Nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn phát triển mới

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn trả lời phỏng vấn về những thành tựu và bài học đối ngoại đa phương của Việt Nam trong hai năm tham gia vai trò Ủy viên không thường trực HĐBA Liên hợp quốc.
Nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn phát triển mới ảnh 1Quang cảnh buổi họp báo quốc tế về tháng Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 1/4/2021. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Năm 2021 khép lại cũng là thời điểm Việt Nam chính thức hoàn thành cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021.

Việt Nam đã hoàn thành xuất sắc vai trò này bằng việc tham gia thực chất, thiết thực vào công việc chung của Hội đồng Bảo an, được Liên hợp quốc, các nước và dư luận quốc tế, trong nước đánh giá cao; thông qua đó, để lại nhiều dấu ấn về bản sắc và nghệ thuật ngoại giao đa phương Việt Nam.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã trả lời phỏng vấn báo chí về những thành tựu cũng như những bài học của đối ngoại đa phương trong hai năm tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong vai trò Ủy viên không thường trực của Việt Nam.

- Xin Bộ trưởng cho biết những kết quả nổi bật của công tác đối ngoại đa phương kể từ sau khi Ban Bí thư khóa XII ban hành Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Như chúng ta đều biết, Chỉ thị 25 của Ban Bí thư khóa XII là văn kiện đầu tiên của Đảng ta về đối ngoại đa phương, đánh dấu mốc quan trọng về tư duy và thực tiễn đối ngoại đa phương, chuyển từ tham gia sang chủ động, tích cực “vươn lên đóng vai trò nòng cốt, dẫn dắt hoặc hòa giải tại diễn đàn, tổ chức đa phương có tầm quan trọng chiến lược đối với đất nước.” Chủ trương, định hướng đúng đắn này đã được kế thừa, khái quát và phát triển trong đường lối đối ngoại đề ra tại Đại hội XIII của Đảng.

Trong hơn ba năm thực hiện Chỉ thị 25, đối ngoại đa phương đã được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ và ghi nhiều dấu ấn quan trọng. Đó là, Việt Nam đã hoàn thành nhiều trọng trách quốc tế quan trọng như Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc) nhiệm kỳ 2020-2021, Chủ tịch ASEAN 2020, tổ chức thành công nhiều hội nghị quốc tế lớn như Hội nghị Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) ASEAN 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên năm 2019, cũng như tiếp tục đóng góp tích cực vào tất cả các diễn đàn đa phương quan trọng.

Bên cạnh đó, chúng ta đã trúng cử với số phiếu cao vào nhiều tổ chức, cơ quan có uy tín của Liên hợp quốc như Ủy ban Luật pháp quốc tế, Hội đồng Thống đốc Cơ quan năng lượng nguyên tử quốc tế, Hội đồng Chấp hành UNESCO, Hội đồng Khai thác Bưu chính của Liên minh Bưu chính thế giới…

[Việt Nam kết thúc nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an]

Những kết quả nổi bật nói trên đã đóng góp vào thành tựu chung của đối ngoại Việt Nam sau 35 năm đổi mới, góp phần tạo lập vị thế và uy tín quốc tế mà đất nước ta chưa bao giờ có được như ngày nay, khơi dậy niềm tự hào dân tộc, đồng thời mở rộng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước ta.

- Xin Bộ trưởng đánh giá về những thành công Việt Nam đã đạt được trong nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Trong nhiệm kỳ Việt Nam đảm nhiệm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, thế giới và khu vực trải qua nhiều biến động phức tạp, khó lường, nhất là sự bùng phát của đại dịch COVID-19.

Trong bối cảnh đó, quán triệt, triển khai mạnh mẽ và hiệu quả chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương, Việt Nam đã nỗ lực với quyết tâm cao, chủ động, sáng tạo, khắc phục khó khăn, vượt qua thử thách để có một nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc rất thành công, với nhiều dấu ấn quan trọng.

Nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn phát triển mới ảnh 2Việt Nam cùng đại diện các nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tham dự phiên thảo luận về tình hình Yemen tháng 5/2021.. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Thứ nhất, quá trình tham gia Hội đồng Bảo an, đặc biệt là sự tham gia trực tiếp của lãnh đạo cấp cao Đảng và Nhà nước, Lãnh đạo Bộ Ngoại giao đã chuyển tải thông điệp mạnh mẽ về một đất nước Việt Nam đổi mới, chuyển mình, từ một nước nhận hỗ trợ trở thành một đối tác quan trọng, đóng góp tích cực tại Liên hợp quốc và trong công việc chung của cộng đồng quốc tế.

Chúng ta đã tham gia cơ chế đa phương có tầm quan trọng hàng đầu này với tâm thế mới, có năng lực, bản lĩnh và bản sắc riêng, có tầm nhìn chiến lược về thế giới và khu vực, có đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa.

Thứ hai, chúng ta đã tham gia đóng góp thực chất, thiết thực vào công việc chung của Hội đồng Bảo an, thể hiện qua việc đã tham gia bàn thảo, tìm giải pháp cho tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự Hội đồng Bảo an ở tất cả các khu vực, từ các xung đột ở châu Phi tới khủng hoảng nhân đạo ở Trung Đông, cũng như các vấn đề quan trọng như chống phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang, an ninh biển, biến đổi khí hậu, hay ứng phó với đại dịch COVID-19...

Xuyên suốt trong quá trình đó là hình ảnh Việt Nam với tinh thần độc lập, tự chủ, tích cực, trách nhiệm, kiên trì lập trường nhất quán tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, nhất là tôn trọng độc lập, chủ quyền, nguyên tắc không can thiệp công việc nội bộ, giải quyết hòa bình tranh chấp…, đồng thời, có cách thức giải quyết có lý, có tình, đầy tinh thần trách nhiệm và giàu tính nhân văn, linh hoạt, cân bằng trong ứng xử, luôn nỗ lực tìm kiếm và tạo dựng đồng thuận, tạo không khí thuận lợi cho trao đổi tại Hội đồng Bảo an.

Thứ ba, Việt Nam đã tạo dấu ấn với cách tiếp cận tổng thể đối với các vấn đề hòa bình và an ninh quốc tế, cũng như tinh thần nhân văn, hướng tới người dân, xuất phát từ chính những kinh nghiệm của Việt Nam đã từng trải qua nhiều năm chiến tranh, xung đột.

Điều đó được thể hiện qua những sự kiện và văn kiện chúng ta đề xuất với những chủ đề rất có ý nghĩa, xuất phát từ lợi ích của Việt Nam nhưng cũng rất phù hợp với quan tâm và lợi ích chung của cộng đồng quốc tế.

Đó là về vai trò các tổ chức khu vực trong phòng ngừa xung đột và xây dựng lòng tin, về thúc đẩy tuân thủ Hiến chương Liên hợp quốc trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, về khắc phục hậu quả bom mìn hay về bảo vệ thường dân trong xung đột vũ trang. Những đề xuất của Việt Nam nhận được sự hưởng ứng rất lớn của các nước thành viên Liên hợp quốc.

Đơn cử như phiên thảo luận mở về Hiến chương Liên hợp quốc tổ chức vào tháng 1/2020 nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc có sự tham dự và phát biểu của 110 đại diện các nước, tổ chức, một con số kỷ lục đối với một cuộc họp của Hội đồng Bảo an. Hay Nghị quyết do Việt Nam đề xuất về bảo vệ cơ sở hạ tầng thiết yếu đối với người dân là một trong số hiếm hoi (chỉ khoảng 1%) các Nghị quyết được tất cả 15 nước thành viên Hội đồng Bảo an đồng bảo trợ.

Có thể nói, cùng với các hoạt động đối ngoại quan trọng khác, việc đảm nhận trọng trách Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã góp phần củng cố cục diện đối ngoại ổn định, thuận lợi cho xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, tiếp tục mở rộng và làm sâu sắc hơn quan hệ với nhiều đối tác quan trọng, nhất là các nước ủy viên Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Chúng ta cũng khẳng định vị thế và uy tín của Việt Nam với tư cách là bạn bè thủy chung, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế, nhận được sự đồng tình và ủng hộ của tất cả các nước trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế.

Những thành công và dấu ấn của Việt Nam tại Hội đồng Bảo an góp phần quan trọng khẳng định chủ trương nâng tầm đối ngoại đa phương của Đảng và Nhà nước ta là hoàn toàn đúng đắn, củng cố nền tảng để chúng ta tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả chủ trương này trong giai đoạn mới.

Qua thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an cùng với các thành tựu đối ngoại quan trọng khác, nhân dân ta ngày càng tin tưởng vững chắc vào đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng và Nhà nước; cộng đồng quốc tế ngày càng tín nhiệm và kỳ vọng Việt Nam tiếp tục đóng góp quan trọng hơn vào giải quyết các vấn đề toàn cầu và khu vực.

Bên cạnh đó, các cơ quan, lực lượng đối ngoại, trong đó có đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương, ngày càng trưởng thành, vững vàng hơn về bản lĩnh, phẩm chất, kinh nghiệm, trình độ và năng lực để hướng tới xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung và ngoại giao nói riêng toàn diện, hiện đại.

- Theo Bộ trưởng, những thành công này có được là nhờ nguyên nhân gì? Chúng ta rút ra được bài học gì cho triển khai đối ngoại đa phương trong thời gian tới?

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn: Thành công của nhiệm kỳ Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vừa qua là sự tổng hòa của nhiều yếu tố khách quan và chủ quan.

Nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn phát triển mới ảnh 3Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Trước hết, đó là nhờ Việt Nam kiên định đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa; sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và các lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ; phát huy hiệu quả thế và lực mới của đất nước ta sau 35 năm đổi mới; kinh nghiệm tích lũy từ nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2008-2009 và tham gia các diễn đàn đa phương quan trọng khác; sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng và tích cực tham gia của các bộ, ngành trong tổ công tác liên ngành về Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các tổ chức trong hệ thống chính trị; sự ủng hộ rộng rãi của quốc tế, nhất là các đối tác quan trọng và bạn bè truyền thống.

Bên cạnh đó, các cơ quan đối ngoại, trong đó ngành ngoại giao đóng vai trò nòng cốt, đã chủ động, tích cực theo dõi sát tình hình, tham mưu, chuẩn bị kỹ lưỡng từng quyết sách, kế hoạch, lộ trình và bước đi cụ thể, nhất là trong việc đề xuất các sáng kiến, giải pháp xử lý các vấn đề quốc tế phức tạp trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc.

Việc đảm nhận vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong hai năm qua cũng như cả chặng đường dài hơn, từ nghiên cứu, tham mưu, quyết định ứng cử đến vận động, chuẩn bị và tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, đã để lại cho chúng ta nhiều bài học, kinh nghiệm quý báu.

Một là, bài học về xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và đoàn kết, hợp tác quốc tế, giữa lợi ích quốc gia-dân tộc và nghĩa vụ, trách nhiệm quốc tế trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.

Lợi ích quốc gia-dân tộc của Việt Nam là bảo đảm môi trường quốc tế thuận lợi để phát triển, hoàn toàn phù hợp với lợi ích chung và nguyện vọng tha thiết của các quốc gia, dân tộc trên thế giới là giữ vững hòa bình, thúc đẩy hợp tác cùng phát triển. Trong tất cả các vấn đề quốc tế tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nhất là những vấn đề nhiều nước có ý kiến khác nhau, chúng ta luôn kiên định độc lập, tự chủ vì lợi ích quốc gia- dân tộc, đồng thời tích cực đóng góp có trách nhiệm vào thúc đẩy đoàn kết, hợp tác quốc tế, tôn trọng luật pháp quốc tế vì mục tiêu chung là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ trên thế giới.

Hai là, bài học về phát huy truyền thống ngoại giao hòa hiếu, hào khí và giàu tính nhân văn của dân tộc và tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh. Việt Nam luôn kiên định nguyên tắc, mục tiêu chiến lược, nhưng mềm dẻo, linh hoạt, có lý, có tình trong sách lược, tùy từng vấn đề, thời điểm và đối tác với phương châm “dĩ bất biến ứng vạn biến," là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên tích cực và có trách nhiệm với tất cả các nước trong cộng đồng quốc tế.

Chúng ta luôn xuất phát từ lợi ích chung của quốc tế, phát huy tối đa điểm đồng, xử lý hài hòa quan tâm của các nước liên quan trên cơ sở bình đẳng, cùng có lợi trong các vấn đề nghị sự tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc như gìn giữ hòa bình, tái thiết sau xung đột, phòng, chống dịch, phát triển bền vững.

Ba là, bài học về kết hợp nhuần nhuyễn giữa thế và lực, giữa đa phương và song phương, giữa toàn cầu và khu vực, giữa ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hóa. Nhờ đó, Việt Nam giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, tranh thủ được nguồn lực bên ngoài cho phát triển, nâng cao vị thế, uy tín đất nước.

Một điểm nổi bật trong nhiệm kỳ vừa qua là Việt Nam đã phát huy rất tốt vai trò cầu nối trong một số vấn đề toàn cầu và khu vực, nhất là thúc đẩy hợp tác giữa Liên hợp quốc và ASEAN khi Việt Nam đảm nhiệm Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc tháng 4/2021.

Bốn là, bài học về chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ đối ngoại nói chung, đối ngoại đa phương nói riêng bởi cán bộ là cái gốc của mọi việc. Tham gia Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là tham gia sân chơi “đấu trí” cam go, phức tạp ở tầm toàn cầu, đòi hỏi đội ngũ cán bộ đối ngoại đa phương phải có bản lĩnh, trí tuệ, năng lực và trình độ đạt tới tầm toàn cầu.

Bên cạnh kế thừa, phát huy những bài học, kinh nghiệm đã tích lũy được qua nhiệm kỳ Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, cần xây dựng, triển khai hiệu quả các kế hoạch, quy hoạch phát triển đội ngũ cán bộ, chuyên gia về đối ngoại đa phương một cách bài bản, khoa học để đáp ứng yêu cầu nâng tầm đối ngoại đa phương trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục