Ngân hàng Cuba khôi phục hoạt động nhận tiền gửi bằng USD

Việc nhận tiền gửi bằng USD được đánh giá là tạo thuận lợi cho việc tiêu dùng cho người dân trong nước cũng như các tổ chức và cá nhân nước ngoài hoạt động tại đảo quốc Caribe này.
Ngân hàng Cuba khôi phục hoạt động nhận tiền gửi bằng USD ảnh 1Đồng 100 USD. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngân hàng Trung ương Cuba (BCC) ngày 10/4 thông báo rằng các ngân hàng trong nước sẽ một lần nữa chấp nhận tiền gửi bằng USD tiền mặt vào tài khoản, bước đi được đánh giá là tạo thuận lợi cho việc tiêu dùng cho người dân trong nước cũng như các tổ chức và cá nhân nước ngoài hoạt động tại đảo quốc Caribe.

Trong hệ thống thương mại quốc nội, hiện vẫn do nhà nước kiểm soát hoàn toàn, ngoài đồng peso nội tệ, Cuba sử dụng đồng MLC (đồng tiền tự do chuyển đổi) dưới dạng chuyển khoản hoặc thanh toán qua thẻ.

Đồng MLC được ấn định giá trị tương đương đồng USD, nhưng có thể chuyển từ các loại ngoại tệ khác theo tỷ giá do BCC ban hành.

[Ngân hàng Cuba bắt đầu chấp nhận hoạt động với hệ thống MIR của Nga]

Tuy nhiên, để đối phó với các rào cản và trừng phạt tài chính từ phía Mỹ trong khuôn khổ chính sách bao vây cấm vận Cuba, từ tháng 6/2021, La Habana đã áp dụng biện pháp ngừng nhận đồng USD tiền mặt gửi vào tài khoản các ngân hàng trong nước và chỉ nhận tiền mặt từ các ngoại tệ khác hay USD thanh toán chuyển khoản từ nước ngoài (qua các dạng thẻ như Mastercard hay Visa).

Điều này dù giảm thiểu được rủi ro bị trừng phạt của các thực thể Cuba và các đối tác quốc tế, nhưng lại gây ra nhiều khó khăn trong thực tiễn do phần lớn kiều hối người dân Cuba nhận được có nguồn gốc từ Mỹ và bằng đồng USD tiền mặt, cũng như với các tổ chức và cá nhân nước ngoài hoạt động tại Cuba.

BCC cho biết quyết định bãi bỏ biện pháp trên xuất phát từ việc các điều kiện đã thay đổi theo hướng thuận lợi sau khi đại dịch COVID-19 kết thúc, các hoạt động du lịch được nối lại và do đó, khơi thông dòng ngoại tệ và dần phục hồi lĩnh vực dịch vụ.

BCC khẳng định rằng bước đi mới này đáp ứng “hoàn cảnh hiện tại và các ưu tiên của chính sách kinh tế,” trong bối cảnh “các biện pháp gây áp lực tối đa” của lệnh cấm vận vẫn còn hiệu lực và do đó “vấn đề cơ bản chưa được giải quyết."

BCC nhấn mạnh sự cần thiết “phải theo dõi sự phát triển của hoạt động tài chính ngân hàng từ bước đi mới này,” đồng thời cảnh báo có thể thực hiện “những điều chỉnh phù hợp."

Cuba đã trải qua 6 thập kỷ dưới lệnh phong tỏa hà khắc của Mỹ. Tuy nhiên, chỉ trong 4 năm cầm quyền của cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, lệnh cấm vận của Washington nhằm vào La Habana càng được siết chặt hơn với 240 biện pháp trừng phạt mà tới nay chính quyền của Tổng thống Joe Biden vẫn giữ nguyên.

Từ năm 1982, dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Ronald Reagan, Mỹ đã liên tục đưa Cuba vào "danh sách các quốc gia tài trợ khủng bố" cùng với một loạt biện pháp trừng phạt kèm theo.

Năm 2015, Tổng thống Mỹ khi đó là Barack Obama đã đưa Cuba ra khỏi danh sách mà Washington đơn phương soạn thảo hằng năm này, trước khi hai nước tái thiết lập quan hệ ngoại giao.

Đây vẫn được coi là một trong những thành công đối ngoại nổi bật của vị tổng thống gốc Phi đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục