NATO lo ngại về kế hoạch giảm chi tiêu quốc phòng

Những tranh cãi về cắt giảm ngân sách trở thành chủ đề nóng chi phối ngày họp đầu tiên của NATO đang diễn ra tại Brussels (Bỉ).
Những tranh cãi về cắt giảm ngân sách đã trở thành chủ đề nóng chi phối gần như cả ngày họp đầu tiên của Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đang diễn ra tại Brussels (Bỉ).

Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen cảnh báo rằng kế hoạch cắt giảm chi tiêu quốc phòng có thể tác động tiêu cực tới khả năng tác chiến và sẵn sàng chiến đấu của tổ chức quân sự này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau ngày họp thứ nhất, ông Rasmussen khẳng định việc các chính phủ hạn chế tài chính sẽ khiến NATO khó có thể thực hiện được các mục tiêu như mở rộng sự hợp tác và chi tiêu "thông minh" trong những thời điểm cần thiết, cũng như đe dọa làm suy yếu khả năng đối phó với những thách thức mới.

Ông Rasmussen cho rằng nỗ lực cắt giảm chi tiêu là rất quan trọng trong bối cảnh các nước đang thực hiện chính sách "thắt lưng buộc bụng," song NATO vẫn cần một mức chi tiêu quốc phòng đủ để có thể thực hiện được các kế hoạch quân sự, đặc biệt trong bối cảnh liên minh này đang chuẩn bị kế hoạch lớn là chuyển giao sứ mệnh kiểm soát an ninh cho lực lượng của Afghanistan trước khi Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế (ISAF) rút khỏi chiến trường Nam Á này vào năm 2014.

Cũng liên quan tới sứ mệnh của NATO tại Afghanistan, ngày 21/2, các quan chức cấp cao NATO giấu tên cho biết tổ chức này đang cân nhắc đề xuất tiếp tục tài trợ cho lực lượng an ninh gồm 352.000 binh sỹ của Afghanistan tới năm 2018, coi đây là một phần trong nỗ lực duy trì an ninh và cũng nhằm thuyết phục nước này rằng họ sẽ không bị Mỹ cùng các đồng minh bỏ rơi sau khi liên quân rút lực lượng tác chiến vào năm 2014.

Nếu được thông qua, đề xuất nói trên sẽ làm tăng chi tiêu của NATO thêm hơn 2 tỷ USD/năm, giữa lúc hầu hết các nước thành viên liên minh này đang vật lộn với khó khăn tài chính dẫn đến phải cắt giảm chi tiêu.

Trước đó, hồi tháng 5/2012, NATO đã nhất trí tài trợ 4,1 tỷ USD/năm cho lực lượng Afghanistan gồm khoảng 230.000 quân kể từ sau năm 2014. Với đề xuất mới, chi phí tài trợ cho lực lượng Afghanistan gồm 352.000 quân sẽ tăng lên 6,5 tỷ USD, trong đó Mỹ đóng góp khoảng 5,7 tỷ USD.

Ngoài vấn đề cắt giảm chi tiêu và kế hoạch rút quân khỏi Afghanistan, tăng cường khả năng phòng thủ của NATO và quan hệ với Ukraine cũng là những chủ đề được hội nghị quan tâm.

Các bộ trưởng đã thảo luận về khả năng và tiến trình hoạch định phòng thủ của NATO, xem đây là cơ hội để đánh giá tiến bộ của các kế hoạch nhằm tăng cường khả năng phòng thủ của liên minh đã được nhất trí tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Chicago tháng 5/2012.

Sáng kiến kết nối các lực lượng (Connected Forces Initiative) nhằm duy trì, tăng cường kỹ năng hợp tác và phối hợp tác chiến giữa các lực lượng liên minh cũng là vấn đề đang được thảo luận.

Dự kiến, các bộ trưởng Quốc phòng NATO sẽ gặp người đồng cấp mới của Ukraine, ông Pavlo Lebedev để bàn về phương thức xúc tiến sự hợp tác về phòng thủ thông qua Ủy ban NATO-Ukraine./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục