Nghệ An, Hải Phòng sẵn sàng ứng phó với bão số 8 sẽ gây mưa lớn

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để ứng phó với bão số 8 đang tiến sát vào đất liền, Nghệ An cần khẩn cấp di dời các hộ dân ở vùng thấp trũng, cửa sông, cửa biển đến nơi an toàn.
Nghệ An, Hải Phòng sẵn sàng ứng phó với bão số 8 sẽ gây mưa lớn ảnh 1Tàu thuyền về neo đậu tránh trú bão tại khu cảng cá Lạch Quèn, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Chiều 13/10, Đoàn công tác của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai do ông Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, kiêm Phó Trưởng ban Thường trực làm Trưởng đoàn đã đi kiểm tra công tác ứng phó với bão số 8 trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Đoàn công tác đã đến kiểm tra công trình hồ Vực Mấu (thị xã Hoàng Mai), khu neo đậu tàu thuyền Lạch Quèn (huyện Quỳnh Lưu) và kiểm tra công trình kè Yên Xuân, thuộc hệ thống đê Tả Lam (đoạn qua xóm 5, xã Xuân Lam, huyện Hưng Nguyên).

Báo cáo với đoàn công tác, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, tỉnh có 3.438 tàu, thuyền với 17.190 lao động trực tiếp đánh bắt hải sản trên biển. Tỉnh đã có công điện cấm tàu thuyền ra khơi từ 0 giờ ngày 10/10.

Toàn tỉnh còn có 11.060 ha lúa Mùa chưa thu hoạch. Tỉnh chỉ đạo các địa phương huy động các lực lượng hỗ trợ nhân dân tập trung thu hoạch diện tích lúa với phương châm “xanh nhà hơn già đồng.”

Theo Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh, hiện Nghệ An có tổng diện tích nuôi trồng thủy sản là 21.000 ha (đã thu hoạch 3.000 ha), đang nuôi 18.009 ha; trên 2.500 lồng, bè. Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương quán triệt việc neo đậu an toàn và tuyệt đối không để người dân ở trên lồng bè khi có bão, mưa lũ.

Tỉnh có 1.061 hồ đập lớn nhỏ, hiện có 1035 hồ đầy nước, 23 hồ đạt trên 70% dung tích thiết kế. Ủy ban Nhân dân tỉnh đã cho phép mở cửa tràn để điều tiết đưa mực nước hồ xuống cao trình +19,80m để chủ động đón lũ, phòng lũ; tập trung rà soát các khu vực dân cư ở ven sông, suối, hạ lưu các hồ, đập, vùng trũng thấp, vùng ven suối ngoài bãi sông, khu vực có nguy cơ sạt lở, lũ quét, nhà ở không an toàn để chủ động sơ tán dân đến nơi an toàn.

Tỉnh đã chỉ đạo các địa phương ven biển chuẩn bị sẵn sàng với 5 kịch bản sơ tán dân vùng ven biển phòng tránh nước dâng khi có bão. Hiện tỉnh đang ứng với kịch bản bão cấp 9 kết hợp triều cường 2-3m, dự kiến phương án di dời tại chỗ 16.200 người; sơ tán đến chỗ khác 2.000 người.

Tại buổi làm việc, Nghệ An kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan xem xét hỗ trợ kinh phí để đầu tư xây dựng, sửa chữa một số công trình trọng điểm phòng, chống thiên tai trên địa bàn như sửa chữa trọng điểm xung yếu Yên Xuân Km74+600 - Km78+660, đê Tả Lam, đây là trọng điểm loại I.

Hệ thống kè Yên Xuân nằm trên đoạn sông có chế độ thủy lực vô cùng phức tạp, đặc biệt là chịu tác động rất mạnh của dòng chảy sông Cả ở sau hạ lưu cầu đường sắt Yên Xuân.

Bên cạnh đó, tỉnh kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về chủ trương đầu tư xây dựng công trình điều tiết nước trên sông Cả và giao cho tỉnh Nghệ An (chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) thực hiện dự án. Công trình có tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 500 tỷ đồng, giai đoạn đầu tư từ năm 2022-2025.

Nghệ An, Hải Phòng sẵn sàng ứng phó với bão số 8 sẽ gây mưa lớn ảnh 2Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại buổi làm việc. (Ảnh: Tá Chuyên/TTXVN)

Trước mắt giao tỉnh tiếp tục nghiên cứu các phương án chuẩn bị đầu tư và sử dụng nguồn vốn 8 tỷ đồng đã được bố trí cho đập Sông Lam theo Kế hoạch vốn đầu tư trung hạn nguồn ngân sách nhà nước giai đoạn 2021-2025 tại Quyết định số 1535/QĐ-TTg để thực hiện.

Sau khi đi kiểm tra thực tế, làm việc với lãnh đạo tỉnh và các sở, ban, ngành liên quan, Bộ trưởng Lê Minh Hoan biểu dương Nghệ An thực hiện nghiêm túc các công điện của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai.

Ủy ban Nhân dân tỉnh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn đã kịp thời ban hành các công điện để chỉ đạo, đối phó với bão số 8. Nghệ An và các địa phương đã có nhiều sáng tạo trong công tác phòng, chống bão.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan đề nghị tỉnh không chủ quan với các diễn biến bất thường của bão số 8; tiếp tục thực hiện nghiêm túc nội dung các công điện chỉ đạo của Trung ương và của tỉnh, triển khai các biện pháp ứng phó theo phương án được duyệt để đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của nhân dân, các công trình trọng điểm và các cơ sở hạ tầng khác.

Tỉnh duy trì lực lượng sẵn sàng giúp dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn, tổ chức cứu trợ khi có yêu cầu; tổ chức nghiêm túc công tác trực ban 24/24 giờ để chủ động nắm tình hình và có kế hoạch ứng phó kịp thời khi có tình huống xấu có thể xảy ra. 

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, để ứng phó với bão số 8 đang tiến sát vào đất liền, Nghệ An cần khẩn cấp di dời các hộ dân ở vùng thấp trũng, cửa sông, cửa biển đến nơi an toàn.

Đặc biệt, tỉnh hiện có hơn 1.000 hồ đã đầy nước, do đó, cần tăng cường kiểm tra công tác vận hành xả lũ của các hồ, đập; có phương án xả lũ để ứng phó với bão và phải thông báo với người dân ở vùng hạ du để chủ động ứng phó, di dời người và tài sản với các trường hợp sự cố hồ đập do mưa lũ gây ra.

Hải Phòng sẵn sàng phương án chống ngập lụt vùng đô thị

Trước dự báo sẽ nằm trong vùng mưa lớn của bão số 8, ngày 13/10, Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng đã có công điện yêu cầu các đơn vị triển khai các biện pháp phòng chống bão số 8, đặc biệt phòng chống lụt khu vực nông nghiệp và vùng lõi nội đô.

Để chủ động ứng phó với cơn bão số 8, thực hiện Công điện số 1337/CĐ-TTg ngày 12/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hải Phòng có công điện yêu cầu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân các huyện, quận và Thủ trưởng các sở, ngành, cơ quan, đơn vị khẩn trương thực hiện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão; kiểm đếm và bằng mọi biện pháp thông báo cho chủ các phương tiện đang hoạt động trên biển khẩn trương di chuyển về nơi trú tránh an toàn; quản lý chặt chẽ hoạt động của tàu thuyền thuỷ sản, tàu du lịch, tàu vận tải; tổ chức neo đậu tàu thuyền; gia cố lồng bè thủy sản; không để người trên các tàu thuyền, lồng bè, chòi canh thủy sản khi có gió mạnh hoặc bão đổ bộ, đặc biệt là khách du lịch trên biển và các đảo; giữ liên lạc thường xuyên với các chủ phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố căn cứ diễn biến của bão chủ động phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Ủy ban Nhân dân các quận, huyện xác định thời điểm, ban hành thông báo cấm biển và tạm dừng các hoạt động vận tải đường thủy nội địa, hệ thống cáp treo, khu vui chơi giải trí tại các khu du lịch biển; chủ động thông tin, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam dừng hoạt động của cầu vượt biển.

Các địa phương chủ động rà soát, thực hiện các phương án phòng chống bão, phương án sơ tán nhân dân ở khu vực trũng thấp, ven sông, ven biển, khu nhà cũ yếu, khu du lịch biển, khu vực có nguy cơ sạt lở và trên các phương tiện đã về nơi neo đậu; tổ chức kiểm tra và thực hiện biện pháp đảm bảo an toàn đê điều, công trình đang thi công, cầu tàu, bến cảng, các cơ sở đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, công trình giao thông, công trình công cộng, hệ thống truyền tải điện, thông tin liên lạc, khu vực khai thác khoáng sản, khu nuôi trồng thủy sản, trang trại, gia trại nông nghiệp, cắt tỉa cây xanh.

Ngoài ra, các địa phương tăng cường công tác thông tin tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện các biện pháp phòng chống bão, bảo vệ an toàn về người và tài sản; chủ động các biện pháp tiêu nước trong hệ thống thủy lợi đề phòng ngập úng, bảo vệ cây trồng; triển khai các biện pháp bảo vệ sản xuất, thu hoạch diện tích lúa, hoa màu và trái cây để giảm thiểu thiệt hại; rà soát, sẵn sàng phương án và tổ chức thực hiện đảm bảo an toàn giao thông trên các tuyến đường, đặc biệt tại các khu vực sạt lở do mưa lớn gây ra; sẵn sàng thực hiện phương án chống ngập lụt khu vực đô thị.

Cảng vụ Hàng hải Hải Phòng, Chi cục Đường thủy nội địa phía Bắc chỉ đạo, hướng dẫn các tàu, thuyền, phương tiện thủy neo đậu tại các vùng nước do đơn vị quản lý đảm bảo an toàn, không ảnh hưởng đến các công trình kết cấu hạ tầng khác khi có sự cố xảy ra; duy trì lực lượng, phương tiện cứu hộ, cứu nạn sẵn sàng ứng cứu khi có yêu cầu.

Các thành viên Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố chủ động kiểm tra, đôn đốc công tác phòng chống theo địa bàn, lĩnh vực đã được phân công; tổ chức trực ban nghiêm túc và thường xuyên báo cáo về Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục