Nâng cao hiệu quả của Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19

Đoàn y, bác sỹ, kỹ thuật viên Bệnh viện Trung ương Huế đã lên đường vào TP.HCM để tiến hành lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng.
Nâng cao hiệu quả của Trung tâm Hồi sức tích cực bệnh nhân COVID-19 ảnh 1Đoàn y bác sỹ, kỹ thuật viên Bệnh viện Trung ương Huế sẵn sàng lên đường thực hiện nhiệm vụ tại Trung tâm Hồi sức COVID-19 Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Mai Trang/TTXVN)

Sáng 9/8, Bệnh viện Trung ương Huế (Thừa Thiên-Huế) đã tổ chức vận chuyển số lượng lớn trang thiết bị, vật tư y tế để bổ sung, hoàn thiện Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngay từ sáng sớm, đoàn y, bác sỹ, kỹ thuật viên Bệnh viện Trung ương Huế đã lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh tiến hành lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị nhằm đáp ứng nhu cầu thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng, nguy kịch trên địa bàn Thành phố.

Ngoài ra, đơn vị cũng huy động, đặt hàng số lượng lớn các trang thiết bị y tế từ các nhà hỗ trợ, đơn vị cung ứng phục vụ cho hoạt động của Trung tâm Hồi sức tích cực đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bác sỹ chuyên khoa II Dương Đăng Hóa, Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Trung ương Huế) cho biết: "Là một trong những bác sỹ đầu tiên xung phong vào thực hiện nhiệm vụ chống dịch, tôi hứa sẽ hoàn thành tốt công việc được giao; nỗ lực hết mình để điều trị, cứu sống các bệnh nhân mắc COVID-19. Dù đã có nhiều kinh nghiệm trong hồi sức nhưng chúng tôi không được chủ quan trong công việc chuyên môn. Vừa qua, chúng tôi đã được Bệnh viện hỗ trợ tập huấn về chuyên môn để sẵn sàng đón nhận nhiệm vụ quan trọng này."

[Khẩn cấp xây dựng hệ thống oxy y tế tại Thành phố Hồ Chí Minh]

Theo bác sỹ chuyên khoa II Hoàng Thị Lan Hương, Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh khánh thành và đi vào hoạt động từ ngày 7/8.

Đây là đợt bổ sung nguồn nhân lực và trang thiết bị y tế góp phần hoàn thiện, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống hồi sức tích cực tại Trung tâm.

Các cán bộ, bác sỹ, kỹ thuật viên tham gia tuyến đầu chống dịch COVID-19 tại Thành phố Hồ Chí Minh là những nhân viên y tế giàu kinh nghiệm được đơn vị đào tạo chuyên môn và các kỹ năng chuyên sâu như: đặt nội khí quản ở bệnh nhân COVID-19, liệu pháp thay thế thận, oxy hóa máu qua màng (ECMO)…

Ngoài ra, các điều dưỡng cũng được tập huấn bài bản cách chăm sóc người bệnh mắc COIVD-19 nặng, thở máy; hướng dẫn tập vận động, phục hồi chức năng cho người mắc COVID-19.

"Với quyết tâm đó, Bệnh viện Trung ương Huế mong muốn Trung tâm Hồi sức tích cực sẽ phát huy tối đa hiệu quả nhằm giảm thiểu tỷ lệ người bệnh COVID-19 nặng, nguy kịch, cứu sống cho nhiều bệnh nhân; chung tay cùng Thành phố Hồ Chí Minh đẩy lùi đại dịch’’ - bác sỹ Hoàng Thị Lan Hương nhấn mạnh.

Dự kiến, trong tuần này, Bệnh viện Trung ương Huế sẽ cử khoảng 300 cán bộ y tế, điều dưỡng, kỹ thuật viên vào Thành phố Hồ Chí Minh để sớm hoàn thiện hệ thống thiết bị y tế và bắt đầu thu dung, điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Ngoài tăng cường cho Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Trung ương Huế cũng đảm bảo chuyên môn, sẵn sàng nhân lực, vật lực tại đơn vị để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế.

Trước đó, ngày 2/8, Đoàn công tác Bệnh viện Trung ương Huế do Giáo sư, Tiến sỹ Phạm Như Hiệp (Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế) đã lên đường vào Thành phố Hồ Chí Minh để khảo sát và thiết lập Trung tâm Hồi sức tích cực người bệnh COVID-19 trực thuộc Bệnh viện Trung ương Huế tại đây./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục