Ngành y tế nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh

Bộ trưởng Y tế trả lời chất vấn tại phiên họp Ủy ban Thường vụ QH về bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng, chữa bệnh; vấn đề y đức.
Tiếp tục chương trình làm việc phiên họp thứ 6, sáng 26/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế.

Ngoài Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, phiên chất vấn và trả lời chất vấn còn có sự tham gia của lãnh đạo các Bộ: Nội vụ, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo.

Phiên chất vấn, trả lời chất vấn được truyền hình trực tiếp để cử tri, nhân dân cả nước cùng theo dõi và được kết nối với các đoàn đại biểu Quốc hội để các đại biểu cùng tham gia.

Mở đầu phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh đây là một hoạt động dân chủ, trí tuệ và tiếp tục đổi mới với tinh thần Nhà nước của dân, do dân, vì dân; thể hiện sự gắn kết ngày càng mở rộng giữa Quốc hội và Chính phủ với đồng bào, cử tri cả nước.

Thông qua hoạt động này, nhân dân có thể thực hiện quyền giám sát đối với các đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội thực hiện quyền giám sát đối với hoạt động của các Bộ trưởng.

Các chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế tập trung vào các nhóm vấn đề: Việc bảo đảm nguồn lực đáp ứng yêu cầu phòng bệnh, chữa bệnh cho nhân dân; vấn đề y đức trong ngành y tế và vấn đề điều chỉnh khung giá viện phí.

Qua chất vấn, các đại biểu Quốc hội tiếp tục khẳng định ngành Y tế đã có nhiều cố gắng, đổi mới, phát huy trí tuệ, sự đóng góp của cán bộ, nhân viên, động viên các thầy thuốc vượt qua khó khăn hoàn thành nhiệm vụ.

Ngành đã quan tâm chăm lo y tế tuyến huyện, xã, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số; coi trọng phòng chống bệnh, kết hợp quân-dân y, đông y-tây y, chăm lo đào tạo nguồn nhân lực cho trước mắt và lâu dài; cầu thị, tiếp thu ý kiến để làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.

Tuy nhiên, có thể thấy, trong thực tiễn, so với yêu cầu, còn nhiều việc cần tiếp tục được khắc phục. Cụ thể như: chất lượng khám chữa bệnh có mặt còn thấp; cơ sở vật chất, điều kiện khám chữa bệnh có nơi còn yếu kém; bệnh nhân phải nằm chung giường; quá tải tuyến trên gia tăng; y đức, ý thức phục vụ bệnh nhân cần được nâng cao; công tác bảo hiểm y tế, cải tiến cơ chế quản lý tài chính...cần tiếp tục được quan tâm hơn nữa.

Tránh tình trạng “quá tải ảo”

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) về tình trạng quá tải bệnh viện tuyến Trung ương, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định: Giảm tải bệnh viện tuyến Trung ương là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Bộ. Hiện nay, Bộ Y tế đã trình Chính phủ Đề án gồm rất nhiều giải pháp tổng thể với sự tham gia của nhiều Bộ, ngành, UBND tỉnh, thành phố. Trong đó, giải pháp hàng đầu là tăng số giường bệnh.

Cùng với đó là tăng cường cơ sở vật chất tuyến tỉnh, tuyến huyện, xây dựng các bệnh viện vệ tinh, tập trung vào các chuyên ngành ung bướu, chấn thương chỉnh hình...Các giải pháp khác là tăng cường cán bộ, phân tuyến kỹ thuật theo năng lực.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, cần siết chặt hơn nữa quy chế chuyển viện để tránh tình trạng “quá tải ảo”, tình trạng lây nhiễm bệnh viện.

Theo đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), trong khi các bệnh viện công lập quá tải trầm trọng thì nhiều bệnh viện tư lại thiếu vắng bệnh nhân, chưa chia sẻ được gánh nặng với Nhà nước trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, dẫn tới kết quả xã hội hóa còn hạn chế.

Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến lý giải mặc dù các bệnh viện tư đã được tạo nhiều điều kiện về vốn, đất, thuế, thủ tục nhưng khó nhất vẫn là vấn đề kỹ thuật chuyên môn và nguồn bác sĩ. Phục vụ cho bệnh viện tư hiện chủ yếu là các bác sĩ đã nghỉ hưu và một số bác sĩ trẻ không xin được công tác ở bệnh viện công. Chỉ một số bệnh viện tư trả lương rất cao mới thu hút được các bác sĩ đang làm việc ở bệnh viện công.

Người dân hiện chưa hoàn toàn tin tưởng vào bệnh viện ngoài công lập. Nhiều bệnh viện đầu tư lớn nhưng hoạt động chưa hết công suất trong khi bệnh viện công lập lại quá tải do những ưu thế về thương hiệu, đội ngũ giáo sư, bác sĩ và giá cả thấp.

Giải đáp băn khoăn của đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) về nguyên nhân khiến phần lớn bệnh nhân muốn chuyển lên tuyến trên, Bộ trưởng cho rằng nguyên nhân sâu xa nhất là do điều kiện kinh tế, dân trí tăng dẫn tới bệnh nhân có tâm lý muốn lên tuyến trên vì tin rằng có bác sĩ giỏi, trang thiết bị tốt...trong khi nhiều bệnh hoàn toàn có thể điều trị tốt ở tuyến dưới.

Theo Bộ trưởng, cũng không loại trừ nguyên nhân có những cơ sở y tế, bác sĩ gây mất lòng tin cho nhân dân do cơ sở vật chất, tay nghề kém, chưa đáp ứng yêu cầu. Tình trạng này cần được khắc phục dần từng bước một.

Điều chỉnh khung giá viện phí để góp phần giảm tải

Về vấn đề điều chỉnh khung giá viện phí, đại biểu Nguyễn Thị Tuyết Liên (Sóc Trăng) cho rằng việc điều chỉnh khung giá viện phí theo Thông tư liên Bộ vẫn còn nhiều băn khoăn, như trường hợp nằm ghép 2 người chỉ tính 50%, ghép 3 là 30% viện phí.

Cách tính như vậy là không hợp lý vì bệnh viện phải bù lỗ cho bệnh nhân nằm ghép, trong khi chi phí không giảm, dẫn đến nhiều bệnh viện tiêu cực không nhận bệnh nhân, bệnh gặp khó khăn phải chuyển trái tuyến, chi phí nhiều hơn.

Theo Bộ trưởng, cách tính như trên cũng là một trong những cách để giảm bớt quá tải cho các Giám đốc bệnh viện; cố gắng bố trí xây dựng các bệnh viện vệ tinh, tăng cường cho tuyến dưới, hạn chế tình trạng quá tải ảo, bảo đảm quyền lợi người bệnh. Nếu đã để bệnh nhân nằm ghép thì chỉ tính 50%, không được tính 100%. Đây là cách khống chế việc nằm ghép.

Đề cập một số giải pháp cụ thể khắc phục tình trạng bệnh nhân phải nằm ghép theo chất vấn của đại biểu Tô Văn Tám, Bộ trưởng cho biết, thời gian vừa qua đã cấp kinh phí cho Khoa ung bướu của bệnh viện K, bắt buộc hoàn thành trong tháng 5/2012 thêm một tầng để giải phóng bớt sức ép đông bệnh nhân, thêm 50 giường tại Khoa tim mạch bệnh viện Bạch Mai.

Bên cạnh đó là các nguồn xã hội hóa, hỗ trợ khác để bệnh viện Bạch Mai khởi công tòa nhà 9 tầng, sớm đưa vào phục vụ bệnh nhân. Tại TP Hồ Chí Minh, bệnh viện Chợ Rẫy sẽ xây dựng cơ sở 2 từ nguồn ngân sách phát triển...

Trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Thành Tâm (Tây Ninh) về đánh giá việc triển khai thực hiện bộ tiêu chí về y đức, Bộ trưởng cho rằng đây không chỉ là vấn đề liên quan đến ngành y tế mà tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Trong ngành Y tế, không chỉ cần y đức mà còn phải có cả y lý và y thuật.Việc xây dựng tiêu chí y đức của ngành Y tế hoàn toàn chỉ dựa vào Luật Phòng chống tham nhũng, Luật khám, chữa bệnh, Quy tắc ứng xử của Ngành y tế. Trong điều kiện cơ chế thị trường, trong điều kiện quá tải, cả cán bộ y tế và người nhà bệnh nhân đều phải thực hiện.

Bộ đã gắn việc thực hiện tiêu chí về y đức với Học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Đây là cuộc vận động lớn trong ngành, tác động đáng kể vào ý thức của cán bộ y tế; đồng thời xử phạt nghiêm minh, có kiểm tra, giám sát, khen thưởng.

Bên cạnh đó, động viên, tôn vinh, khích lệ tinh thần say mê nghề, phát huy trách nhiệm với nghề của y, bác sĩ. Bộ trưởng cho biết, qua khảo sát, trên 90% bệnh nhân nội trú bệnh viện Bạch Mai hài lòng với thái độ phục vụ của bác sĩ.

Y tế dự phòng chưa thu hút nhân lực

Về đầu tư cơ sở, vật chất, nhân lực, chính sách đào tạo cho y tế dự phòng, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ một số giải pháp nhằm thu hút trong tuyển sinh, đào tạo như mở mã ngành với điểm chuẩn thấp hơn, đào tạo theo địa chỉ, đào tạo liên thông, chuyên tu...

Bộ Y tế đã cố gắng đưa các nguồn vốn ODA, các nguồn xã hội hóa, tài trợ chủ yếu tập trung xây dựng một trạm y tế xã cho vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, biên giới.

Theo Bộ trưởng, một trong những nguyên nhân dẫn tới tình trạng thiếu bác sĩ dự phòng là do bộ máy tổ chức ở tuyến dưới, nhất là tuyến huyện tách ra rất nhiều trung tâm. Mặt khác, chuyên khoa này rất khó thu hút. Một số tỉnh đã 5, 6 năm không tuyển được bác sĩ dự phòng...

Trả lời chất vấn của đại biểu Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Bộ cũng rất mong muốn đưa các y bác sĩ hệ dự phòng được phép cấp chứng chỉ hành nghề để khi tham gia công tác ở các trung tâm y tế dự phòng có thể mở phòng khám tư.

Tuy nhiên, khi thảo luận Luật khám chữa bệnh, nhiều ý kiến không đồng tình. Đây là một điểm thiệt thòi cho cán bộ y tế dự phòng. Về giải pháp thu hút nhân lực, bên cạnh thu hút đầu vào, Bộ cũng dành nhiều ưu tiên trong quá trình học tập, hợp tác quốc tế.

Hiện nay, Bộ đã trình Chính phủ Đề án phát triển nguồn nhân lực, trong đó có đào tạo chuyên gia giỏi đối với các lĩnh vực, đặc biệt là y tế dự phòng. Y tế dự phòng hiện vẫn được đánh giá là phát triển cả về kỹ thuật trong phòng thí nghiệm và kỹ thuật giám sát, phòng chống dịch và hệ thống mạng lưới.

Liên quan đến chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế như ý kiến của đại biểu Lê Thị Nguyệt (Vĩnh Phúc), Bộ trưởng nhấn mạnh đây là chủ trương lớn để phát huy nguồn lực. Đối với các cơ sở công lập, mặt tích cực là cơ chế tự chủ tài chính giúp chủ động nguồn thu, chi; các đơn vị được cho phép liên doanh, liên kết, lắp đặt máy móc hiện đại trong khi nguồn ngân sách chưa có.

Nhờ công tác xã hội hóa, nhân dân có thể thụ hưởng các kỹ thuật hiện đại, phát hiện sớm bệnh hiểm nghèo...

Mặc dù vậy, mặt hạn chế của cơ chế tự chủ tài chính là có thể dẫn tới tình trạng lạm dụng dịch vụ và một vài hành lang pháp lý ở tình trạng “công không ra công, tư không ra tư”. Tuy nhiên trong giai đoạn quá độ, khi chưa thể cấp đủ ngân sách, cơ sở vật chất còn thấp, lương chưa đáp ứng yêu cầu, nếu không có cơ chế tài chính đảm bảo, không thể thực hiện được các kỹ thuật.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chất vấn Bộ trưởng về khả năng khắc phục, tạo chuyển biến trong chất lượng khám chữa bệnh, giảm tải bệnh viện, nâng cao y đức... từ nay đến năm 2015 được coi là chạm đến toàn diện các mặt hoạt động của ngành Y tế.

Trả lời chất vấn này, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nêu rõ 7 nhiệm vụ trọng tâm của ngành trong 5 năm 2011-2016, gồm: giảm tải bệnh viện; đổi mới toàn bộ cơ chế tài chính, điều chỉnh giá dịch vụ, viện phí; nâng cao năng lực y tế tuyến cơ sở để phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu, phục vụ y tế dự phòng; nâng cao số lượng, chất lượng nguồn nhân lực; nâng cao công tác truyền thông chăm sóc sức khỏe; xây dựng các trung tâm y tế chuyên sâu, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến.

Bộ trưởng cho biết năm 2012, Bộ thực hiện hai việc gồm trình Chính phủ ban hành Nghị định Đổi mới cơ chế tài chính - nền tảng để các đơn vị sự nghiệp có nguồn thu; điều chỉnh được giá dịch vụ.

Về vấn đề giảm tải, trước hết sẽ thực hiện tại Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai - hai bệnh viện nóng bỏng nhất ở tuyến Trung ương; một vài khoa của những bệnh viện quá tải hàng đầu.

Việc giảm tải, theo Bộ trưởng không thể thực hiện một sớm một chiều mà cần sự nỗ lực của cả hệ thống và đòi hỏi các giải pháp đồng bộ như giải phóng mặt bằng, xây dựng các bệnh viện vệ tinh, cơ sở 2 để đến năm 2015 sẽ có bước tiến rõ. Đi đầu phải là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Bộ trưởng cho rằng với số lượng tuyển sinh tăng hàng năm, mở rộng cơ sở đào tạo, từ năm 2013, vấn đề nhân lực sẽ bớt khó khăn, hạn chế phân tán lực lượng.

Bộ trưởng cũng hy vọng với sự ủng hộ cũng như phê phán, kiên quyết không tiếp tay của nhân dân, những đòi hỏi bức thiết của xã hội đồng thời cơ sở vật chất tăng lên, những chính sách đối với cán bộ y tế được đổi mới, nhận thức của đội ngũ y bác sĩ được nâng lên, gắn với học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng cường công tác truyền thông, vấn đề y đức sẽ được cải thiện.

Kết luận phần chất vấn, trả lời chất vấn về lĩnh vực y tế, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề nghị ngành Y tế nghiên cứu mở rộng các bệnh viện vệ tinh để giảm tải cho tuyến trên, nâng cao năng lực cho tuyến dưới; nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đặc biệt là chú ý động viên giáo dục đồng thời kiên quyết xử lý thái độ chưa đúng mực của thầy thuốc với bệnh nhân, thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền.”

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội, ngành phải tiếp tục chú ý xây dựng tuyến y tế cơ sở, đặc biệt vùng sâu, vùng xa, coi trọng giáo dục chăm sóc sức khỏe; khẩn trương và trách nhiệm cao hơn trong phát hiện dịch, chữa trị kịp thời từ cơ sở, tránh để dịch bệnh lây lan.

Bên cạnh đó, thực hiện đổi mới cơ chế quản lý tài chính ngành y tế với thực hiện bảo hiểm y tế; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành trong đào tạo, đào tạo lại, nâng cao trình độ cho đội ngũ thầy thuốc, đồng thời chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đội ngũ cán bộ ngành Y tế./.

Thanh Hòa (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục