Ngân hàng chính sách hoàn thành 69% tăng trưởng dư nợ tín dụng

Tính đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ước đạt 227.000 tỷ đồng, tăng 15.107 tỷ đồng so với cuối năm 2019.
Ngân hàng chính sách hoàn thành 69% tăng trưởng dư nợ tín dụng ảnh 1Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng Chính sách xã hội. (Ảnh: CTV/Vietnam+)

Sáu tháng đầu năm, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, hạn hán và xâm nhập mặn tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Ngân hàng chính sách xã hội chỉ đạo toàn hệ thống thực hiện nhiệm vụ, chỉ tiêu được giao và đạt được những kết quả khả quan trên các mặt hoạt động.

Tính đến ngày 30/6, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ước đạt 227.000 tỷ đồng, tăng 15.107 tỷ đồng so với cuối năm 2019; trong đó vốn nhận ủy thác từ ngân sách địa phương 19.500 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, tổng dư nợ ước đạt 219.900 tỷ đồng, tăng 13.095 tỷ đồng (+6,3%) so với cuối năm 2019, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao ước đạt 190.000 tỷ đồng, tăng 9.995 tỷ đồng (+5,6%) so với cuối năm 2019, hoàn thành 69% kế hoạch.

[Ngân hàng Chính sách: Hành trình của niềm tin, sứ mệnh vì người nghèo]

Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,71% tổng dư nợ.

Doanh số cho vay trong 6 tháng ước đạt 44.535 tỷ đồng, với trên 1,2 triệu lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư sản xuất kinh doanh, tạo việc làm cho gần 224.000 lao động; giúp gần 9.000 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng 810.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường; xây dựng 11.700 căn nhà ở cho các đối tượng chính sách…

Tại phiên họp thường kỳ quý 2 với Ngân hàng chính sách xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách đánh giá cao sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo của ban điều hành ngân hàng trong 6 tháng đầu năm. Đặc biệt trong bối cảnh tác động mạnh của dịch COVID-19, cùng với ngành ngân hàng, Ngân hàng chính sách xã hội  đã chủ động, kịp thời triển khai các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho các đối tượng vay vốn bị ảnh hưởng.

Để hoàn thành nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2020, Chủ tịch Hội đồng quản trị yêu cầu, những tháng cuối năm, hệ thống Ngân hàng chính sách xã hội chủ động huy động vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao. Tập trung chỉ đạo các chi nhánh giải ngân kịp thời, sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục