Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố chung về nhiều vấn đề nóng của thế giới

Ngoại trưởng G7 ra tuyên bố về vấn đề Triều Tiên, việc Trung Quốc quân sự hóa tiền đồn ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông, gây sức ép với cá nhân chịu trách nhiệm về tình hình Libya.
Ngoại trưởng nhóm G7 họp ở Dinard, Pháp ngày 5/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Ngoại trưởng nhóm G7 họp ở Dinard, Pháp ngày 5/4/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Kết thúc hai ngày hội nghị tại khu nghỉ dưỡng Breton ở Dinard, miền Bắc nước Pháp, ngày 6/4, Ngoại trưởng Nhóm Các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã ra tuyên bố chung đề cập tới nhiều vấn đề nóng của thế giới.

Phát biểu với phóng viên sau hội nghị, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono cho hay G7 đã khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ các lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc đối với Triều Tiên trong nỗ lực buộc nước này phải phi hạt nhân hóa.

G7 nêu bật sự phối hợp trong việc hạn chế các biện pháp né tránh trừng phạt của Bình Nhưỡng, như hoạt động vận chuyển xăng dầu từ tàu sang tàu, bán than đá và các mặt hàng bị cấm khác.

Ngoài ra, theo Ngoại trưởng Kono, G7 cũng hối thúc Triều Tiên giải quyết vấn đề bắt cóc công dân Nhật Bản trong thập niên 1970-1980 của thế kỷ trước.

[Triều Tiên là một trong số chủ đề chính của Hội nghị Ngoại trưởng G7]

Liên quan việc Trung Quốc quân sự hóa tiền đồn ở các khu vực tranh chấp của Biển Đông và dự định làm suy yếu sự kiểm soát của Nhật Bản đối với quần đảo Senkaku mà Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư ở Biển Hoa Đông, G7 đã bày tỏ phản đối mọi hành động đơn phương làm xói mòn sự ổn định khu vực và trật tự dựa trên quy tắc của quốc tế.

Trong khi đó, các ngoại trưởng G7 cũng được sự đồng thuận rộng rãi về việc gây sức ép đối với những cá nhân chịu trách nhiệm về cuộc tranh giành quyền lực ở Libya, đặc biệt là Tướng Khalifa Haftar - người đứng đầu lực lượng đối lập Quân đội Quốc gia Libya (LNA) tự xưng, để tránh leo thang quân sự.

Tuy nhiên, các nước G7 đã không thể thu hẹp được bất đồng về cuộc xung đột Israel-Palestine và cách thức đối phó với Iran.

Hội nghị tại Dinard được kỳ vọng đặt nền tảng cho Hội nghị thượng đỉnh G7 diễn ra ngày 24-26/8 tại Biarritz, Pháp. Hội nghị lần này không có sự tham dự của Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, thay vào đó là Thứ trưởng Ngoại giao John Sullivan.

Hội nghị thượng đỉnh G7 năm ngoái ở Canada đã chứng kiến những chia rẽ sâu sắc giữa các nước thành viên khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rời hội nghị sớm, không ký tuyên bố chung của hội nghị và công khai chỉ trích Thủ tướng nước chủ nhà Justin Trudeau.

G7 hiện có Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục