Nghiên cứu mới về tác động của dịch COVID-19 tới sức khỏe tâm thần

Theo một nghiên cứu tại Tây Ban Nha, sức khỏe tâm thần của tất cả người dân đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19; 40% người tham gia có các biểu hiệu trầm cảm, 30% liên tục căng thẳng, lo lắng.
Nghiên cứu mới về tác động của dịch COVID-19 tới sức khỏe tâm thần ảnh 1Người dân đeo khẩu trang phòng dịch COVID-19 tại Madrid (Tây Ban Nha). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Hai nhà nghiên cứu Selene Valero và José Gil của trường Đại học Valencia (Tây Ban Nha) mới đây đã tiến hành nghiên cứu sự thay đổi trong giấc ngủ và ổn định cảm xúc của những người khỏe mạnh và những người đã mắc bệnh trước và sau khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, sức khỏe tâm thần của tất cả người dân đã bị ảnh hưởng. Nghiên cứu cho thấy 40% những người tham gia có các biểu hiệu trầm cảm nặng hoặc nhẹ. 30% số người tham gia cho biết họ liên tục rơi vào cảm giác căng thẳng và lo lắng.

Điều này đã làm tăng xu hướng cảm thấy bực bội, cáu kỉnh ở những người không có tiền sử bệnh, khiến việc giao tiếp trở nên khó khăn hơn, ảnh hưởng tiêu cực đến các mối quan hệ cá nhân.

Trong khi đó, chất lượng giấc ngủ của những người có bệnh nền hoặc bị rối loạn chức năng chỉ xấu đi trong thời gian xảy ra đại dịch.

[COVID-19 có thể ảnh hưởng đến hệ sinh sản của nam giới trong 2 tháng]

Tuy nhiên, họ không thấy khó chịu vì điều này, và không có dấu hiệu nào cho thấy họ bị trầm cảm hoặc lo lắng nghiêm trọng. Họ cũng không hề cảm thấy cuộc sống trở nên tồi tệ hơn khi phải điều trị trong dịch bệnh.

Để đưa ra các kết luận này, chuyên gia đã yêu cầu 69 người tham gia nghiên cứu hoàn thành mẫu đánh giá về mô hình triệu chứng của các cá nhân. Mẫu thăm dò này có tên gọi SCL-90, cho phép theo dõi sự xuất hiện của 90 triệu chứng phát bệnh và các rối loạn tâm lý khác nhau, từ đó đánh giá được mức độ nghiêm trọng.

Nhờ có công cụ này, các nhà nghiên cứu đã có thể đánh giá sự khác biệt giữa các thành viên và theo dõi sự thay đổi của họ qua thời gian.

Các tác giả chỉ ra rằng việc đánh giá những khía cạnh trên là hữu ích, do cho phép chúng ta phát hiện sớm các dấu hiệu tiêu cực khi phải thích ứng với tình hình căng thẳng như hiện nay, cũng như ngăn ngừa sự phát triển của rối loạn tâm lý, hay giảm bớt mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng.

Nghiên cứu đã được đăng trên tạp chí "Know and Share Psychology"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục