Ngư dân đầu tiên tại Quảng Nam được vay vốn đóng tàu vỏ thép

Ngư dân đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam được vay vốn đóng tàu vỏ thép

BIDV đã tổ chức lễ ký kết giải ngân vốn tín dụng đầu tiên ngư dân Quảng Nam đóng tàu vỏ thép ra khơi bám biển với tổng số vốn 12,6 tỷ đồng.
Ngư dân đầu tiên tại tỉnh Quảng Nam được vay vốn đóng tàu vỏ thép ảnh 1Quang cảnh lễ ký kết. (Nguồn: BIDV)

Ngày 12/3, tại tỉnh Quảng Nam, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ ngư dân tại tỉnh Quảng Nam vay vốn đóng tàu vỏ thép khai thác xa bờ. Đây là hợp đồng tín dụng hỗ trợ ngư dân đầu tiên trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Theo đó, BIDV Quảng Nam ký kết với khách hàng là ông Phan Thu chủ tàu cá tại huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam, vay vốn đóng tàu vỏ thép lưới rê, công suất 822CV, tổng giá trị đầu tư là 12,6 tỷ đồng, trong đó BIDV hỗ trợ cho vay lên tới 93% giá trị, tương đương 11,7 tỷ đồng; thời hạn cho vay 11 năm; tài sản thế chấp chính là con tàu hình thành từ vốn vay; lãi suất cho vay được hỗ trợ theo đúng hướng dẫn tại Nghị định 67.

Dự kiến, tàu được triển khai đóng trong tháng 4/2015, sau khoảng 4-5 tháng sẽ hoàn thiện, bàn giao và đưa vào khai thác, sử dụng.

Song song với việc ký kết hợp đồng tín dụng hỗ trợ vay vốn đóng tàu, BIDV cũng xem xét cho vay vốn lưu động đối với khách hàng, đảm bảo ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh, theo đúng hướng dẫn của Nghị định 67 về các chính sách phát triển thủy sản.

Phát biểu tại lễ ký kết, ngư dân Phan Thu cho biết hợp đồng tín dụng lần này được ký kết đã đưa Nghị định 67 đến gần hơn với các ngư dân tại địa bàn tỉnh Quảng Nam, là tín hiệu vui, động viên và tiếp thêm nghị lực cho các hộ gia đình kinh doanh ngành nghề đi biển yên tâm vươn khơi bám biển, ổn định cuộc sống, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc.

Hiện tại toàn tỉnh Quảng Nam đã có 64 hộ gia đình/ngư dân được Ủy ban Nhân dân tỉnh cấp quyết định phê duyệt danh sách đủ điều kiện vay vốn, chiếm tỷ lệ 70% trên tổng số lượng tàu được phân bổ, trong đó BIDV Quảng Nam đã tiếp cận, giới thiệu chương trình và hồ sơ thủ tục vay vốn tới trên 10 hộ ngư dân/gia đình, số còn lại đang trong quá trình tìm hiểu và lựa chọn mẫu tàu cũng như cơ sở đóng tàu phù hợp.

Trước đó, BIDV đã triển khai ký kết hợp đồng cho vay đóng tàu khai thác xa bờ thực hiện Nghị định 67/CP của Chính phủ tại các địa phương: Thừa Thiên Huế, Bình Định, Khánh Hòa, Vũng Tàu. Tổng giá trị hợp đồng tín dụng cho vay đến thời điểm hiện tại là 97,7 tỷ đồng, để đóng mới 7 con tàu và hầu hết là tàu vỏ thép theo đúng định hướng của Nghị định 67/CP./.

Nội dung chính của Nghị định 67/2014/NĐ-CP

- Chủ tàu đóng mới hay nâng cấp tàu được vay ngân hàng tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới, nâng cấp, thời hạn vay tới 11 năm và lãi suất chủ tàu phải trả thấp nhất là 1%/năm và cao nhất chỉ là 3%/năm. Với việc đóng mới tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ vỏ thép (có tổng công suất máy chính 400CV trở lên), bao gồm cả máy móc, trang thiết bị hàng hải; máy móc thiết bị bảo quản hải sản; bảo quản hàng hóa; bốc xếp hàng hóa, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 1%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 6%/năm; tàu vỏ gỗ, chủ tàu được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới, với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù 4%/năm.

- Đối với tàu hải sản xa bờ vỏ gỗ, thép được đóng mới, chủ tàu được vay tối đa từ 70% đến 95% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả từ 1-3%/năm, ngân sách Nhà nước cấp bù từ 4-6%/năm. Tàu vỏ gỗ công suất dưới 400CV được nâng cấp thành tàu có công suất từ 400CV trở lên được vay tối đa 70% giá trị nâng cấp tàu với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Theo Nghị định, thời hạn cho vay sẽ kéo dài trong 11 năm, trong đó năm đầu tiên chủ tàu được miễn lãi và chưa phải trả nợ gốc. Chủ tàu được thế chấp giá trị tài sản hình thành từ vốn vay làm tài sản để đảm bảo khoản vay. Lãi suất được duy trì ổn định 7%/năm. Trong trường hợp chủ tàu gặp rủi ro do nguyên nhân khách quan, bất khả kháng, tùy từng trường hợp, chủ tàu được ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và được xử lý theo hợp đồng bảo hiểm.
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục