Nghiên cứu cơ chế “dân thụ hưởng” ở mỗi loại hình dân chủ cơ sở

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật thực hiện dân chủ ở cơ sở, trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).
Nghiên cứu cơ chế “dân thụ hưởng” ở mỗi loại hình dân chủ cơ sở ảnh 1Ban tiếp công dân huyện An Biên, Kiên Giang tiếp hộ dân trên địa bàn huyện. Ảnh minh họa. (Ảnh: Lê Sen/TTXVN)

Theo Thông báo số: 831/TB-TTKQH Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp thứ 9 về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với sự cần thiết ban hành Luật nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng,” cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 về quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến cụ thể để tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 3 (tháng 5/2022).

Tán thành việc đổi tên Luật

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc đổi tên Luật là Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Về bố cục, đối với mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở cần thiết kế thành một chương riêng, trong đó phải quy định rõ quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc thực hiện dân chủ ở cơ sở, trình tự, thủ tục thực hiện và tương ứng là trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền trong việc bảo đảm thực hiện các quyền dân chủ của người dân; các điều luật phải cụ thể, chi tiết, rõ cơ chế, cách thức bảo đảm thực hiện phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng.”

Trên cơ sở tán thành việc mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật như đề xuất của Chính phủ, gồm thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn; ở cơ quan, đơn vị sự nghiệp công lập của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội; ở tổ chức kinh tế có sử dụng lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn, cần xác định phạm vi “cơ sở” để thực hiện dân chủ bao gồm cả thôn, tổ dân phố, xã, phường, thị trấn.

Việc thực hiện dân chủ ở cơ quan, tổ chức, đơn vị, cần quy định rõ hơn tiêu chí để xác định cơ quan, đơn vị, bộ phận của cơ quan, đơn vị nào là “cơ sở” để thực hiện dân chủ.

Đối với việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính chất đặc thù, đề nghị làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc có điều chỉnh hay không điều chỉnh trong Luật, nếu có thì điều chỉnh ở mức độ nào là phù hợp.

[UBTV Quốc hội: Hoàn thiện pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở]

Nghiên cứu phương án luật này quy định các nguyên tắc chung về việc thực hiện dân chủ ở cơ sở tại cơ quan, đơn vị của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị-xã hội và giao trách nhiệm cho các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền, căn cứ vào các nguyên tắc đó, quy định cụ thể việc thực hiện dân chủ tại cơ quan, tổ chức, đơn vị có tính chất đặc thù.

Cùng với việc điều chỉnh việc thực hiện dân chủ ở cơ sở trong nội bộ cơ quan, tổ chức, đơn vị, cần nghiên cứu, bổ sung quy định về việc thực hiện dân chủ trong mối quan hệ giữa cơ quan, tổ chức, đơn vị với công dân trong quá trình giải quyết công việc của người dân theo chức năng, nhiệm vụ được giao.

Về thực hiện dân chủ ở tổ chức kinh tế có sử dụng lao động, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị làm rõ phạm vi “cơ sở” tại tổ chức kinh tế có sử dụng lao động để thực hiện dân chủ; thiết kế nội dung này thành một chương riêng, trong đó có các quy định chung, quy định nguyên tắc về thực hiện dân chủ ở các loại hình tổ chức kinh tế có sử dụng lao động, quy định đặc thù đối với loại hình doanh nghiệp nhà nước và viện dẫn đến các quy định của pháp luật có liên quan để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.

Mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật

Trên cơ sở phân biệt rõ nội hàm quyền kiểm tra với quyền giám sát của người dân ở cơ sở, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bổ sung các quy định về hình thức kiểm tra, giám sát, nội dung kiểm tra, giám sát, hiệu lực và việc thực hiện các kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của người dân; nghiên cứu bổ sung, cụ thể hóa cơ chế “dân thụ hưởng” tại mỗi loại hình thực hiện dân chủ ở cơ sở; bổ sung, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức Công đoàn và các tổ chức chính trị-xã hội khác cũng như cơ chế bảo đảm để các tổ chức chính trị-xã hội này thực hiện vai trò làm nòng cốt, bảo đảm thực hiện dân chủ ở cơ sở theo đúng chủ trương “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội làm nòng cốt để Nhân dân làm chủ”; bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với hành vi vi phạm pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trong việc chậm trễ hoặc không tuân thủ pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở để bảo đảm yêu cầu phát huy, mở rộng dân chủ đi đôi với giữ nghiêm kỷ cương, kỷ luật; quyền hạn gắn với trách nhiệm, quyền lợi đi đôi với nghĩa vụ, chống tình trạng vô chính phủ, lợi dụng, lạm dụng dân chủ để vi phạm pháp luật, gây mất ổn định an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, gây chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc.

Nghiên cứu cơ chế “dân thụ hưởng” ở mỗi loại hình dân chủ cơ sở ảnh 2Phiên họp thứ 9 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. (Ảnh: TTXVN)

Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành việc chuyển các quy định về Thanh tra nhân dân từ Luật Thanh tra sang quy định trong Luật này. Đề nghị Chính phủ đánh giá, tổng kết đầy đủ việc thực hiện chế định Thanh tra nhân dân theo Luật Thanh tra hiện hành, trên cơ sở đó tiếp tục kế thừa những quy định còn phù hợp, chỉ rõ những bất cập, hạn chế để sửa đổi, bổ sung và quy định trong dự thảo Luật này.

Cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục rà soát kỹ các luật có liên quan quy định về các hình thức kiểm tra, giám sát có tính chất tự quản tương tự của nhân dân (như Ban giám sát đầu tư của cộng đồng, Tổ hòa giải, Tổ tự quản,...) để có quy định phù hợp trong dự thảo Luật và dẫn chiếu đến các luật có liên quan.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội yêu cầu cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp với cơ quan chủ trì thẩm tra tiếp tục rà soát kỹ các văn bản của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, văn bản của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các luật, nghị định có liên quan trực tiếp đến việc thực hiện dân chủ ở cơ sở để thể chế hóa đầy đủ, kịp thời; xác định rõ mối quan hệ cũng như nguyên tắc áp dụng Luật này với các luật khác nhằm bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, tránh trùng lặp hoặc mâu thuẫn, chồng chéo; nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội.

Đồng thời, tiếp tục rà soát, hoàn thiện cả về nội dung và kỹ thuật của dự thảo Luật trên cơ sở tiếp thu đầy đủ ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và ý kiến của các cơ quan thẩm tra như việc sử dụng thuật ngữ “cử tri,” “Nhân dân,” “công dân,” “cộng đồng dân cư”...

Bộ Nội vụ có trách nhiệm báo cáo, tham mưu giúp Chính phủ khẩn trương hoàn thiện hồ sơ chính thức của dự án Luật để trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại kỳ họp 3 (tháng 5/2022).

Hồ sơ dự án Luật cần bổ sung dự thảo các văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành các nội dung được giao trong dự thảo Luật; bảo đảm thực hiện việc lồng ghép vấn đề bình đẳng giới; hoàn thiện báo cáo tổng kết để phản ánh đầy đủ, toàn diện các nội dung được điều chỉnh trong Luật; hoàn thiện báo cáo đánh giá tác động của dự án luật, nhất là đối với những chính sách mới được bổ sung; làm rõ cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn về sự cần thiết ban hành luật trong Tờ trình của Chính phủ để tăng tính thuyết phục. Chậm nhất là ngày 15/4/2022, hồ sơ dự án Luật phải được gửi đến Ủy ban Pháp luật để tổ chức thẩm tra chính thức theo quy định./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục