Ngành tuyên giáo đổi mới phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn

Ngành tuyên giáo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, phương pháp làm việc; bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, nâng cao khả năng dự báo.
Ngành tuyên giáo đổi mới phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn ảnh 1Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Năm 2023, năm bản lề thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, trong bối cảnh tình hình thế giới, khu vực dự báo tiếp tục diễn biến nhanh chóng, phức tạp, khó dự báo.

Vì vậy, ngành tuyên giáo tiếp tục đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, phương pháp làm việc; bám sát thực tiễn cơ sở, nắm chắc tình hình tư tưởng, tâm trạng xã hội, nâng cao khả năng dự báo; tăng cường kiểm tra, đôn đốc; tổ chức thực hiện hiệu quả chức năng, nhiệm vụ của ngành.

Đây là phương hướng được xác định tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Tuyên giáo năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023. Hội nghị được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 23/12.

[Ngành tuyên giáo của Đảng và chặng đường vẻ vang 92 năm qua]

Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa dự và chủ trì hội nghị.

Dự Hội nghị có đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; Thường trực, Trưởng Ban Tuyên giáo các Tỉnh ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương; lãnh đạo một số cơ quan thông tấn báo chí.

Đổi mới, sáng tạo thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị

Chỉ đạo tại hội nghị, điểm qua tình hình và những đánh giá, nhận định trong năm 2023, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh có nhiều vấn đề lớn, tác động đến tư tưởng, tâm trạng của các tầng lớp nhân dân và đặt ra yêu cầu, nhiệm vụ mới, cao hơn, phức tạp hơn, đòi hỏi toàn ngành tuyên giáo quyết tâm cao, nỗ lực lớn, thực hiện tốt phương châm “Bản lĩnh, trí tuệ, đoàn kết, chủ động, đổi mới, sáng tạo” để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị được giao.

Từ yêu cầu trên, ngành tuyên giáo cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu, trong đó tiếp tục đẩy mạnh công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận, bám sát những định hướng lớn trong Cương lĩnh chính trị, Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, các bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhất là “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam;” những vấn đề thực tiễn mới nảy sinh để làm căn cứ lý luận và thực tiễn tham gia xây dựng đề cương, nội dung các văn kiện Đại hội XIV của Đảng.

Đồng thời, ngành đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu tổ chức nghiên cứu, học tập, quán triệt, tuyên truyền các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng, nhất là nội dung văn kiện các Hội nghị Trung ương 7, Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII.

Ngành tuyên giáo đổi mới phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn ảnh 2Các đại biểu tham dự Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

“Từ năm 2023 đến hết nhiệm kỳ, bên cạnh những nhiệm vụ thường xuyên, công tác thông tin, tuyên truyền, báo chí, xuất bản, dư luận xã hội cần tập trung tham mưu chỉ đạo, định hướng, cổ vũ toàn Đảng, toàn quân, toàn quân thực hiện có hiệu quả chương trình hành động, mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Đại hội Đảng bộ các cấp; cổ vũ cán bộ, đảng viên phát huy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng; chú trọng phát hiện biểu dương, nhân rộng những mô hình, cách làm hay, đổi mới, sáng tạo; đồng thời đấu tranh phê phán những cấp ủy, tổ chức đảng, những cán bộ, đảng viên thờ ơ, thụ động, thiếu trách nhiệm, cản trở việc tổ chức thực hiện Nghị quyết,” Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương nhấn mạnh.

Đối với công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong năm 2023, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa đề nghị cần tiếp tục đổi mới về nội dung, hình thức, phương pháp, tập trung sơ kết 5 năm việc thực hiện Nghị quyết số 35-NQ/TW, ngày 22/10/2018 “Về tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới.”

Nhiệm vụ này đặc biệt quan trọng, có những yêu cầu mới, nhất là đổi mới tư duy lý luận về công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, về xác định đúng, trúng đối tượng đấu tranh, phạm vi, hình thức, phương pháp đấu tranh; về giải quyết mối quan hệ hài hòa giữa xây, phòng và chống; về bảo đảm cân đối trong công tác đấu tranh trên các lĩnh vực như lý luận, tư tưởng, văn học, nghệ thuật; về phối hợp thống nhất, nhịp nhàng, kịp thời, hiệu quả giữa các binh chủng như báo, tạp chí, xuất bản, phát thanh, truyền hình, qua các cuộc hội thảo, tọa đàm khoa học, giữa các lực lượng chuyên trách và không chuyên trách, nêu cao trách nhiệm và hiệu quả hoạt động của các cơ quan làm công tác đối ngoại Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân...

Ngành tuyên giáo tập trung triển khai xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam; trong đó trọng tâm xác định và triển khai thực hiện hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới.

Theo Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, việc xây dựng các hệ giá trị cần xác định rõ nội hàm của từng hệ giá trị; vị trí, vai trò, mối quan hệ biện chứng giữa các hệ giá trị, giữa các giá trị trong từng hệ giá trị, đặc biệt là xây dựng kế hoạch học tập, quán triệt, tuyên truyền, cổ động để thống nhất về nhận thức, hành động trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, làm cho văn hóa thực sự là sức mạnh tinh thần, “sức mạnh mềm” trong thực hiện thắng lợi các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Ngành tuyên giáo đổi mới phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn ảnh 3Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, và các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Nhấn mạnh công tác khoa giáo trong giai đoạn hiện nay có vị trí, vai trò rất quan trọng, quyết định việc hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu của Đại hội XIII của Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương lưu ý cần đẩy mạnh hơn nữa, trước hết là về nhận thức cho đúng, triển khai cho đúng nhiệm vụ của công tác khoa giáo được đề ra trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Cán bộ làm công tác khoa giáo cần nhận thức rõ ràng chức năng nhiệm vụ, “đúng vai, thuộc bài” để không nhầm lẫn giữa công tác khoa giáo của Đảng với các công việc chuyên môn của các bộ, sở, ngành.

Thực hiện tốt vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết”

Báo cáo tại Hội nghị nêu rõ năm 2022, ngành tuyên giáo đã triển khai, hoàn thành khối lượng lớn công việc, có những kết quả nổi bật, đột phá, những điểm mới so với năm 2021, được cán bộ, đảng viên và dư luận đánh giá cao: đã chủ động, tích cực triển khai 22 đề tài, đề án để tham mưu Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư và đã được ban hành, triển khai thực hiện 5 văn bản (nghị quyết, chỉ thị, quy định, hướng dẫn...), góp phần hoạch định chủ trương, đường lối; đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức và công tác tuyên giáo.

Ban Tuyên giáo Trung ương tham mưu tổ chức tốt Hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt văn kiện Hội nghị Trung ương 5, 6 khóa XIII, hình thức tổ chức có nhiều đổi mới từ công tác chuẩn bị tài liệu, phục vụ Hội nghị cho đến hình thức truyền đạt nghị quyết của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước; số lượng điểm cầu từng hội nghị lên tới gần 12.000 điểm, thành phần tham gia hội nghị được mở rộng lên tới gần 1,2 triệu đại biểu dự.

Các hội nghị nghiên cứu, học tập, quán triệt, giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân kịp thời nắm bắt nội dung các nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, nâng cao nhận thức, phát huy vai trò giám sát, tổ chức, thực hiện hiệu quả trong thực tiễn; chủ động, kịp thời trong công tác hướng dẫn triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác tuyên giáo; phát hiện những nhân tố tích cực, mô hình hay, cách làm sáng tạo để biểu dương, nhân rộng; những hạn chế, khó khăn, điểm nghẽn để khắc phục; công tác lý luận chính trị, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, tuyên truyền, thông tin đối ngoại, định hướng dư luận xã hội, báo chí-xuất bản, văn hóa-văn nghệ, khoa giáo, xây dựng và phát triển ngành tuyên giáo đạt được nhiều thành tích ấn tượng, đạt hiệu quả cao...

Trong năm 2022, toàn ngành đã tổ chức thành công nhiều chương trình, sự kiện với cách làm đổi mới, sáng tạo, đạt hiệu quả cao, tạo dấu ấn sâu đậm, có sức lan tỏa lớn trong và ngoài nước, được Đảng, Nhà nước, cán bộ, đảng viên và nhân dân ghi nhận, đánh giá cao, như cầu truyền hình trực tiếp “Khúc tráng ca hòa bình” tại 6 điểm cầu trong cả nước và chương trình “Màu hoa đỏ,” chương trình “Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng;” Hội thảo quốc gia về xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong tình hình mới; hoạt động kỷ niệm tròn năm ngày sinh của các đồng chí lãnh đạo tiền bối, tiêu biểu, các ngày kỷ niệm lớn của Đảng, của đất nước như kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Thủ tướng Võ Văn Kiệt...

Ngành tuyên giáo đổi mới phương thức hoạt động, bám sát thực tiễn ảnh 4Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, và các đại biểu dự Hội nghị. (Ảnh: Thanh Vũ/TTXVN)

Với những thành tựu nổi bật nêu trên, ngành tuyên giáo đã thể hiện rõ vai trò “đi trước mở đường, đi cùng thực hiện, đi sau tổng kết,” tiếp tục đảm nhận vai trò tiên phong trên mặt trận tư tưởng, văn hóa của Đảng, góp phần bảo vệ vững chắc, bổ sung, vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tạo sự thống nhất về nhận thức và hành động trong Đảng và xã hội, củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Bên cạnh những thành tích đã đạt được, Hội nghị đã thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế, khó khăn của công tác tuyên giáo.

Công tác kiểm tra, giám sát xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức; việc tổ chức học tập, quán triệt các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định của Đảng; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã được các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương quan tâm nhưng chưa thường xuyên, hiệu quả chưa rõ nét.

Một số cơ quan báo chí, truyền thông còn thiếu nhạy bén trong đưa tin, thậm chí đưa tin gây hiểu nhầm, hoang mang trong dư luận; bị các thế lực thù địch lợi dụng chống phá; việc nắm bắt, định hướng chính trị, tư tưởng, chỉ đạo giải quyết một số vấn đề dư luận quan tâm, nhất là phòng, chống dịch bệnh, quản lý tài nguyên môi trường, khoa học công nghệ, giáo dục, lao động việc làm còn hạn chế...

Tại Hội nghị, nhiều đại biểu đã tham luận, trao đổi về các vấn đề cần quan tâm trong công tác tuyên giáo; chia sẻ những kinh nghiệm hay, cách làm sáng tạo của các địa phương, bộ, ngành để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên giáo trong tình hình mới.

Lưu ý một số nhiệm vụ trọng tâm trong dịp Tết sắp đến cũng như trong quý 1/2023, lãnh đạo Ban Tuyên giáo Trung ương đề nghị Ban Tuyên giáo các cấp khẩn trương xây dựng chương trình, kế hoạch công tác; tham mưu cấp ủy chỉ đạo, định hướng công tác tuyên truyền, tổ chức các hoạt động mừng Đảng, mừng Xuân Quý Mão; kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, bảo đảm mọi người, mọi nhà đều có Tết an toàn, hạnh phúc; tăng cường nắm bắt các âm mưu, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ nhân dịp kỷ niệm 93 năm Ngày thành lập Đảng; hướng dẫn tuyên truyền nội dung, các hoạt động treo cờ, phướn, băngrôn, panô, khẩu hiệu, đèn trang trí, hoạt động văn hóa văn nghệ... chào mừng Ngày thành lập Đảng, mừng Xuân Quý Mão./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục