Hiệp định hòa bình, phần quy định các vấn đề của người Palestine sẽ được giải quyết trong một thỏa thuận riêng biệt khác - "Hiệp định khung hòa bình tại Trung Đông."

Được xây dựng dựa trên kế hoạch tự trị của Thủ tướng Begin, thỏa thuận này đưa ra một sự sắp xếp chuyển tiếp về quyền tự trị hạn chế tại Bờ Tây và Dải Gaza, các quy định không rõ ràng về lãnh thổ và kiểm soát chính trị.

Thỏa thuận thứ hai với tên gọi "Hiệp định khung cho ký kết một Hiệp định hòa bình giữa Ai Cập và Israel" đã mở đường cho một hiệp định hòa bình giữa hai nước 6 tháng sau đó.

[Palestine chuẩn bị thủ tục khởi kiện Mỹ lên Tòa án Công lý Quốc tế]

Việc theo đuổi một thỏa thuận hòa bình với Ai Cập đã trở thành phương tiện để tránh thỏa thuận hòa bình với người Palestine. Hội nghị thượng đỉnh Camp David đã cho phép Chính quyền Israel thắt chặt quyền kiểm soát tại Bờ Tây và Gaza và yêu cầu Tổng thống Sadat nhượng bộ.

Ngoại trưởng Ai Cập Mohammed Kamel đã tẩy chay lễ ký và từ chức. PLO tuyên bố "phản đối toàn bộ" hiệp định Camp David sau khi được ký, cảnh báo về một "âm mưu công khai" chống lại quyền của người Palestine.

Ngay sau khi hiệp định hòa bình trên được phê chuẩn năm 1979, đàm phán về quyền tự trị giữa đại diện của Ai Cập, Israel và Mỹ bắt đầu, chủ yếu bàn về quyền tự trị của người Palestine.

Các cuộc thảo luận này đã bị dừng lại ngay trước thời điểm cuộc chiến tranh Liban năm 1982, nhưng các cuộc đàm phán vẫn trở thành nền tảng của quyền tự trị hạn chế của người Palestine.

Các nguyên tắc này rốt cuộc trở thành căn cứ để hình thành Chính quyền dân tộc Palestine sau Hiệp định Oslo năm 1993.

Bằng việc đưa ra điều kiện về quyền chính trị của người Palestine dựa trên các định nghĩa về chức năng hạn chế, không xác định lãnh thổ tự trị cùng với việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái, khả năng về một nhà nước Palestine có chủ quyền gần như không còn là hiện thực nữa.

Mỹ và Israel hủy hoại giấc mơ về một nhà nước Palestine độc lập ảnh 3Trẻ em Palestine lấy nước sinh hoạt tại trại tị nạn al-Shati ở thành phố Gaza. (Ảnh: AFP/TTXVN)

40 năm sau

Mặc dù đã tập trung rất nhiều nỗ lực chính trị tại Trung Đông, Tổng thống Carter vẫn cay đắng trước sự thất bại trong vấn đề Palestine.

"Tôi không hiểu làm thế nào họ có thể tiếp tục như một cường quốc chiếm đóng khi loại bỏ các quyền cơ bản của người Palestine, bằng cách nào họ có thể chấp nhận hơn 3 triệu người Arab vào nhà nước Israel mà không để người Do Thái trở thành một cộng đồng thiểu số ngay tại chính đất nước của họ", Tổng thống Carter nói trong buổi gặp cuối cùng với Đại sứ Israel tại Mỹ, "Begin đã cho thấy sự dũng cảm trong việc từ bỏ Sinai. Ông ấy làm như vậy để giữ lại Bờ Tây."

Bốn thập kỷ sau, câu nói của Tổng thống Carter dường như vẫn nguyên giá trị. Các đòi hỏi của người Palestine về quyền tự quyết vẫn chưa thực hiện được.

Trong việc mở đường cho Hiệp định Oslo, Hiệp định Camp David thực tế đã trao thắng lợi cho tầm nhìn của Israel về việc trao quyền cho một Chính quyền Palestine không có chủ quyền đầy đủ để giúp quản lý khu vực lãnh thổ đang bị Israel chiếm đóng.

Với việc không có một nhà nước độc lập tại Bờ Tây, Gaza và Đông Jerusalem, người Palestine đang đối mặt với các nỗ lực hiện nay của giới lãnh đạo Israel nhằm làm suy giảm khả năng về một nhà nước Palestine có chủ quyền đầy đủ.

Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã phê chuẩn "nhà nước danh nghĩa." Naftali Bennett, Bộ trưởng giáo dục Israel và là chính khách có ảnh hưởng đã kêu gọi "tự trị hình thức" được thực hiện tại Bờ Tây, cụ thể là người Palestine "tự trị" nhưng Israel quản lý hạn chế về nước, chất thải, điện, cơ sở hạ tầng...

Việc thực hiện quan điểm của Thủ tướng Menachem Begin rất rõ ràng và nhận được sự hậu thuẫn tích cực từ Chính phủ Mỹ. Trong khi kỷ niệm một sự kiện có tính đột phá dẫn tới thỏa thuận hòa bình giữa Ai Cập và Israel, chúng ta có lẽ cần cân nhắc di sản đầy tranh cãi của Hiệp định Camp David - một văn kiện đã dẫn tới tình trạng không nhà nước của người Palestine./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục