Nghị quyết 68/NQ-CP: Trợ lực giúp doanh nghiệp vượt khó

Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ hỗ trợ nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc; trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.
Nghị quyết 68/NQ-CP: Trợ lực giúp doanh nghiệp vượt khó ảnh 1Hội nghị triển khai thực hiện Nghị quyết 68 của Chính phủ tại Thanh Hóa. (Nguồn: baodansinh.vn)

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa được giao nhiệm vụ hỗ trợ nhóm người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc; trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.

Hiện, ngân hàng đang phối hợp với địa phương và các ngành liên quan tiến hành rà soát, đảm bảo chính sách được thực hiện công khai, minh bạch, đúng đối tượng.

Công ty cổ phần Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam, huyện Thọ Xuân là một trong những doanh nghiệp thuộc diện được hưởng ưu đãi từ Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ. Thành lập từ tháng 6/2018, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho 124 lao động tại địa phương với mức thu nhập ổn định.

Tuy nhiên, từ đầu năm 2020, dịch COVID-19 xuất hiện, hợp đồng may gia công cho các đối tác bị cắt giảm. Nguồn nguyên liệu nhập về khan hiếm đã ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty.

Từ ngày 1/5/2021, công ty đã ngừng hoạt động do không có thêm đơn hàng mới, kéo theo đó là hơn 100 công nhân mất việc làm.

Sau khi Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ được ban hành, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thọ Xuân đã đến doanh nghiệp tuyên truyền, phổ biến chính sách.

Xét thấy doanh nghiệp có nhu cầu và đủ điều kiện cho vay, cán bộ ngân hàng đã hướng dẫn doanh nghiệp làm hồ sơ vay hơn 1 tỷ đồng để trả lương 3 tháng cho 122 lao động phải ngừng việc.

Hiện, hồ sơ đã được hoàn thiện và gửi các cơ quan chức năng xác nhận.

Ông Hoàng Văn Thiệu, Giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ may xuất khẩu Xuân Lam, cho biết mặc dù doanh nghiệp đã ngừng hoạt động, nhưng để giữ chân lao động, doanh nghiệp vẫn phải trả lương cơ bản cho hơn 100 lao động.

Nghị quyết 68/NQ-CP là chính sách có ý nghĩa thiết thực, được ban hành đúng lúc doanh nghiệp khó khăn nhất đã giúp cho công ty có phương án phục hồi sản xuất khi dịch bệnh được kiểm soát.

Đợt dịch COVID-19 cũng đã khiến cho hoạt động sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Phú, huyện Thọ Xuân gặp nhiều khó khăn.

Ông Vũ Văn Vĩnh, Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Quảng Phú, đánh giá đây là chính sách cần thiết, góp phần động viên doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn để phục hồi sản xuất kinh doanh.

[Phê duyệt trên 99 tỷ đồng để trả lương cho gần 30.000 người lao động]

Ngay sau khi có Nghị quyết 68/NQ-CP, cán bộ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thọ Xuân đã trực tiếp phổ biến cho doanh nghiệp về điều kiện vay vốn, mức cho vay, lãi xuất, quy trình cho vay…

Đợt này, doanh nghiệp có nhu cầu vay 82 triệu đồng để trả lương 3 tháng cho 9 công nhân bị ngừng việc. Hiện hồ sơ đang được Bảo hiểm xã hội tỉnh xác nhận.

Theo ông Đặng Ngọc Hoàn, Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thọ Xuân, trên địa bàn huyện có 222 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, với tổng số 6.451 lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Thực hiện Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ, Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Thọ Xuân đã kịp thời rà soát, nắm được nhu cầu, nguyện vọng của các doanh nghiệp đóng trên địa bàn.

Trên cơ sở đối chiếu các điều kiện được cho vay, đơn vị đã cử cán bộ xuống doanh nghiệp, trực tiếp hướng dẫn làm hồ sơ, đảm bảo hỗ trợ của Chính phủ đến tay doanh nghiệp kịp thời, đúng đối tượng.

Đơn vị đã rà soát 175 doanh nghiệp có từ 5 lao động trở lên; trong đó, có 173 doanh nghiệp chưa có nhu cầu vay để trả lương do doanh nghiệp vẫn đang duy trì sản xuất kinh doanh ổn định.

Chỉ có 2 doanh nghiệp đăng ký vay vốn trả lương cho lao động ngừng việc. Hiện 2 doanh nghiệp đã hoàn thiện hồ sơ và dự kiến sẽ được giải ngân trong tuần này.

Theo báo cáo của Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa, tính đến ngày 31/7/2021, tại 27 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh, đơn vị đã rà soát được 985 đơn vị; trong đó, có 856 đơn vị thuộc nhóm đối tượng người sử dụng lao động vay vốn để trả lương ngừng việc; trả lương cho người lao động khi phục hồi sản xuất kinh doanh.

Tuy nhiên, qua rà soát, có 518 đơn vị không đủ điều kiện vạy vốn; 335 đơn vị không có nhu cầu vay. Tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn mới chỉ có 3 doanh nghiệp đang hoàn thiện hồ sơ vay vốn.

Lý giải điều này, ông Nguyễn Tiến Trứ, Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa, cho biết Thanh Hóa là một trong những tỉnh đang kiểm soát dịch COVID-19 tương đối tốt, nên qua rà soát, số doanh nghiệp buộc phải ngừng hoạt động không nhiều, chưa có nhu cầu vay vốn hỗ trợ.

Tuy nhiên, chính sách vẫn còn thực hiện đến tháng 4/2022, do vậy, thời gian tới, với chức năng, nhiệm vụ được giao, Ngân hàng Chính sách Xã hội tỉnh Thanh Hóa sẽ tiếp tục phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành rà soát, nắm bắt nhu cầu, nguyện vọng của doanh nghiệp để có hỗ trợ kịp thời, giúp các doanh nghiệp vượt qua thời điểm khó khăn, có thêm nguồn lực phục hồi sản xuất.

Với tinh thần “chống dịch như chống giặc” và quán triệt quan điểm thực hiện “mục tiêu kép” của Chính phủ, sự ra đời của Nghị quyết 68/NQ-CP đã góp phần tạo thêm niềm tin, động lực, để người lao động và doanh nghiệp vững vàng vượt qua đại dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục